Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khó quản dịch vụ làm đẹp

Cập nhật: 19:28 ngày 17/10/2019
(BGĐT) - Nhu cầu làm đẹp tăng mạnh, hiện nay, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ mọc lên như nấm từ thành thị đến nông thôn. Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động của các cơ sở này đang tồn tại nhiều bất cập mà nguyên nhân chính từ kẽ hở trong các quy định của pháp luật.

Rủi ro cao

Gần đây, trên địa bàn tỉnh và cả nước xảy ra nhiều vụ việc cơ sở thẩm mỹ gây mù mắt, chết người khiến dư luận lo lắng.

Mới đây, nhiều báo đăng tin về trường hợp một phụ nữ tên là H. T. L ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) sau khi tiêm filler (chất làm đầy, cấu tạo từ Axit Hyaluronic) để nâng mũi đã bị đau đầu, choáng váng, buồn nôn và không mở được mắt, phải đi cấp cứu. 

Sau một thời gian điều trị ở tuyến trung ương, các bác sĩ xác định chị L bị hỏng hoàn toàn mắt phải. Theo thông tin trên các báo, người trực tiếp tiêm cho chị L là Chu Thị Huyền, chủ một cơ sở dịch vụ làm đẹp ở xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa.

Ngày 1-10, sau khi đi nâng ngực, hút mỡ tại một thẩm mỹ viện ở đường Kim Ngưu (Hà Nội), một nữ bệnh nhân có dấu hiệu ngộ độc thuốc tê, rối loạn tuần hoàn não, bị co giật. Gần nhất là sự việc nữ Việt kiều ở quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) tử vong do sốc phản vệ sau khi căng da mặt tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam. 

{keywords}

Các spa làm đẹp trưng biển quảng cáo ở thôn My Điền, xã Hoàng Ninh (Việt Yên).

Đến một cơ sở thẩm mỹ tại xã Hoàng Ninh (Việt Yên), chúng tôi dễ dàng nhận được những lời mời chào về các gói dịch vụ đa dạng, từ tiêm filler làm căng da mặt, hút chì thải độc tố, nhấn mí đến xăm môi, lăn kim làm trắng da. Chi phí mỗi dịch vụ từ vài trăm nghìn đến 2-3 triệu đồng thu hút nhiều chị em tham gia. 

Theo bác sĩ Phạm Văn Phiên, Trưởng Khoa Da liễu (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh), những can thiệp xâm lấn vào da nếu không kiểm soát tốt sẽ rất dễ lây truyền các bệnh qua đường dịch, đường máu. Đáng lo ngại hơn, nếu sử dụng thuốc tê hoặc thuốc gây mê tùy tiện sẽ để lại hậu quả khôn lường. Do vậy, khách hàng cần rất cân nhắc, cẩn trọng trước khi quyết định làm đẹp.

{keywords}

Nhiều spa mọc lên ở quanh các khu, cụm công nghiệp, đáp ứng nhu cầu làm đẹp của nữ công nhân.

Tăng cường công tác quản lý

Theo Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12-11-2018 của Chính phủ, những yêu cầu cần có đối với một cơ sở hoạt động thẩm mỹ khá đơn giản. Chủ cơ sở chỉ cần đáp ứng các điều kiện như: Có địa điểm cố định, trang thiết bị phù hợp với chuyên ngành, nhân lực làm nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đào tạo thẩm mỹ sau đó gửi Sở Y tế để được xem xét, thông báo đủ điều kiện hoạt động nếu hồ sơ đáp ứng yêu cầu.

Theo phân cấp, UBND xã trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ tại địa phương. Trên thực tế đội ngũ cán bộ ở cơ sở không có trình độ chuyên sâu về lĩnh vực thẩm mỹ sẽ rất khó kiểm tra, đánh giá năng lực, tay nghề, trình độ của người thực hiện các kỹ thuật thẩm mỹ cũng như chất lượng, nguồn gốc các loại thuốc, vật tư, thiết bị có bảo đảm tiêu chuẩn và độ an toàn hay không. 

Ngoài ra, cán bộ ở cơ sở quản không nổi dịch vụ thẩm mỹ còn do chủ cơ sở thường xuyên thay đổi địa điểm hoạt động; có trường hợp đăng ký ở một nơi nhưng lại về địa bàn nông thôn, khu công nghiệp hành nghề lưu động. “Khi kiểm tra, chúng tôi chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn cơ sở hoàn thiện các thủ tục theo quy định hoạt động hành nghề”, bác sĩ Nguyễn Minh Năng, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) cho biết.

