Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Đời sống
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sâu nặng mối tình thời chiến

Cập nhật: 10:33 ngày 13/04/2020
(BGĐT) - Họ gặp và yêu nhau trong những năm tháng chiến tranh. Ngày cưới thật ra chỉ là “lễ tuyên bố” để đồng đội chia vui. Mặc dù vậy hơn 44 năm qua, họ luôn sống hạnh phúc bên nhau. Đó là chuyện tình của ông Dương Văn Hiến (SN 1944) và bà Nguyễn Thị Mai (SN 1950) - hai chiến sĩ cách mạng ở thôn Văn Sơn, xã Tân Tiến (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang).

Gặp gỡ định mệnh

Kể lại về những năm tháng hào hùng tham gia kháng chiến, ông Hiến cho biết: “Năm 1967, sau khi được cử đi đào tạo chuyên môn về máy móc tại Trung Quốc, tôi công tác tại Ty Nông nghiệp Hà Bắc. 4 năm sau tôi tình nguyện nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 229 (Bộ Tư lệnh Công binh) làm công tác tài vụ. Sau đó, đơn vị tôi nhận lệnh hành quân vào tỉnh Quảng Trị, tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ”.

{keywords}

Vợ chồng ông Hiến, bà Mai ôn lại những câu chuyện thời kháng chiến hào hùng.

Trong trận đánh ác liệt giữa năm 1972, ông Hiến, bà Mai (bộ đội thuộc Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh) gặp nhau trong hoàn cảnh khá đặc biệt, hai người đều bị thương và được đưa vào điều trị tại trạm xá. Hơn một tuần sau, khi vết thương đỡ đau, hai người lại về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Ông chia sẻ: “Ngay lần gặp gỡ đầu tiên ở trạm xá, tôi đã có ấn tượng với bà Mai. Nghe các y, bác sĩ nói đây là một trong những phụ nữ bị thương trong vụ nổ hòm đạn khi vận chuyển. Nhìn thấy bà ấy, tôi càng khâm phục người con gái có vóc dáng nhỏ nhắn lại có tinh thần dũng cảm vậy”.

Đầu năm 1974, ông Hiến chuyển công tác sang Ban Kế hoạch, Phòng Hậu cần, Sư đoàn 15 (Bộ Tư lệnh Công binh). Tại đây, ông vừa là Bí thư Chi bộ Phòng Hậu cần vừa là Bí thư liên chi đoàn. Rồi ông Hiến gặp lại bà Mai, lúc này là cán bộ Đội Điều trị 51 (Sư đoàn 15) và cùng tham gia sinh hoạt chi đoàn với ông. Trong các buổi sinh hoạt chi đoàn, ông Hiến là người chủ trì còn bà Mai được phân công làm thư ký. Thời gian này, đơn vị của ông bà được giao nhiệm vụ mở con đường 15C (đường Hồ Chí Minh). Trong giai đoạn chiến đấu ác liệt, dù đã có tình cảm với nhau nhưng ông bà tạm gác chuyện riêng để tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Gian khó không sờn

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đầu năm 1976, tại nơi đơn vị đóng quân ở huyện Anh Sơn (Nghệ An), ông bà báo cáo đơn vị và được cho phép xây dựng gia đình. Trớ trêu thay, khi vừa báo hỷ ở đơn vị và tổ chức đám cưới tại quê bà Mai (ở huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) thì ông nhận được lệnh về đơn vị xây dựng kế hoạch hành quân đi biên giới Tây Nam. Khoảng hơn một tháng sau, đôi vợ chồng trẻ mới có dịp gặp lại nhau. Nhưng niềm vui sum họp không dài, giữa năm 1976, ông Hiến cùng đồng đội hành quân tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc, còn bà Mai ở lại hậu cứ của Sư đoàn 15 tại Nghệ An. Đây có lẽ cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất với bà Mai bởi bụng mang dạ chửa, lại xa chồng. Những ngày đằng đẵng chờ đợi trong xa cách, lo âu. Hiểu những gian nan của chồng và đồng đội, bà Mai một mình lo toan việc gia đình. Cuộc sống bộn bề khó khăn, thiếu thốn. Dù vậy, để ông yên tâm công tác, trong mỗi lá thư, bà chỉ kể những câu chuyện vui, về sự trưởng thành của con trai. Cuối năm 1980, ông Hiến trở về từ Campuchia, tưởng chừng như gia đình họ có thời gian sống chung bên nhau thì ông lại quyết định chuyển ngành và công tác tại Sở Nông nghiệp Hà Bắc.

Khoảng một năm sau, bà Mai tiếp tục sinh người con trai thứ 2. Cuối năm 1983, để gia đình được đoàn tụ, bà quyết định chuyển ngành và xin về công tác tại Trung tâm Giống cây trồng (Sở Nông nghiệp Hà Bắc). Giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, trong hơn 10 năm làm việc tại đây, ông Hiến, bà Mai đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Có người vợ thảo hiền, siêng năng làm hậu phương vững chắc, sau khi nghỉ hưu, ông Hiến dành nhiều thời gian tham gia hoạt động xã hội. Ông tham gia Hội Làm vườn, Hội CCB, Hội Nạn nhân chất độc da cam đioxin ở địa phương nhiều năm liền. Nhận nhiệm vụ nào, ông cũng tâm huyết, trách nhiệm. Vợ chồng ông bà có 2 người con trai đến nay đã trưởng thành. Trải qua bao gian khó thời chiến, vợ chồng CCB Dương Văn Hiến – Nguyễn Thị Mai đã cùng xây đắp gia đình hạnh phúc.

Cụ ông Hải Dương 97 tuổi chống gậy lên huyện tặng 2 tấn gạo chống dịch
Cụ Nguyễn Huy Na (trú tại xóm 1, thôn Thượng Đáp, xã Nam Hồng, huyện Nam Sách, Hải Dương) vừa gửi tặng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện 2 tấn gạo.
Những chuyến xe taxi 0 đồng mang niềm vui đến cho người bệnh
Các taxi 0 đồng đang hoạt động hết công suất để chuyên chở người bệnh, đóng góp một phần vào công cuộc phòng chống Covid-19 của cả nước.

Anh Việt

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...