Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Đời sống / Phòng, chống tác hại của thuốc lá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Các giải pháp căn cơ ngăn chặn nạn buôn lậu thuốc lá

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389), dù đã có sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng chức năng, số vụ buôn lậu thuốc lá được phát hiện, bắt giữ trong thời gian qua chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với thực tế. Đặc biệt vào dịp cuối năm, buôn lậu thuốc lá lại gia tăng và có những diễn biến phức tạp, nhất là tại các tỉnh biên giới. 

Bất chấp vì lợi nhuận

Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây trước hết do nhu cầu thị trường nội địa. Bên cạnh đó, thuốc lá nhập lậu có giá rẻ, đem lại lợi nhuận rất cao cho các đối tượng buôn lậu, thêm vào đó mức sống dân cư ở các địa bàn điểm nóng thấp khiến họ sẵn sàng tham gia vận chuyển thuốc lá lậu. 

{keywords}

Tiêu hủy thuốc lá nhập lậu.  Ảnh minh họa

Địa hình kênh rạch chằng chịt, đường mòn lối tắt nhiều là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu vận chuyển thuốc lá vào Việt Nam. Các cơ sở tập kết hàng lậu thường nằm ngay sát biên giới, khi không có lực lượng chức năng thì tuồn về Việt Nam. Mặt hàng thuốc lá thường gọn nhẹ, rất dễ vận chuyển nên hiện nay buôn lậu thuốc lá diễn ra qua đường sông, đường biển, đường bộ và cả đường hàng không.

Mặt khác, công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá nhập lậu của Việt Nam hiện chưa đủ mạnh. Thuốc lá nhập lậu thường không dán nhãn cảnh báo theo quy định của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam cũng chưa có đơn vị nào thẩm định về chất lượng, hàm lượng của thuốc lá nhập lậu khiến người dân chưa hiểu và nhận thức đúng đắn về những nguy hại của thuốc lá lậu.

Trước vấn đề đặt ra là có cần thiết phải có lực lượng chuyên trách chống buôn lậu mặt hàng này, ông Trần Hữu Linh cho hay thuốc lá là mặt hàng trọng điểm trong công tác chống buôn lậu. 

Trong chống buôn lậu thuốc lá, các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan và Quản lý thị trường vừa phối hợp vừa phải rõ hơn vai trò của từng lực lượng chứ không cần có lực lượng riêng cho công tác chống buôn lậu mặt hàng này. “Tôi cho rằng, việc phối hợp tốt giữa các lực lượng và từng lực lượng làm quyết liệt, làm đến cùng thì công tác chống buôn lậu thuốc lá sẽ hiệu quả hơn” - ông Linh nói.

Tăng cường công cụ chính sách

Bộ luật Hình sự được sửa đổi, bổ sung một số điều có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 đã quy định rất cụ thể hành vi buôn lậu từ 1.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhiều đối tượng buôn lậu đã dùng thủ đoạn đối phó bằng cách xé lẻ các kiện hàng thuốc lá khi vận chuyển, nhiều vụ khi bắt giữ kiểm tra thì chỉ có 1.499 bao. 

Khi sửa đổi năm 2017, Bộ luật Hình sự đã đưa ra quy định mới, đó là buôn lậu thuốc lá tái phạm nhiều lần, tổng số lượng giữa các lần mà vượt 1.500 bao thì cũng sẽ bị xử lý hình sự. Vì vậy, việc thay đổi này rất kịp thời để phục vụ cho công tác chống buôn lậu thuốc lá. Tổng cục Quản lý thị trường thời gian tới sẽ xây dựng công cụ để theo dõi các đối tượng buôn lậu thuốc lá và có hướng xử lý kịp thời.

Từ năm 2019, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tăng lên 75%. Theo quy luật, tăng thuế sẽ kéo theo tăng giá, vậy việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá lên 75% chắc chắn dẫn đến nguy cơ tình trạng buôn lậu thuốc lá sẽ tăng. Do vậy, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường chống buôn lậu mặt hàng này. Không chỉ quản lý thị trường mà các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ chống buôn lậu cũng phải làm quyết liệt hơn để hạn chế nạn buôn lậu thuốc lá. 

Việc các Chi cục QLTT từ địa phương chuyển về trực thuộc Tổng cục QLTT của Bộ Công Thương được kỳ vọng sẽ mang lại những thuận lợi trong công tác chỉ đạo chống buôn lậu nói chung và buôn lậu thuốc lá nói riêng. Trước đây, từng đơn vị QLTT ở mỗi địa bàn, khu vực khác nhau nên tính địa lý ít nhiều gây khó khăn trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. 

Các lực lượng có nhiệm vụ chống buôn lậu đã tổ chức điều hành theo ngành dọc từ lâu như biên phòng, hải quan... và hiện nay QLTT cũng được tổ chức theo ngành dọc sẽ giúp cho việc chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tốt hơn. Chính phủ đã có Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Trước tình trạng buôn lậu thuốc lá đang có những diễn biến ngày càng phức tạp, thời gian tới các lực lượng chức năng; trong đó có lực lượng QLTT cần triển khai tốt hơn nữa Chỉ thị này. 

Thêm nữa, hiện nay các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu chủ yếu là cư dân sống quanh khu vực biên giới nên giải pháp căn cơ và dài hạn là giải quyết công ăn việc làm cho người dân nơi đây để họ không tiếp tay cho buôn lậu. Trong ngắn hạn, tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị cho bản thân lực lượng chống buôn lậu, tránh tuyệt đối tình trạng mang tính bảo kê, tiếp tay buôn lậu. 

Ngoài ra, có chính sách hỗ trợ khuyến khích những người dân đưa tin, tố giác hành vi buôn lậu thuốc lá cho lực lượng chức năng. Đồng thời, tăng cường cơ sở vật chất cho lực lượng chống buôn lậu, bởi buôn lậu ngày càng tinh vi, hiện đại, nhưng cơ sở vật chất của lực lượng chức năng vẫn còn rất khó khăn.

Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Ba xu hướng xử lý vấn đề thuốc lá thế hệ mới
Theo Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, hiện Việt Nam chưa có cơ chế góp ý để kiểm soát các vấn đề liên quan đến thuốc lá thế hệ mới.
Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Tổn thương phổi nghiêm trọng vì hút thuốc lá điện tử
Vào tháng 1/2020, một người phụ nữ tên là Claire Chung đã chia sẻ hình ảnh chụp CT lá phổi của mình lên mạng xã hội, với mục đích kêu gọi mọi người nên dừng hút thuốc lá điện tử để tránh hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe.
Suy giảm sức khỏe sinh sản ở nam giới do khói thuốc lá
Chuyên gia nam học khuyến cáo nguy cơ giảm năng lực sản xuất và dị dạng "tinh binh" ở nam giới hút thuốc lá.
Thuốc lá gây tổn thương phổi trầm trọng
(BGĐT) - Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Người hút có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 22 lần so với người bình thường, cứ 5 người hút thuốc thì có một người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khó chữa trị.

Phương Uyên (BNEWS/TTXVN)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...