Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phòng, chống dịch Covid-19
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khôi phục sản xuất trong doanh nghiệp: Chính quyền đồng hành, lao động yên tâm làm việc

Cập nhật: 21:34 ngày 13/06/2021
(BGĐT) - Sau thời gian ngắn tạm dừng hoạt động, đến nay nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài khu công nghiệp (KCN) đã được tỉnh Bắc Giang cho phép hoạt động trở lại. Để thực hiện "mục tiêu kép", “vừa chống dịch, vừa sản xuất”, các cấp chính quyền, ngành chức năng đang tập trung cao hỗ trợ DN đón công nhân, bảo đảm an toàn cho người lao động.

{keywords}

Công nhân Công ty TNHH  Sản xuất Sanwa Việt Nam, KCN Đình Trám làm việc tại phân xưởng.

Nhiều công nhân trở lại làm việc

Chị Trần Thị Huệ (SN 1983), quê ở xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) làm công nhân Công ty TNHH KTC Electronics Việt Nam (KCN Song Khê - Nội Hoàng). Từ khi nhận được thông báo của Công ty, chị luôn mong sớm được trở lại làm việc. “Cách đây hơn một tuần tôi nhận được thông tin của Công ty về việc chuẩn bị quay lại làm việc. Những ngày sau đó, cán bộ thôn, xã liên tục thông báo nhắc nhở tôi thời gian đến Trạm Y tế xã để test nhanh Covid-19 cũng như chuẩn bị tư trang để đi làm trở lại”, chị Huệ chia sẻ.

Như chị Huệ, hơn 80 công nhân Công ty TNHH Sanwa Việt Nam (KCN Đình Trám), ngay sau khi được test nhanh Covid-19 tại Trạm Y tế xã Hồng Thái có kết quả âm tính đã được DN đón về khu vực nhà xưởng mới được cải tạo để ở theo dõi sức khỏe. Tại đây, những lao động này tiếp tục được theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm PCR, chỉ ai có kết quả âm tính mới vào làm việc trong phân xưởng.

Bà Nguyễn Thị Thúy, cán bộ Phòng Hành chính Nhân sự Công ty cho biết, việc khôi phục sản xuất của DN rất khó khăn. Để công nhân yên tâm làm việc, Công ty dành hàng trăm triệu đồng cải tạo các phòng ở, có vách ngăn, trang bị đầy đủ giường và đồ dùng sinh hoạt để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài”. 

Khác với mô hình sản xuất cũ, quay lại sản xuất, toàn bộ người lao động ăn, ở, ngủ cùng nhau, không tiếp xúc với bên ngoài. Hằng ngày, công nhân được đo thân nhiệt tại cổng ra vào Công ty, trường hợp sốt từ 37 độ C trở lên sẽ được đưa về khu vực cách ly riêng theo dõi sức khỏe. Công ty bố trí lao động làm việc theo từng nhóm nhỏ, giãn khoảng cách 2 m giữa các công nhân và buộc phải đeo khẩu trang trong quá trình làm việc.

Cùng với đó, 3 ngày/lần, Công ty phun hóa chất tiêu độc khử trùng xung quanh DN và trong nhà xưởng; thường xuyên vệ sinh hành lang, cửa ra vào, bảo đảm thoáng khí. Anh Nguyễn Văn Bình, công nhân Công ty cho biết, quay trở lại làm việc, anh cũng như nhiều lao động khác đều rất phấn khởi bởi tin tưởng an toàn dịch, mỗi tháng có thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Đây là khoản thu lớn để trang trải cuộc sống và lo cho cả gia đình. Ngoài khoản thu nhập trên, mỗi ngày Công ty hỗ trợ người lao động 200 nghìn đồng, phát nước uống theo chai riêng và nuôi công nhân ăn 3 bữa.

