Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 27 - 38 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch >> Điểm đến
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Huy động nhiều nguồn lực bảo tồn di tích

Cập nhật: 11:22 ngày 26/06/2018
(BGĐT) - Huyện Tân Yên là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, nơi có nhiều di tích cấp tỉnh, quốc gia và quốc gia đặc biệt. Những năm qua, địa phương luôn quan tâm làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo các di tích đã xuống cấp, từ đó phát huy giá trị lịch sử, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân.
{keywords}

Đình Vồng, xã Song Vân (Tân Yên) được tu sửa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tổ chức lễ hội dân gian.

Di tích lịch sử đền Dành, tọa lạc trên đỉnh núi Dành, xã Liên Chung được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2006. Đây là công trình văn hoá tín ngưỡng xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XVIII). Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đền Dành là trạm tiền tiêu để bộ đội ta phục kích bảo vệ vùng tự do. 

Mặt khác, khu di tích này còn có giá trị về lịch sử, văn hóa, hiện lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị nghiên cứu như: Hệ thống chân cột đá cũ, bát hương cổ, ngai thờ và một số đồ thờ tự khác có giá trị. Đồng thời, đây là nơi sinh hoạt văn hoá, tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. 

Bà Nguyễn Thị Bé Nhung, Phó trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện cho biết, để chống xuống cấp, bằng nguồn vốn nhà nước hỗ trợ và huy động từ người dân, năm 2017, địa phương đã đầu tư khoảng 3,4 tỷ đồng trùng tu ngôi đền. Trên cơ sở hiện trạng cũ, đền được tôn tạo với tòa tiền tế 3 gian, 2 chái rộng hơn trước, kết cấu móng xây dựng bằng gạch, hệ thống cột gỗ lim. Đến nay, công trình đã hoàn thành.

Tương tự, đình Cao Thượng, xã Cao Thượng là di tích cấp quốc gia, từng là một trong những căn cứ quan trọng của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Năm 2011, đình được đầu tư gần 17 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá để trùng tu, tôn tạo các hạng mục: Tòa đại đình, hậu cung, công trình phụ trợ. Hay như cụm di tích đình Vồng, xã Song Vân được đầu tư 7 tỷ đồng, trong đó đã dựng lại Cầu Vồng ở trước đình. 

Không chỉ đầu tư bằng vốn Nhà nước, nhiều nơi còn làm tốt công tác xã hội hóa để bảo tồn, tôn tạo các di tích. Đơn cử như tại xã Phúc Sơn, năm 2015, xã đã bố trí 6,6 tỷ đồng trùng tu khu đình, chùa, miếu, nghè và phần mộ Nữ Giã Đại thần. Trong đó, vốn huy động con em địa phương góp 6,3 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Đình Tỉnh Đạo, xã Quang Tiến là di tích lịch sử cấp tỉnh cũng được tu sửa, tôn tạo từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa để chống xuống cấp.

Huyện Tân Yên hiện có hơn 400 di tích các loại, trong đó 92 di tích đã được xếp hạng với 12 điểm thuộc di tích quốc gia đặc biệt Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, 5 di tích quốc gia, còn lại là di tích cấp tỉnh. Ông Đinh Đức Cảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Từ năm 2011 đến nay, cùng với nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ, huyện đã tích cực huy động kinh phí xã hội hóa được hơn 21 tỷ đồng để tu sửa 45 di tích lịch sử”.

Song song với trùng tu, bảo tồn, huyện Tân Yên còn chú trọng phát huy giá trị các di tích. Thời gian qua, địa phương đã chi hàng tỷ đồng để đặt nhiều biển chỉ dẫn vào các di tích. Đồng thời tích cực tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, giới thiệu các công trình đã được xếp hạng trên cổng thông tin điện tử của huyện. Đi liền với đó, huyện giao trách nhiệm cho Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa huyện thường xuyên hướng dẫn cán bộ địa phương, ban quản lý, thủ nhang làm tốt công tác vệ sinh môi trường cảnh quan, tránh đưa những hiện vật, đồ thờ không rõ nguồn gốc vào di tích... 

Bằng cách làm thiết thực như trên, những di tích được tu bổ đều phục hồi được diện mạo xưa, trở thành những sản phẩm văn hóa hoàn chỉnh, giúp thế hệ trẻ có một cách nhìn toàn diện hơn về lịch sử, văn hóa địa phương, thu hút đông khách tham quan, du lịch.

Minh Linh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...