Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Đời sống
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Người lớn chủ quan, con trẻ dễ bị thương tích

Cập nhật: 06:31 ngày 17/07/2021
(BGĐT) - Bỏng, đuối nước, nghẹt đường thở do dị vật, ngã từ trên cao… là những tai nạn rất dễ xảy ra đối với trẻ em, nguyên nhân chủ yếu do sự chủ quan của người lớn. Dịp hè năm nay, các em nhỏ được nghỉ dài do dịch Covid-19, nỗi lo về tai nạn thương tích lại càng hiện hữu.

Những vụ việc đáng tiếc

Thời gian gần đây, dư luận xót xa khi những vụ việc đau lòng liên tiếp xảy ra, cướp đi sinh mạng nhiều em nhỏ. Đầu tháng 7 vừa qua, một bé gái 5 tuổi rơi từ tầng 11 của một chung cư ở TP Hà Nội xuống sảnh văn phòng tầng 3 dẫn tới tử vong. Trước đó, bé gái 4 tuổi cũng ở TP Hà Nội chơi một mình trong phòng ngủ trên tầng 24 và rơi xuống từ cửa sổ. Thời điểm trên, mẹ cháu đang dọn dẹp trong nhà. Ở một vụ việc khác xảy ra vào tháng 5 tại huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), bố mẹ đi làm đồng để hai chị em ruột (6 và 3 tuổi) chơi ở nhà không may bị đuối nước.

{keywords}

Nghỉ hè sớm do dịch bệnh, các bậc phụ huynh cần quan tâm, giám sát việc vui chơi để hạn chế tối đa việc trẻ gặp tai nạn thương tích. Ảnh minh họa

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Chuẩn, Trưởng khoa Ngoại chấn thương (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), trẻ em, nhất là từ 3-6 tuổi vốn tò mò nhưng chưa nhận thức được những mối nguy hiểm của môi trường xung quanh. Vì vậy, các em rất dễ bị tai nạn thương tích (TNTT), nhất là bỏng nước sôi, hóc dị vật. Còn với trẻ đã bước vào lứa tuổi đi học, hiếu động, muốn tự khẳng định mình nên thường bị đuối nước, ngã hoặc tai nạn giao thông. “Hằng năm, dù không thống kê nhưng khoa tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhân là trẻ nhỏ bị các TNTT kể trên. Phần nhiều các vụ việc xảy ra là do sự chủ quan, lơ là của người lớn”, bác sĩ Chuẩn chia sẻ.

Cách đây vài tháng, Khoa Ngoại chấn thương xử lý thành công tình huống phức tạp khi một em nhỏ 8 tuổi ở huyện Lục Nam bị dập bàn tay trái trong tình trạng mất máu nhiều. Nguyên nhân do bố mẹ không có nhà, cháu ra đồng chơi, nhặt được vật lạ nên tò mò lấy gạch đập rồi phát nổ. Trước đó, bé trai N.V.L (5 tuổi) ở xã Dương Đức (Lạng Giang), sau khi xem tiết mục ảo thuật trên ti vi, thấy ảo thuật gia làm biến mất đồng xu bằng cách ngậm vào miệng nên bắt chước. Kết quả, cháu bé ho sặc sụa, nuốt nghẹn, bố mẹ vội vàng đưa đi cấp cứu. Các bác sĩ đã tiến hành gây mê và dùng phương pháp nội soi gắp dị vật ra khỏi thực quản, cứu sống cháu L.

Vì sự chủ quan mà nhiều phụ huynh ân hận khi con trẻ gặp TNTT. Chị Đ.T.N (TP Bắc Giang) kể: "Vợ chồng tôi đi làm nên phó mặc chuyện chăm hai con cho bà nội. Năm ngoái, trong lúc bà rót nước sôi vào phích, do chưa đóng nắp, cháu bé 3 tuổi nghịch làm đổ, bị bỏng nặng. Sau gần một tháng điều trị cháu mới xuất viện. Sự việc sẽ là vết thương lớn về mặt tinh thần với con và chính tôi. Mỗi lần thấy vết thương của con tôi áy náy vô cùng".

