Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Đời sống
Đời sống
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3: Nêu gương xây dựng gia đình văn hóa

Cập nhật: 10:33 ngày 20/03/2020
(BGĐT) - Gia đình không chỉ giữ vai trò nền tảng, tế bào của xã hội mà còn là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống, hình thành nhân cách cho mỗi thành viên. Xác định tầm quan trọng đó, ở nhiều địa phương trong tỉnh Bắc Giang, phong trào xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) được triển khai hiệu quả, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. 

Gia đình tốt, thôn, phố tốt

Hộ bà Nguyễn Thị Ninh, thôn Trằm, xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang) có 4 thế hệ cùng chung sống, gồm bố chồng (cụ Nguyễn Văn Phụng, 88 tuổi), là thương binh trong kháng chiến chống Pháp, từng bị giam ở nhà tù Hỏa Lò; vợ chồng ông bà, con trai cùng các cháu nội. Ông bà Ninh kết hôn đến nay 40 năm. Có thời điểm kinh tế gia đình khó khăn nhưng ông bà vẫn quyết tâm nuôi 5 con ăn học trưởng thành, có cuộc sống ổn định. Không chỉ là dâu hiền, vợ đảm, bà Ninh còn nhiệt tình tham gia công tác phụ nữ của thôn đến nay được 20 năm. Riêng cụ Nguyễn Văn Phụng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, hằng ngày làm vườn, chăm sóc gần 200 cây bưởi. 

“Gia đình tôi có nguyên tắc sống đó là lấy đạo đức làm nền tảng. Trong mỗi việc làm, lời nói, hành động người lớn phải gương mẫu để con cháu noi theo”, bà Ninh chia sẻ.

{keywords}

Hộ ông Nguyễn Viết Công, tổ dân phố số 4, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) nhiều năm được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu.

Nhiều hộ khác ở thôn Trằm cũng là điển hình tiêu biểu về xây dựng GĐVH. Các phong trào như hiến đất làm đường, ủng hộ người nghèo, vệ sinh môi trường, giúp nhau phát triển kinh tế... được các hộ nhiệt tình hưởng ứng. 9 năm liền thôn Trằm được công nhận thôn văn hóa tiêu biểu, năm 2019 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Ông Nguyễn Ngọc Phượng, Trưởng thôn cho biết, hầu hết những người tham gia công tác ở thôn đều là những tấm gương sáng về nuôi dạy con, phát triển kinh tế gia đình. Đây cũng là thôn duy nhất của huyện Lạng Giang được chọn xây dựng và đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Tại TP Bắc Giang, phong trào xây dựng GĐVH cũng được triển khai sâu rộng, hiệu quả. Năm 2019, tỷ lệ hộ dân đạt danh hiệu GĐVH của thành phố chiếm hơn 93%; có 151 GĐVH tiêu biểu được Chủ tịch UBND TP biểu dương tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân (18/11); 22 GĐVH tiêu biểu được Chủ tịch UBND TP tặng Giấy khen; 14 GĐVH tiêu biểu được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Hộ ông Nguyễn Viết Công, tổ dân phố số 4, phường Ngô Quyền là một trong những GĐVH tiêu biểu của phường, nhiều năm được biểu dương. Ông Công và vợ đều là công nhân nghỉ hưu, gia đình có 4 thế hệ cùng chung sống. Các con trai, gái, dâu, rể đều công tác ở cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, hiếu thảo với ông bà, bố mẹ. Mấy chục năm làm công nhân đáng lẽ ông cần phải nghỉ ngơi song được sự tín nhiệm, động viên của địa phương và nhân dân, ông Công tham gia làm bí thư chi bộ tổ dân phố từ năm 2017. Các cuộc vận động, quyên góp ủng hộ của các cấp, ngành, gia đình ông luôn gương mẫu đi đầu. Do là hộ có uy tín và là người có tiếng nói của tổ dân phố nên việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua khá thuận lợi. Năm 2019, tổ dân phố số 4 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen nhiều năm giữ vững danh hiệu tổ văn hóa tiêu biểu.

