Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Thị Hương: Ung thư đường tiêu hóa là nhiều nhất, phải kiểm soát

Cập nhật: 17:54 ngày 31/05/2019
(BGĐT) - Ung thư đường tiêu hóa là bệnh có người mắc chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại bệnh ung thư. Thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm ở tỉnh Bắc Giang phát hiện 4 nghìn trường hợp mới mắc ung thư, trong đó một nửa liên quan đến loại ung thư này. Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Thị Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang lý giải nguyên nhân cũng như cách phòng, điều trị.

Được biết trong các loại bệnh ung thư thì ung thư đường tiêu hóa là phổ biến. Bác sĩ có thể chia sẻ rõ thêm về đặc điểm của loại bệnh ung thư này?

Bác sĩ Lê Thị Hương: Đúng là ung thư đường tiêu hóa chiếm tỷ lệ lớn nhất và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong các loại ung thư.

Gọi là ung thư đường tiêu hóa khi có sự xuất hiện của các khối u ác tính trong đường tiêu hóa.

Người ta phân chia thành hai nhóm chính: Ung thư đường tiêu hóa trên (thực quản, dạ dày) và ung thư đường tiêu hóa dưới (đại tràng, trực tràng, tuyến tụy, đường mật, gan).

Các triệu chứng ung thư ở hai nhóm này cũng có sự khác nhau tùy thuộc vị trí và cơ quan bị bệnh. Nhưng phần lớn ở giai đoạn đầu không có triệu chứng rõ ràng nên người bệnh dễ nhầm với những bệnh thông thường khác, chủ quan không đi khám, đến khi xuất hiện triệu chứng khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống làm cho người bệnh phải đi khám thì bệnh đã tiến triển sang giai đoạn nặng, cơ hội chữa khỏi ít, nguy cơ tử vong cao.

Một số dấu hiệu giúp chúng ta có thể nhận biết sớm ung thư đường tiêu hóa. Đầu tiên chỉ là sự thay đổi thói quen đại tiện hoặc những rối loạn tiêu hóa kéo dài như đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, thiếu máu, buồn nôn, nuốt nghẹn, sụt cân, đi ngoài ra máu mũi…

Trên đây được coi là những dấu hiệu sớm cảnh báo ung thư đường tiêu hóa mà bạn cần hết sức lưu ý.

{keywords}

Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Thị Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang.

Xin bác sĩ nói rõ hơn mức độ phổ biến của bệnh này tại Bắc Giang. Vì sao lại có nhiều bệnh nhân mắc ung thư đường tiêu hóa, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lê Thị Hương: Mỗi năm tỉnh Bắc Giang phát hiện khoảng 4 nghìn trường hợp ung thư mắc mới, trong đó khoảng 50% liên quan đến ung thư đường tiêu hóa.

Đến nay y học vẫn chưa xác định một cách chính xác nguyên nhân cụ thể của ung thư đường tiêu hóa. Nhưng có những yếu tố nguy cơ có liên quan chặt chẽ đến bệnh này như: Chế độ ăn uống, ô nhiễm môi trường, gen di truyền, lối sống, tuổi tác, hiểu biết về bệnh tật hạn chế...

Ví như chế độ ăn nhiều mỡ, thịt động vật, ít rau xanh, ít chất xơ có liên quan đến ung thư đại trực tràng. Ung thư dạ dày liên quan đến tiền sử nhiễm vi khuẩn HP, chế độ ăn quá mặn, ăn nhiều dưa chua muối, cà muối và thịt hun khói có chứa nhiều chất nitrosamin trong đó có thể gây ung thư dạ dày.

Ung thư thực quản liên quan đến thói quen uống nhiều rượu và hút nhiều thuốc lá. Ung thư gan do nhiễm virus, uống rượu bia…

Một nguy cơ nữa phải kể đến là những người mắc các bệnh về đường tiêu hóa nhưng không được điều trị đúng, các viêm loét lâu ngày bệnh trở thành mãn tính. Hoặc những khối u (polyp) lành tính nếu không cắt bỏ sớm, để lâu dễ chuyển sang ác tính. Cùng với đó, nhận thức về bệnh còn hạn chế, việc phòng bệnh chưa được coi trọng.

Vì vậy, tôi khuyên mọi người nên đi khám bệnh định kỳ, khám tầm soát phát hiện sớm ung thư. Hiện nay Bệnh viện Ung bướu tỉnh cũng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, điều trị bệnh này.

{keywords}

Ứng dụng kỹ thuật chuyên sâu tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh.