Xây dựng môi trường an toàn cho trẻ

TNTT ở trẻ em không chỉ làm tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất và tinh thần của trẻ. Để trẻ được an toàn, rất cần sự thay đổi nhận thức và hành động hiệu quả từ người lớn. Do dịch bệnh Covid-19, Tháng Hành động vì trẻ em năm nay không thể triển khai các hoạt động như kế hoạch. 

Theo kết quả khảo sát của Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) trung bình mỗi năm tại Việt Nam có 370 nghìn trẻ em bị tai nạn thương tích. Tại Bắc Giang, theo thống kê từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 108 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó có 46 trẻ tử vong do đuối nước.

Thay vào đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã Hội (LĐTBXH) và các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đã phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thu hút sự quan tâm của toàn xã hội đến công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là trong thời gian trẻ nghỉ hè, nghỉ ở nhà tránh dịch bệnh. Tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên cũng tích cực tham gia công tác phòng chống TNTT ở trẻ.

Huyện Lục Nam là địa phương có nhiều ao hồ, ruộng trũng tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, Huyện đoàn xây dựng kịch bản, tổ chức tuyên truyền theo chủ đề "Hè vui khỏe, an toàn" trên mạng xã hội, fanpage của đoàn... Yếu tố nguy cơ được dàn dựng thành những tình huống cụ thể qua các video ngắn, giúp các em dễ hiểu, hứng thú khi tiếp thu để tránh xa nguy hiểm; đồng thời giúp các bậc phụ huynh xử trí ban đầu khi con em mình không may gặp tai nạn. Cùng đó, rà soát và đề xuất kịp thời cắm biển cảnh báo tại những nơi nguy hiểm với trẻ.

Thực tế, các chấn thương hay tử vong do TNTT ở trẻ em hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu cha mẹ, thầy cô giáo nhận thức đầy đủ hơn về các yếu tố nguy cơ. Do đó, việc xây dựng môi trường an toàn cho trẻ là việc làm rất cần thiết. Bà Ong Thị Tuyết, Phó trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐTBXH) cho rằng, mắt xích quan trọng nhất trong phòng, chống TNTT cho trẻ phải bắt đầu từ mỗi gia đình. 

Các bậc phụ huynh hãy quan tâm giám sát con nhỏ, bỏ ngay tâm lý chủ quan, xem nhẹ. Trong không gian sống tránh sử dụng các đồ dùng có dạng sắc nhọn; các vật dụng điện, đun nấu… đặt ở vị trí xa tầm tay và an toàn với trẻ; thiết kế lan can, cửa sổ nhà cao tầng cần bảo đảm kích thước, có lưới an toàn, tránh té ngã. Với các em ở tuổi đến trường rất cần được trang bị kỹ năng phòng ngừa, cha mẹ thường xuyên chuyện trò giả định những tình huống xấu và cách xử lý, nắm bắt tâm lý để khuyên bảo con tránh xa những hoạt động dẫn đến nguy hiểm cho bản thân.

Bài, ảnh: Tường Vi
Trúc Nhi, Diệu Nhi sau một năm mổ tách rời
Trúc Nhi, Diệu Nhi bi bô hát, giọng bập bẹ, nũng nịu, khi gọi video trò chuyện cùng bác sĩ Trương Quang Định, tổng chỉ huy cuộc đại phẫu tách rời hai bé tròn một năm trước.
Đi bộ 50 km, 47 lao động được quân đội đưa về quê
Không có xe khách, 47 lao động Quảng Ngãi đi bộ khoảng 50 km trên quốc lộ 1, khi đến thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa thì được quân đội hỗ trợ xe đưa về quê.
Hạnh phúc ở những gia đình quân nhân
(BGĐT) - Với những gia đình quân nhân, để thu xếp mọi việc ổn thỏa thường cần sự nỗ lực hơn rất nhiều lần bởi nhiệm vụ đặc thù khiến họ thường xuyên xa nhà. Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, những người lính đã vượt khó vươn lên, xây dựng gia đình hạnh phúc. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...