Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phát triển tour du lịch mùa vải thiều: Gợi mở từ các chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành

Cập nhật: 17:33 ngày 17/06/2018
(BGĐT)- Tìm giải pháp kết nối đưa khách du lịch đến Lục Ngạn, nhất là trong mùa thu hoạch vải thiều là một trong những nội dung chính được thảo luận trong chương trình khảo sát, tọa đàm “Phát triển tour du lịch mùa vải thiều huyện Lục Ngạn” diễn ra sáng 17-6 tại Lục Ngạn. Tham gia buổi khảo sát, tọa đàm có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cùng nhiều chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp (DN) lữ hành, phóng viên báo chí T.Ư, địa phương. 

Để du lịch phát triển quanh năm 

Lục Ngạn được biết đến là “vựa” cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, trong đó vải thiều là cây chủ lực có thương hiệu và thế mạnh đã được khẳng định từ lâu. Năm nay diện tích vải thiều của huyện đạt hơn 15 nghìn ha, sản lượng tăng mạnh so với năm trước (ước đạt hơn 100 nghìn tấn). 

{keywords}

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương và các đại biểu khảo sát tại vườn vải thiều ở thôn Giành Mới (xã Quý Sơn).

Hiện mùa thu hoạch vải thiều đang bước vào chính vụ, tại các nhà vườn du khách có thể thoải mái trải nghiệm quy trình sản xuất, thưởng thức những trái vải chín mọng, chụp ảnh lưu niệm. Sau khi khảo sát tại các nhà vườn tại thôn Giành Mới (xã Quý Sơn), đoàn đại biểu trao đổi kinh nghiệm, bàn giải pháp nhằm tăng giá trị vải thiều qua hình thức du lịch. 

Hầu hết các ý kiến cho rằng, Lục Ngạn có nhiều tiềm năng, thế mạnh cho phát triển du lịch vườn đồi, nhất là mùa vải thiều chín song cần có sự đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông và quy hoạch khu vực riêng dành cho phát triển du lịch với chỉ dẫn địa lý, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Cùng đó hỗ trợ, tập huấn cho nhân dân kỹ năng đón tiếp khách và ký các thỏa thuận với người trồng vải để bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. 

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Đạo Dũng: Các DN lữ hành hoàn toàn có thể đưa khách về Lục Ngạn trong mùa vải chín. Tuy nhiên mùa vải chỉ diễn ra hơn một tháng trong khi đó địa phương có nhiều loại cây ăn quả khác. Vì thế tỉnh nên nghiên cứu kết hợp với các mùa vụ khác để đón du khách được quanh năm thay vì chỉ vào mùa vải chín. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng của tỉnh cần thường xuyên cung cấp thông tin cho các DN lữ hành để chủ động giới thiệu, chào bán sản phẩm với du khách. 

{keywords}

Các đại biểu trải nghiệm, chụp ảnh lưu niệm tại vùng vải thiều xã Quý Sơn

Đồng quan điểm, bà Đặng Bích Thọ, Công ty Hà Nội Redtour JSC đánh giá: Không chỉ riêng vải thiều, Lục Ngạn còn nhiều cơ hội phát triển. Hình thức này đã được nhiều tỉnh, TP xây dựng thành công, Bắc Giang có thể tham khảo kinh nghiệm từ đó. Bà Thọ cũng cho rằng, để phát huy hiệu quả cao của tour du lịch cần khắc phục các hạn chế từ cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông tại Lục Ngạn bởi vào mùa vải thiều chín thường xuyên xảy ra ùn tắc. 

Ông Dương Văn Sáu, Trưởng Khoa Văn hóa du lịch (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) đánh giá cao ý tưởng xây dựng tour du lịch mùa vải thiều song để giữ chân du khách, Bắc Giang cần có các điều kiện cần thiết về hạ tầng và hệ thống dịch vụ. 

Từng bước hình thành tour du lịch đặc trưng

Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với quan điểm phát triển du lịch bền vững, hạn chế thấp nhất tác động xấu của du lịch đến môi trường, Sở sẽ chủ động thông tin, kết nối với các DN lữ hành xây dựng tour du lịch đến vùng vải thiều, trong đó du khách có thể vào vườn trải nghiệm giúp nhân dân thu hoạch vải hoặc trả một phần chi phí để được thưởng thức vải cũng như trực tiếp mua sản phẩm tại đây. Để xây dựng thành công tour du lịch này rất cần sự hỗ trợ, kết nối từ các DN lữ hành, sự vào cuộc tích cực từ chính quyền địa phương và nhân dân.

{keywords}

Du khách tham quan, thu hái vải thiều.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh tiếp thu, ghi nhận ý kiến, kinh nghiệm từ các đại biểu, đồng thời nhấn mạnh: Bắc Giang nói chung, huyện Lục Ngạn nói riêng đang hướng tới mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai, trong đó tập trung vào các sản phẩm du lịch tiêu biểu như: Văn hóa, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng. 

Nắm bắt tâm lý của nhiều du khách muốn trực tiếp trải nghiệm vùng cây ăn quả tại vùng đồi Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đang xúc tiến hình thành tour du lịch vườn đồi, qua đây vừa quảng bá cây ăn quả Bắc Giang để tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, đồng thời cũng là hướng đi mới cho du lịch của tỉnh, hy vọng nhân dân và du khách sẽ hào hứng đón nhận. 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao cơ quan chuyên môn, huyện Lục Ngạn nghiên cứu đề xuất quy hoạch vùng cây ăn quả phục vụ du lịch, đồng thời quan tâm giữ gìn cảnh quan môi trường, nâng cấp hệ thống giao thông, dịch vụ đồng bộ hơn. Nhân dịp này, đồng chí cảm ơn những gợi mở của các đại biểu và mong muốn Tổng cục Du lịch, các DN lữ hành, cơ quan báo chí Trung ương, địa phương thường xuyên quan tâm, góp ý để Bắc Giang xây dựng thành công sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với vùng cây ăn quả. 

                                                                        Nguyễn Hưởng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...