Tổng hợp từ Phòng Quản lý hành nghề Y dược tư nhân (Sở Y tế), toàn tỉnh có 78 cơ sở thẩm mỹ. Ngoài ra còn hàng trăm spa làm đẹp khác hoạt động ở các địa phương, tập trung nhiều ở khu công nghiệp, trung tâm các huyện, TP.

{keywords}

Cơ sở thẩm mỹ Chu Huyền tại xã Đức Thắng (Hiệp Hòa) đã tháo biển, ngừng hoạt động sau khi bị đình chỉ do chưa đủ điều kiện.

Qua khảo sát thực tế cho thấy nhiều cơ sở ngang nhiên quảng cáo, khuếch trương năng lực trên facebook cá nhân và các trang mạng xã hội khác. Điều đáng nói là, hoạt động của các dịch vụ thẩm mỹ, spa rầm rộ, khó kiểm soát ngoài nguyên nhân quản lý nhà nước chưa được quan tâm đúng mức còn do rất nhiều người dễ dãi, thiếu hiểu biết khi tìm đến những cơ sở này, đánh cược sức khỏe, thậm chí tính mạng của mình chỉ qua lời giới thiệu, quảng cáo của chủ cơ sở. Hầu hết họ đều không quan tâm đến sự bảo đảm về mặt pháp lý. 

Ngay như trường hợp chủ cơ sở thẩm mỹ Chu Huyền, xã Đức Thắng (Hiệp Hòa) chưa được Sở Y tế ra thông báo đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động công khai, quảng cáo trên face book cho đến tháng 3-2019 mới bị đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện lập biên bản đình chỉ. 

Trao đổi về thực tế này, ông Trần Đức Dũng, Trưởng Phòng Quản lý hành nghề Y dược tư nhân (Sở Y tế) cho biết: Để chấn chỉnh những cơ sở làm đẹp hoạt động vi phạm rất cần sự phối hợp chặt chẽ của ngành chức năng và chính quyền địa phương. Với cơ sở không đủ điều kiện phải kiên quyết đình chỉ hoạt động; bố trí lực lượng theo dõi, giám sát, hậu kiểm sau xử lý, tránh trường hợp hoạt động chui.

Nhiều ý kiến đề nghị Sở Y tế quan tâm nghiên cứu, tham mưu với tỉnh giải pháp hiệu quả nhằm thắt chặt hơn nữa hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức phòng, tránh bệnh lây nhiễm qua đường dịch, đường máu cho chủ cơ sở.

Vẫn biết nhu cầu làm đẹp, nhất là với phụ nữ là chính đáng. Tuy nhiên, trước khi quyết định áp dụng biện pháp can thiệp vào cơ thể, chị em cần cân nhắc kỹ lợi ích hoặc rủi ro có thể gặp phải để không bị tiền mất mà tật lại mang suốt đời.

Sở Y tế Bắc Giang đề nghị UBND huyện Hiệp Hòa báo cáo vụ việc cô gái bị mù khi làm đẹp
(BGĐT) - Chiều 15-10, ông Hoàng Văn Thìn, Trưởng Phòng Y tế huyện Hiệp Hòa cho biết, thực hiện công văn của Sở Y tế, Phòng Y tế cùng UBND xã Đức Thắng đã mời bà Chu Thị Huyền đến làm việc và tiến hành kiểm tra, xác minh. 
Cẩn thận với dịch vụ làm đẹp ven khu công nghiệp
(BGĐT) - Nắm bắt nhu cầu làm đẹp của hàng nghìn nữ công nhân, thời gian gần đây, các cơ sở spa, thẩm mỹ hình thành khá nhiều quanh các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Trong đó không ít cơ sở hoạt động chưa đúng quy định nhưng có những chiêu quảng cáo hấp dẫn để thu hút khách hàng.
"Tiền mất, tật mang" vì làm đẹp bằng rượu thuốc
(BGĐT) - Tin tưởng sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, lành tính, nhiều chị em coi mỹ phẩm rượu thuốc là “thần dược” cứu cánh cho làn da. Thế nhưng các bác sĩ cảnh báo, mặt hàng này thiếu an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe.

Nhóm PV

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...