Tạo động lực phấn đấu

"Gia đình tốt thì cộng đồng mạnh, muốn vậy phải quan tâm chăm lo toàn diện từ đời sống tinh thần, kinh tế, giao tiếp ứng xử, sự tôn trọng, yêu thương, ý thức trách nhiệm công dân với xã hội... Trong mỗi gia đình, ông bà, bố mẹ phải là những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, lao động, học tập để con cháu noi theo”.

Ông Ngô Sỹ Long,

Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin TP Bắc Giang

Nhìn rộng ra toàn tỉnh có thể thấy thời gian qua, phong trào xây dựng GĐVH đã được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp đặc biệt quan tâm gắn với các phong trào như: Xây dựng nông thôn mới; ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo; xây dựng nếp sống văn hóa. Công tác đăng ký, bình xét danh hiệu GĐVH được các thôn, tổ dân phố tiến hành cơ bản đúng quy trình, bảo đảm công khai, dân chủ. Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều GĐVH tiêu biểu trên các lĩnh vực: Phát triển kinh tế; bảo vệ môi trường, xây dựng gia đình hạnh phúc; gia đình hiếu học. Năm 2019, toàn tỉnh công nhận hơn 400 nghìn gia đình đạt chuẩn văn hóa, đạt 89,4%; 67 GĐVH tiêu biểu xuất sắc được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Thông qua phong trào góp phần cổ vũ, khích lệ, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, học tập, công tác; góp phần tăng cường tình đoàn kết, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.

{keywords}

Ban quản lý thôn Trằm, xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang) triển khai nhiệm vụ xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư.

Bài học kinh nghiệm được nhiều địa phương rút ra trong xây dựng GĐVH đó là cần phải có sự quan tâm sát sao của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật gắn với các phong trào thi đua. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của các câu lạc bộ. 

Theo ông Ngô Sỹ Long, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin TP Bắc Giang, gia đình tốt thì cộng đồng mạnh, muốn gia đình mạnh phải quan tâm chăm lo toàn diện từ xây dựng đời sống tinh thần, kinh tế, giao tiếp ứng xử, sự tôn trọng, yêu thương, ý thức trách nhiệm công dân với xã hội... Đặc biệt, trong mỗi gia đình, ông bà, bố mẹ phải là những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, lao động, học tập, là chỗ dựa tinh thần vững chắc để con cháu noi theo. Phát huy vai trò của các tổ liên gia, chú trọng xây dựng các điển hình để nhân rộng, tạo sức lan tỏa...

Ông Hà Ngọc Luyện, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, hiện nay Sở đang tham mưu xây dựng Đề án Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2020-2025. Một trong những nội dung định hướng của Đề án đó là chú trọng xây dựng GĐVH điển hình, tiêu biểu để nhân rộng. Đổi mới hình thức, tiêu chí xét khen thưởng đối với các gia đình đạt danh hiệu văn hóa tiêu biểu. 

Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội ở địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về vai trò, vị trí đặc biệt của gia đình đối với xã hội. Quan tâm đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở khu dân cư, tạo điều kiện để người dân tham gia các hoạt động, phong trào, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Chia sẻ việc nhà, vun đắp hạnh phúc gia đình
(BGĐT)-Lẽ thường, khi vợ chồng cùng chung sống, ai cũng phải có trách nhiệm gánh vác việc nội trợ song  ở nhiều gia đình dường như công việc này vẫn được mặc định "dành cho" chị em. Vấn đề tưởng chừng nhỏ nhặt song nếu không có sự san sẻ từ người chồng sẽ ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình.
Niềm hạnh phúc
(BGĐT) - Ông Thường bước khập khiễng, một tay buông thõng trong ống tay áo gió lùa, tay còn lại bưng rổ trứng gà từ góc vườn bước vào sân, miệng hồ hởi gọi vợ:
Người hạnh phúc nhất làng
(BGĐT) - Cụ giáo Đào đang giương kính đọc sách thì Khả đến. Cụ thong thả cất quyển sách rồi đi pha nước mời khách.

Công Doanh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...