Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 29 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch >> Điểm đến
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hò hẹn bốn mùa với Bắc Giang: Kỳ 2 - Hạ hong gió cao nguyên

Cập nhật: 16:23 ngày 06/01/2021
(BGĐT) - Thênh thênh gió đồng rừng mang theo cái oi nồng để lửa lựu bung nở chào hè. Trời trong vắt như thể một tấm gương khổng lồ ôm trọn lấy cảnh sắc một miền rừng. Núi ở đây không quá cao, rừng chốn này không quá sâu, nhưng cũng đủ khiến lòng người cảm tác “Này Sơn Động non ngàn kiêu hãnh quá/ Đỉnh Đồng Cao mời gọi bước chân người/ Làm sao bám dấu nai rừng Yên Thế/ Hay hòa cùng suối Vàng về xuôi”.

Tìm dấu nai rừng Yên Thế hẳn là không quá khó khi chỉ từ Khu di tích nghĩa quân Hoàng Hoa Thám đi thêm chừng 10 km theo quốc lộ 17 về phía Tây Bắc là đã bước vào một dải khí hậu mát lành của rừng nguyên sinh. Những sườn đồi bạch đàn thơm dịu dẫn lối vào vùng mây trời giăng mắc luồn quanh bồng bềnh núi, lan tỏa quanh lưng lửng đồi như một tấm chăn mỏng. Từ trên cao nhìn xuống, khung cảnh dưới thung lũng như một bàn cờ tiên, những mái nhà nhỏ của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chỉ… lúp xúp bên những lùm cây xanh thẫm và mảnh ruộng hiền hòa.

{keywords}

Du khách trải nghiệm tại cao nguyên Đồng Cao (Sơn Động).

Ban mai Yên Thế sẽ trọn vẹn khi nhấp trà bản Ven dưới tán lá cây Lim xanh nghìn tuổi ngự trên đồi Lim, thôn Xuân Lung, xã Xuân Lương. Thân thẳng đứng, lá rì rào như năm nào làm điểm hẹn cho nghĩa quân Yên Thế, biểu thị sức mạnh và sự trường tồn của thiên nhiên kỳ vĩ. Khi ve sôi gọi nắng, trầm mình trong dòng nước bạc thác Ngà đầy khoan khoái, thanh tẩy những muộn phiền trong lòng người và đón nhận những vẩy bạc, vẩy vàng soi chiếu qua ngàn lá, bụi hoa dại bên suối ngơ ngác dịu dàng chờ bước người qua...

Và lưng lửng chiều, hoàng hôn chuyển tím, núi giăng thành bức họa trầm buồn là lúc nổi lửa nướng những chú gà đồi tẩm mật ong Yên Thế sánh ngọt, nhâm nhi trám om bùi ngậy, chấm đọt măng đắng cùng chẩm chéo cay nồng ở một nếp ấm áp nào đó. Dõi mắt tìm trong dáng núi màu áo hoa của sơn nữ đi làm cỏ lúa, lắng lòng nghe tiếng hát vút cao khiến hương quế, hương hồi cuống quýt, nồng nàn ẩn trong nếp áo. Để rồi lòng theo "bước đá, bước mây" chếnh choáng men rừng, hãy nghỉ trọn một đêm hè giữa những xóm bản oi mùi khói bếp và mùi phân trâu bò hoai oải để hiểu thêm đời sống và tâm hồn người nơi đây vừa rất đỗi thân quen, vừa lạ lùng, kỳ bí.

Nhưng nói đến gió cao nguyên, thì không đâu bằng Đồng Cao, nơi được ví như Sa Pa hay Mẫu Sơn của Bắc Giang và còn được mệnh danh là “ngôi nhà của gió”. Con đường gập ghềnh khó đi để lên xã Thạch Sơn, huyện Sơn Động là thử thách đối với những “phượt thủ” ham trải nghiệm những cung đường mới lạ lên với thảo nguyên cao 1.000m so với mặt nước biển. Đứng giữa đất trời Đồng Cao, không biết có thể dùng lời lẽ gì để có thể tả cho được cái cảm giác hân hoan, có thể tả cho được cái vẻ đẹp miên man trăm sắc ngàn hương của cảnh vật thiên nhiên còn khá hoang sơ nơi đây.

Lúc sớm mai, thảo nguyên xanh hút tít tầm mắt, mùi cỏ cây tinh khiết dậy hương và giọt sương trên lá biếc phản quang muôn hồng ngàn tía. Gió xô những thân cỏ xoài rạp thành hai hướng gợi nhớ về thuyết “phân mao cỏ rẽ” trong phân định biên giới của cha ông nơi biên cương. Gió luồn vi vu qua những bãi đá được hình thành qua bao kỷ nguyên như thể trò chơi của tạo hóa với muôn hình thù sống động. Hoàng hôn ở Đồng Cao lãng mạn như một khúc tình ca, những đôi trẻ ghé sát vai nhau để hơi ấm dịu dàng lan tỏa trên những đôi má thanh tân. Những đôi mắt lấp lánh ý tình cùng nhìn theo từng gam màu ấm áp trên bầu trời dần đuổi bước vầng dương ngả bóng về tây. Rồi cứ lặng im bên nhau như thế, Đồng Cao sẽ tặng cho tình yêu đôi lứa một thảm sao trời tuyệt đẹp.

