Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 28 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bắc Giang từng có 6 ca tử vong do nhiễm bệnh Whitmore

Cập nhật: 15:39 ngày 16/09/2019
(BGĐT)- Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bắc Giang chưa ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh Whitmore (bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei).

Gần đây, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và nhiều bệnh viện tuyến tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp nhận 24 ca bệnh Whitmore, trong đó có 4 bệnh nhân tử vong. 

Mặc dù từ đầu năm đến nay, tỉnh Bắc Giang chưa ghi nhận bệnh nhân mắc căn bệnh này song theo thống kê tại Khoa Vi sinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang), từ năm 2015-2018, Bệnh viện tiếp nhận 23 bệnh nhân mắc Whitmore, trong đó có 6 ca tử vong và 3 ca chuyển tuyến trên.

{keywords}

Định danh vi khuẩn tại Khoa Vi sinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang) phục vụ công tác chẩn đoán bệnh.

Theo thông tin từ Sở Y tế, Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei gây ra; lây nhiễm qua tiếp xúc, hô hấp, tiêu hóa. Người có nguy cơ cao nhiễm bệnh thường có nền bệnh tiểu đường, thận mạn tính, thiếu máu, thường xuyên tiếp xúc với môi trường đất và nước, đặc biệt qua vết thương ngoài da; ít xảy ra với người có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Bệnh thường gặp vào mùa mưa. Biểu hiện lâm sàng là nhiễm khuẩn huyết, sau đó lây lan gây áp-xe các bộ phận trên cơ thể, tiến triển nhanh, có nguy cơ tử vong cao (60%) nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. 

Mỗi năm, cả nước phát hiện trung bình 110 ca bệnh. Số lượng người mắc bệnh được phát hiện ít hơn nhiều so với thực tế. Số ca mắc Whitmore tăng gần đây không phải do bùng phát về dịch bệnh mà nhờ nhiều cơ sở y tế đã nâng cao kỹ thuật xét nghiệm, chỉ định đúng phương pháp định danh vi khuẩn, chẩn đoán bệnh chính xác hơn.

Đây là một trong 6 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại Việt Nam. Tuy nhiên căn bệnh này chưa được đề cập nhiều trong các chương trình giảng dạy dành cho sinh viên y khoa; ít thông tin dịch tễ về căn bệnh. Nhiều bác sĩ lâm sàng chưa có kinh nghiệm nhận diện nghi ngờ ca bệnh, khó chẩn đoán để chỉ định cấy xét nghiệm vi sinh; một số bệnh viện chưa đủ năng lực xét nghiệm, còn bỏ sót ca bệnh.

Các bác sĩ truyền nhiễm cho biết, các triệu chứng lâm sàng của bệnh thường sốt, giảm cân, đau dạ dày hoặc ngực, đau cơ khớp, đau đầu và co giật, gây áp xe tại vị trí nhiễm trùng. Tuy nhiên các triệu chứng này cũng không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn xương khớp, áp-xe cơ, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, liên cầu khuẩn, nhiễm khuẩn da mô mềm, quai bị. Căn bệnh gây nên tình trạng hoại tử nhanh, hủy hoại phần mô của cơ và da người bệnh. Nếu không được điều trị đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần nên vẫn có thể tử vong dù đã chẩn đoán đúng.

Hiện nay chưa có vắc - xin phòng bệnh Whitmore. Do vi khuẩn gây bệnh ẩn trong bùn đất nên khi người dân tiếp xúc với môi trường đất và nước cần chủ động trang bị bảo hộ lao động. Người có vết thương hở tránh tiếp xúc với nước. Hơn hết, mỗi người dân tự nâng cao sức đề kháng bằng biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sạch sẽ, ăn uống đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh, nhất là không nên ăn hải sản có vỏ còn sống hoặc ăn tái.

Thêm một người bệnh nhiễm whitmore từ vết lở loét ở ngón chân
Được xác định mắc bệnh whitmore, nhưng bệnh nhân tại Hà Tĩnh đáp ứng chậm với quá trình điều trị và buộc phải chuyển lên tuyến trên.
Những điều cần biết về bệnh truyền nhiễm nguy hiểm Whitmore
Bệnh Whitmore không có biểu hiện giống như các loại nhiễm trùng khác, khi chọc dịch, làm test nhanh xét nghiệm, ở thời gian đầu không phát hiện ra vi khuẩn, đây là căn bệnh chưa có vắc xin phòng.
Nghệ An phát hiện 3 trẻ em mắc bệnh Whitmore
Lúc nhập viện, 3 bệnh nhi đều bị áp xe viêm tuyến nước bọt màng tai. Khi cấy mủ, xét nghiệm máu thì phát hiện dương tính với Whitmore (vi khuẩn ăn thịt người).

Minh Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...