Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Diễn đàn công luận
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đâu phải “nhất phong bì, nhì thân quen”

Cập nhật: 08:40 ngày 22/07/2014
(BGĐT) - Anh con bác tôi chuẩn bị làm nhà, biết tôi làm ở một cơ quan cấp tỉnh, anh nhờ tôi “tác động” để việc cấp giấy phép xây dựng được thuận lợi.
Mặc dù đã nhiều lần giải thích với anh rằng ở thành phố có bộ phận "một cửa” chuyên tiếp nhận các loại hồ sơ làm nhiều thủ tục trong đó có thủ tục cấp phép xây dựng nhà ở, anh cứ đến đó, làm đầy đủ giấy tờ theo hướng dẫn, đến hạn sẽ được giải quyết. 

Vậy mà anh vẫn nhất mực bắt tôi phải dẫn anh sang tận nơi. Làm giấy tờ xong còn nhờ vả, gửi gắm rồi anh mới yên tâm ra về. Chưa hết, vẫn trong thời hạn chờ theo giấy hẹn song anh liên tục gọi điện hối thúc tôi phải "có ý kiến” với bên đó để giấy phép xong sớm…

Chẳng riêng anh tôi mà lâu nay trong tiềm thức của nhiều người, hễ phải giải quyết bất cứ công việc nào ở cơ quan nhà nước đều phải tìm người thân quen để nhờ vả hoặc có "phí bôi trơn”. "Hội chứng” này do một số nguyên nhân. Một là giấy tờ, hồ sơ thủ tục của người dân còn thiếu sót nhưng lại muốn nhanh được việc dẫn đến phải năn nỉ, nhờ vả, cho rằng "phong bao” sẽ được việc. 

Cũng có trường hợp ỷ thế người nhà, người quen gây sức ép với người thực thi công vụ hoặc nhiệm vụ để làm tắt quy trình cốt được việc của mình. Bên cạnh đó, có trường hợp người thực thi công vụ sách nhiễu, vòi vĩnh làm khó người dân, doanh nghiệp để trục lợi. Một đồn mười, mười đồn trăm rằng "nhất phong bì, nhì thân quen”. 

Tất cả những hiện tượng trên đều khiến hoạt động hành chính nhà nước mất đi tính nghiêm minh, đúng đắn; do đó làm mất niềm tin vào bộ máy. Ngay cả những người làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, trung thực cũng bị ảnh hưởng xấu, bị xếp chung một "rọ”.  

Để chữa hội chứng này cần bắt đầu từ chính mỗi cơ quan, từng công chức, viên chức nhà nước. Đặc biệt là người đứng đầu có vai trò quyết định trong việc giám sát, kiểm tra, đôn đốc, giáo dục cấp dưới. Phát động người dân tham gia tích cực và mạnh mẽ vào cải cách hành chính thông qua giám sát, góp ý, tố giác hành vi thiếu trách nhiệm, gây khó dễ, sách nhiễu của cán bộ khi giải quyết công việc của dân qua đường dây nóng hoặc phản ánh trực tiếp. 

Thông tin từ phía người dân phải được tiếp nhận, xử lý một cách khách quan, nghiêm túc; xử lý cán bộ vi phạm và công khai kết quả cho người dân biết. Cũng cần tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn người dân thực hiện đúng, đầy đủ quy định của Nhà nước mỗi khi làm các thủ tục hành chính - pháp lý, không tạo kẽ hở cho những người thực thi công vụ nhưng thiếu lương tâm, trách nhiệm có cơ hội "khó dễ”.

Lâm Dũng 


Chia sẻ:
Chủ đề:

    Ý kiến bạn đọc (0)

    Bình luận của bạn...