Tương tự, sau khi đón công nhân trở lại làm việc, Công ty TNHH Siflex Việt Nam (KCN Quang Châu) bố trí cho hàng trăm lao động lưu trú tại DN. Quan sát tại đây, các khu nhà ở cho công nhân đều được cải tạo khang trang, sạch sẽ, có đủ giường, chăn, gối, màn, nhà vệ sinh. Giữa các khu nhà ở này đều được ngăn cách bằng vách ngăn và màn gió. 

Theo ông Nguyễn Văn Quân, Trưởng Phòng Hành chính Nhân sự Công ty, để thuận lợi trong theo dõi sức khỏe công nhân, DN sắp xếp cho người lao động cùng tổ, phân xưởng ở cùng phòng, cùng khu vực lưu trú, không ra bên ngoài. Làm như vậy sẽ thuận lợi khi phát hiện công nhân có sức khỏe bất thường, kịp thời khoanh vùng để xử lý, cách ly. 

Hướng dẫn, hỗ trợ DN, người lao động

{keywords}

Công ty TNHH Fuhong Precision Component (KCN Đình Trám) đón công nhân quay lại nhà máy làm việc.

Theo Ban Quản lý Các KCN tỉnh, toàn tỉnh có hơn 100 DN trong các KCN được phép hoạt động trở lại, trong đó có hơn 40 DN đã sản xuất, kinh doanh tại các KCN. Tại các huyện: Lạng Giang, Yên Thế, Lục Nam… có gần 50 DN sau khi được thẩm định đủ điều kiện phòng, chống dịch cũng quay lại hoạt động. 

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó trưởng Ban Quản lý Các KCN tỉnh cho biết, hơn nửa tháng qua, các tổ công tác liên ngành của tỉnh khảo sát, thẩm định điều kiện an toàn dịch bệnh tại các DN trong KCN cho thấy, các DN tổ chức lại sản xuất theo mô hình khác hoàn toàn so với trước đây, đó là chú trọng phòng dịch từ ngoài vào bên trong nhà xưởng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay trừ các DN thuộc Tập đoàn Hồng Hải có khu ký túc xá cho công nhân lưu trú, còn lại vẫn gặp khó khăn chung đó là khó bố trí chỗ ở cho người lao động tại nơi sản xuất do quỹ đất hẹp.

Không chỉ gặp khó khăn như trên, hầu hết các DN quay lại hoạt động đều chưa đón đủ số lượng công nhân như đã đăng ký. Ví như Công ty TNHH Siflex Việt Nam mới đón gần 200/500 công nhân. Công ty TNHH Fuhong Precision Component hiện mới có gần 1.600 công nhân quay lại làm việc trong tổng số 3.000 lao động dự kiến trở lại DN trong tháng 6/2021…

Nguyên nhân do thời gian qua, hoạt động xác nhận cho công nhân đủ điều kiện an toàn của các huyện còn chậm. Một phần là do công nhân ở rải rác, không tập trung nên khó lấy mẫu test nhanh Covid-19 đủ số lần theo quy định để xác nhận quay lại nhà máy. Ngoài ra, do nhiều công nhân còn tâm lý e ngại dịch chưa chấm dứt nên không muốn đi làm ngay. 

Trước những khó khăn trên, UBND tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp chỉ đạo các cơ quan liên quan, các huyện, TP tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn DN tháo gỡ vướng mắc. Theo đó tỉnh giao Ban Quản lý Các KCN tỉnh, 35 tổ công tác của tỉnh hướng dẫn DN xây dựng kế hoạch tổ chức lại sản xuất. Về việc bố trí chỗ ở cho người lao động, những đơn vị chưa có ký túc xá khẩn trương cải tạo lại các khu nhà xưởng, văn phòng để ngăn cách thành các phòng cho công nhân ở lại DN. Các DN đã đi vào hoạt động đều bảo đảm được chỗ ở cho công nhân.

Liên quan đến việc đón công nhân gặp khó khăn, mới đây UBND tỉnh ban hành Công văn 2666 về việc hỗ trợ DN đón lao động trở lại. Theo đó, tỉnh thành lập Tổ kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc xác nhận người lao động đã được kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 và hỗ trợ DN đón lao động (Tổ hỗ trợ DN-PV). 