Một người bình thường nếu không kiểm tra định kỳ thì khi mắc bệnh ung thư đường tiêu hóa thường có biểu hiện như thế nào?

Bác sĩ Lê Thị Hương: Tuỳ theo nhóm ung thư mà có những dấu hiệu khác nhau. Đối với ung thư đường tiêu hóa trên thường thấy đầy hơi, khó tiêu, nuốt khó, nuốt nghẹn, đau bụng, nôn, nặng có thể nôn ra máu kèm sụt cân, thiếu máu và đại tiện phân đen. Còn triệu chứng nhóm ung thư đường tiêu hóa dưới chủ yếu là rối loạn đại tiện, táo bón, tiêu chảy. Trong đó đặc trưng nhất là đại tiện ra máu, rối loạn đại tiện. 

Nhiều người cho rằng, mắc ung thư đường tiêu hóa là không còn đường cứu chữa, nhiều bệnh nhân bi quan. Bác sĩ có lời khuyên với bệnh nhân thế nào?

{keywords}

"Điều nguy hiểm nhất khiến bệnh ung thư nói chung và ung thư đường tiêu hóa nói riêng gây tử vong cao là triệu chứng của bệnh không rõ ràng. Giai đoạn đầu thường âm thầm, nghèo nàn không triệu chứng hoặc gần giống triệu chứng của các bệnh lý thông thường khác nên rất khó phát hiện. Đa phần bệnh nhân khi biểu hiện triệu chứng khó chịu mới đi khám thì bệnh đã được phát hiện ung thư ở giai đoạn 3, 4"

Bác sĩ Lê Thị Hương.

Bác sĩ Lê Thị Hương: 

Hiện nay y học có sự tiến bộ vượt bậc nên đã cứu chữa được rất nhiều bệnh ung thư nói chung và ung thư đường tiêu hóa nói riêng, mang lại cuộc sống và niềm tin cho người bệnh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 1/3 bệnh ung thư có thể phòng ngừa, 1/3 có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, còn 1/3 bệnh nhân sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống thêm nhờ điều trị. Vì vậy, mọi người thấy có dấu hiệu bất thường nên khám sớm, khi mắc bệnh ung thư nên đến các bệnh viện có chuyên ngành về ung bướu để được khám, tư vấn điều trị. Hãy bình tĩnh, lạc quan và quyết tâm điều trị để chiến thắng mọi bệnh tật.

Nhân đây, bác sĩ có thể chia sẻ về cách phòng bệnh ung thư đường tiêu hóa?

Bác sĩ Lê Thị Hương: Để phòng bệnh ung thư đường tiêu hóa cần có chế độ ăn uống hợp lý. Nên hạn chế dùng các thực phẩm có chứa aflatoxin, nitrosamine (trong thực phẩm ướp muối, lên men, hun khói), nấm mốc và các chất độc hại khác. Tuyệt đối không cố gắng sử dụng các thực phẩm có nghi ngờ đã hư hỏng hoặc bảo quản quá lâu ngày.

Nên dùng rau quả, thực phẩm có nhiều chất xơ, selen, vitamin A, C có khả năng phòng chống ung thư tiêu hóa: trà xanh, súp lơ xanh, ngũ cốc, các loại rau xanh, cà tím...

Cẩn trọng khi dùng các sản phẩm nhựa để đựng, che phủ thức ăn, đặc biệt là dùng sản phẩm nhựa để hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng. Hạn chế tối đa thuốc lá và rượu.

Mọi người nên khám và điều trị đúng đắn. Thận trọng với tất cả các cơn đau về tiêu hóa. Không tự ý dùng thuốc cho tiêu hóa, không kéo dài quá trình bệnh lý tiêu hóa mà không biết rõ ràng nguyên nhân.

Khám sức khỏe tổng quát thường xuyên để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý về tiêu hóa, phát hiện sớm ung thư. Kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt tầm soát ở nhóm nguy cơ cao hoặc có các triệu chứng đường tiêu hóa.

Người có nguy cơ cao mắc ung thư tiêu hóa là trên 50 tuổi, tiền sử gia đình có người thân bị ung đường tiêu hóa, tiền sử viêm dạ dày, từng phát hiện có vi khuẩn HP, đại tiện ra máu, các polyp đường tiêu hóa... Những trường hợp này cần đi soi đại trực tràng, dạ dày thường xuyên hơn để phát hiện bệnh sớm.

Cảm ơn bác sĩ!

 PV (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...