Từ Đồng Cao, chỉ mất thêm hơn chục km đường để đến Khu bảo tồn Tây Yên Tử trải rộng trên ba xã An Lạc, Thanh Sơn, Thanh Luận của huyện Sơn Động và xã Lục Sơn của huyện Lục Nam. Đây là lá phổi xanh của Bắc Giang nói riêng và vùng Đông Bắc nói chung với nguồn tài nguyên rừng phong phú và nguồn gien động, thực vật quý hiếm phân bố trên 17.000 ha. Chốn danh sơn ẩn chứa nhiều thắng tích này cũng đồng thời là một miền rừng kỳ thú. Mà ở trong miền rừng ấy, Khe Rỗ là một nàng công chúa còn đang ngái ngủ che chở dưới những tán pơ-mu, tùng la hán, trầm hương, lát lim, thông làng, sa nhân, ba tích hàng trăm loài động vật, trong đó có cả những loài có tên trong sách đỏ mà nếu may mắn, bạn có thể sẽ thấy chúng khi sải bước đường rừng.

Ba con suối Khe Rỗ uốn quanh như dải lụa, khe Đin tạo thành nhiều ngọn thác cao ba, bốn tầng và suối nước Vàng như màu mật quấn quyện cùng rừng, cuộn xoáy qua những ngầm đá rồi tụ thành những hồ nước xanh diệp lục trong veo nhìn tận đáy mà bà con trong vùng gọi là Vũng Tròn, Vũng Soong... Khi gót giày đã thấm đẫm hương rừng, khi con mắt đã no tràn màu xanh xứ sở, cũng là lúc cần dừng chân nghỉ lại để cảm thụ cái tịch mịch của núi rừng, để môi thơm vị quả rừng, miệng ngấm những món ngon.

{keywords}

Khe Rỗ, xã An Lạc (Sơn Đông) thu hút nhiều du khách.

Tuyệt nhất là để răng nhai giòn thân ốc hương Khe Rỗ, miệng cắn miếng vịt lam ống nứa, cá trôi mắt đỏ, rêu đá gói lá rong nướng trên than hồng, canh măng mai, khoai tím... Sáng hôm sau ra về, hành trang có thêm quà biếu ông bà, cha mẹ sau một hành trình vui là những cây thuốc quý được đồng bào Dao hái trên những vỉa núi cao hút tít tầm mây, để người già ở nhà cũng ít nhiều cảm nhận được khí núi, tình rừng và lòng hiếu thuận của con trẻ.

Và mùa hè Bắc Giang cũng là mùa quả ngọt trĩu cành, những vạt đồi hoàng thổ chốn này mấy chục năm qua đã bền bỉ ươm biết bao loại cây ăn quả mới vốn là đặc sản vùng miền khác như cam Vinh, bưởi Diễn, cam Canh, vải thiều, na dai, thanh long ruột đỏ, ổi lòng đào, hồng… Cây sâu rễ bền gốc, sản lượng và chất lượng quả thậm chí còn cao hơn chính nơi khởi sinh ra nó đã giúp Bắc Giang trở thành một trong những vùng trái cây lớn nhất cả nước khi sở hữu gần 50 nghìn hecta cây ăn quả.

Có thể tìm niềm vui trên những triền đồi lúp xúp những thân sấu thẳng đang trỗ quả ở Yên Thế, Hiệp Hòa. Những ai từng lớn khôn bên gốc sấu từ đồng bãi quê nhà, hẳn sẽ nhớ thương về những mùa sấu thanh dịu lúc hè. Lùi xuống Tân Yên, tiếc gì chút thời gian để vào thăm những vườn ổi lê Đài Loan ngọt lỉu và thơm nức để nghe giọng chào mào ánh ỏi cãi nhau chực chờ quả chín. Và rồi thuận đường, lại cho chạy vòng sang mé Lục Nam để đón mùa na dai đầu vụ, từng sọt ánh xanh bạc hà được người dân chở xuống cửa rừng khiến một triền rừng như vui hội.

Nhưng hương vị mùa hè chỉ thực sự bùng lên khi những chùm vải chín đến thổn thức đầu cành trong ánh chiều lấp lóa của “vương quốc vải thiều” Lục Ngạn. Khung cảnh rực rỡ khắp làng trên bản dưới chỉ có thể bắt gặp trong hai tuần mỗi năm đã mời gọi người muôn phương về đây thăm cây, hái quả. Thật khó quên cái cảm giác đứng trước con đường ngập tràn sắc đỏ cam quyến rũ và mùi vải thơm ngọt đến mức không thể dừng xe để mua vội một chùm vải cho thỏa cơn thèm.

Đi bộ giữa dòng người tất bật bán mua, cảm giác trôi trong dải lụa màu không ngừng xao động bởi những sọt vải trên vai người, trên yên xe hòa niềm vui của người nông dân mùa thu hoạch. Tự tay nâng chùm quả chín đầu cành, càng thấm thía hơn bao công khó tay người đã gieo duyên vào đất vào cây, tạo nên một mùa thơm, một mùa vui cho bao người yêu mến Bắc Giang. Rồi những cảm xúc ấy căng tràn trong ngực khi Lễ hội trái cây Lục Ngạn chính thức bắt đầu với một hành trình du khảo trái ngọt hoa thơm, để mang cái ngọt lành của vải, của na, bưởi mà đặt vào trong lòng mình lưu luyến.

Thành phố Bắc Giang - Trọng điểm kết nối du lịch Bắc Giang
(BGĐT) - Thành phố Bắc Giang nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung là vùng đất có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh, làng nghề. 
Liên kết hút du khách ngoài tỉnh
(BGĐT) - Nhằm đưa du khách đến với Bắc Giang nhiều hơn, thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển, thời gian qua, các đơn vị, doanh nghiệp (DN) lữ hành trong và ngoài tỉnh đã tăng cường liên kết, xây dựng các tour, tuyến.  

Đặng Giang - Vân Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...