Ông Nguyễn Văn Nhân, Trưởng Phòng Kinh tế ngành, Văn Phòng UBND tỉnh, Tổ phó Tổ hỗ trợ DN cho biết: Tổ đã hướng dẫn chi tiết quy trình đón công nhân hiện nay gửi đến Ban Quản lý Các KCN tỉnh, các huyện, TP và DN để căn cứ thực hiện. Trước thực tế, công nhân sinh sống ở nhiều điểm khác nhau ở các huyện, các DN lập danh sách công nhân có nhu cầu đi làm gửi qua zalo cho Ban Quản lý Các KCN tỉnh, sau đó Ban gửi cho các địa phương rà soát danh sách công nhân đủ điều kiện. Sau khi chốt danh sách, các địa phương gửi ngay lại Ban và Tổ để lập phương án đón công nhân. 

Trước khi đón, người lao động được thông báo đến các trạm y tế xã làm test nhanh để sàng lọc, trường hợp âm tính được DN đón ngay về Công ty để ở tại vùng đệm theo dõi sức khỏe và tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc-xin và cách ly theo nhóm. Xe đón công nhân tối đa 22 người/xe, ngồi giãn cách. Khi qua các chốt, Tổ hỗ trợ cho xe chở công nhân qua chốt được thông suốt.

Với cách làm trên, đến nay sau 5 ngày vào cuộc, Tổ hỗ trợ DN tỉnh đã hỗ trợ 36 DN đón 1.800 lao động, bảo đảm đúng phương án và quy định của tỉnh. Cùng đó, UBND các huyện, TP rà soát, xác nhận cho 5.168 người lao động đủ điều kiện trở lại làm việc. 

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, sau khi nhận được thông báo cũng như số lượng công nhân của các DN đang ở trên địa bàn đủ điều kiện đi làm, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch huyện thông tin đến các xã, thị trấn, sau đó tiếp tục thông báo đến thôn, tổ dân phố yêu cầu các tổ xung kích đến từng xóm trọ kiểm tra lại danh sách, số điện thoại của công nhân. Địa phương bố trí phương tiện đón công nhân tại điểm chốt ở các thôn rồi đưa đến trạm y tế xã, thị trấn để test nhanh, bàn giao cho DN đón trở lại nhà xưởng.

Theo Bộ Y tế, để phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh ở KCN, DN phải thực hiện tốt yêu cầu 5K và các biện pháp sau:
- Phun khử khuẩn định kỳ (ít nhất một lần/tuần) trong phạm vi DN, bố trí đủ dung dịch rửa tay diệt khuẩn, yêu cầu bắt buộc 100% người lao động đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
- Kiểm tra thân nhiệt người lao động đến làm việc. Quản lý, kiểm soát chặt thông tin người lao động ngoại tỉnh làm việc tại KCN để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.
- Khuyến khích DN bố trí xe đưa, đón công nhân (hạn chế đi xe công cộng), thực hiện giãn cách, bảo đảm không quá 50% chỗ ngồi trên xe. Bố trí chia ca làm việc để giữ khoảng cách khi làm việc, bố trí không gian làm việc thông thoáng.
- Bảo đảm vệ sinh khu chế biến thực phẩm, phòng ăn, phòng ngủ tại DN; bố trí phòng ăn, bàn ăn, ăn theo ca.
 

Bài ảnh: Hải Minh - Sỹ Quyết

Bắc Giang: Nhiều người dân chủ quan trong phòng dịch
(BGĐT) - Mặc dù nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang thực hiện quy định cách ly, giãn cách xã hội song những ngày gần đây, một bộ phận người dân có dấu hiệu chủ quan, lơ là trong thực hiện quy định về phòng dịch Covid-19.  
Phê bình Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19
(BGĐT)-Ngày 12/6, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản phê bình Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn về công tác phòng, chống dịch Covid-19.





Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...