Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đức Thánh Cáu và truyền tích trò “múa bông đuổi bệt”

Cập nhật: 05:52 ngày 06/08/2018
(BGĐT) - “Đức Thánh Cáu” là danh xưng người đời suy tôn dành tặng quan Thái sư Trần Thủ Độ nhằm tưởng nhớ tới công lao to lớn của ông đối với nhân dân làng Hương Tảo, tên Nôm là Kẻ Cáu, nay là thôn Đông Hương, xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng (Bắc Giang).
{keywords}

Đình Đông Hương.

Theo các nguồn tài liệu chính sử, Trần Thủ Độ (1194- 1264) là người Tức Mặc, phủ Thiên Trường, là chú của vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh). Do có công khai sáng nên tới khi triều Trần được thiết lập, ông được vua Trần ban cho hưởng lộc ở đất Châu Lạng- tức vùng Bắc Giang ngày nay. Không chỉ có công lớn với vương triều Trần, đối với dân chúng, Trần Thủ Độ là một đại ân nhân ân đức bao trùm bởi công dẹp loạn, khai hoang lập ấp, đào sông, thậm chí nhiều truyền thuyết lưu lại việc ông còn diệt quái thú giúp dân.

Câu chuyện Trần Thủ Độ diệt mãng xà trừ hại cho dân được lưu truyền nhiều đời nay tại làng Hương Tảo, thuộc tổng Yên Dũng, xưa thuộc lộ Bắc Giang, nay thuộc thôn Đông Hương, xã Nham Sơn (Yên Dũng). Tương truyền, khi diệt được quái thú, Thái sư vung kiếm chém mãng xà đứt làm ba khúc, khúc đầu văng ra cánh đồng Cầu Đá của làng Hương Tảo (xã Nham Sơn ngày nay), khúc giữa văng lên làng Yên Hồng (xã Yên Lư), khúc đuôi bay về làng Phấn Lôi.

Hiện nay, cánh đồng làng Hương Tảo vẫn còn địa danh mang tên Vũng Rắn và nơi Thái sư Trần Thủ Độ nổi xung khi chưa trừ được mãng xà mang tên Kẻ Cáu. Nhân dân trong vùng cảm kích trước sự sâu sát, sáng tạo tiêu diệt quái vật của Thái sư nên đã tôn ông là Thánh, vì làng Hương Tảo có tên Nôm là làng Cáu nên Thái sư được gọi là “Đức Thánh Cáu”, nơi thờ ngài gọi là đình Cáu. Để ghi nhớ công lao to lớn ấy, sau khi Thái sư qua đời, nhân dân làng Kẻ Cáu đã tạc tượng ông và vợ là Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, tôn làm Thành hoàng làng, đưa vào thờ tại đình Cáu (đình Đông Hương) để bốn mùa hương khói.

Ngày nay, ở Nham Sơn có đình Đông Hương và đền Thanh Nhàn thờ vợ chồng Thái sư Trần Thủ Độ. Những nơi này đều có tượng hai ông bà đặt trong cung cấm. Tại đây, dân lấy ngày mồng 8 tháng Tư là ngày sự lệ, tế lễ và tưởng niệm vợ chồng Thái sư. Trong ngày lệ có tục “múa bông đuổi bệt” rất độc đáo, diễn lại tích đánh rắn năm xưa nhằm nêu cao công đức của Thái sư, giúp các bậc con cháu ghi nhớ sâu sắc công ơn của Ngài.

Để diễn tích này, làng làm một cái đầu rắn to như đầu kỳ lân, sư tử, cho một người cởi trần đóng khố, đội đầu rắn ngồi nấp trong đình. Bên ngoài đình lại cho một người cởi trần đóng khố, cầm chiếc gậy hai đầu buộc tua đỏ (gọi là cây bông) múa nhử rắn ở ngoài sân. Người đội đầu rắn nhảy ra múa ở gian giữa đình tỏ ý tức giận, lúc ra lúc vào. Múa như thế một hồi rồi lao ra tấn công người múa bông. Bất chợt, người múa bông ngã bệt xuống đất, bà con xem ở xung quanh cùng nhau hô lên rồi cầm đất ném vào ông bệt (người múa bông). Ông bệt tỏ ý sợ hãi quyết tâm lao vào người đội đầu rắn, cướp lấy đầu rắn và chạy. Lúc ấy trẻ con, người lớn mỗi người cầm một đến hai hòn đất ném vào đầu rắn. Nhân dân đứng xem cùng hò hét vang dội khiến cho không khí lễ hội thêm náo nhiệt.

Bắt nguồn từ tích này, trong đình Kẻ Cáu ngoài việc bài trí đồ tế tự còn để một chiếc đầu rắn ở hậu cung, mỗi khi có hội lại đem ra diễn tích. Ngoài diễn tích, làng còn làm cỗ đuổi bệt, gồm: Xôi, bỏng, dưa chua và thịt mỡ…

Lễ hội Kẻ Cáu với tích trò “múa bông đuổi bệt” là một trong những nét văn hóa dân gian độc đáo không phải nơi nào cũng có. Bên cạnh đó, lễ hội còn phản ánh bóng dáng của một thời đại đã từng tồn tại trong lịch sử Việt Nam. Đó là thời đại Lý - Trần oanh liệt, trong đó tiêu biểu là hình tượng Thái sư Trần Thủ Độ trên đất Nham Sơn đã để lại cho những người dân nơi đây lòng biết ơn và cảm phục sâu sắc.

Bảo Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...