Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch >> Điểm đến
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hò hẹn bốn mùa với Bắc Giang: Kỳ 4 - Đông thăm chốn trận tiền

Cập nhật: 17:45 ngày 08/01/2021
(BGĐT) - "Miền chiến địa" - liệu quá lời không khi đặt tên cho vùng đất này như thế. Người bạn kể cho tôi nghe truyền thuyết về Thạch tướng quân - vị tướng lập chiến công lẫy lừng giúp vua Hùng Vương thứ 16 đánh thắng giặc Man Khấu xâm lược nước Văn Lang được lưu truyền trong dân gian. Để thấy từ thủa bình minh dựng nước, người Việt cổ đã kiên cường chống chọi với gót giày xâm lăng. 

Gọi mời bạn đến Bắc Giang đầu đông là bởi năm xưa giặc phương Bắc vốn kỵ khí hậu nồm ẩm của phương Nam nên thường xuất chinh lúc đầu đông. 

Vậy nên khi cái lạnh lẩn trong từng nếp áo và gió Bấc thốc lá cành xoay vần như thể ngàn kỵ binh ruổi vó trận tiền, đứng bên thành cổ Xương Giang để nghĩ về tráng chí của người xưa cũng là một trải nghiệm không dễ gì có được.

{keywords}

Vũ điệu hội làng. Ảnh: Hương Giang.

Câu thơ "Chuông thu không, rừng động dưới trăng già/ Tiếng trống trận, tiếng tù và đã tắt/ Nhưng tiếng hát thì không bao giờ chết/ Tiếng hát giữa lòng người, tiếng hát giữa non sông/ Rằng, "Muôn năm dòng máu anh hùng!"/ Rằng, "Vạn tuế giống dòng hào kiệt!" của nhà thơ Đỗ Trung Lai giục chúng tôi dõi mắt theo dáng những dòng sông chở “đức” xuôi về biển. 

Nguyệt Đức, hay Như Nguyệt, hay sông Cầu… cái tên nào cũng là dòng lịch sử, dòng tâm linh ngàn đời không phai trong tâm trí con dân đất Việt. Dòng sông ấy gắn với sự tích Thánh Gióng lớn nhanh như thổi, cưỡi ngựa sắt, nhổ tre đằng ngà đánh giặc đền nợ nước, tình nhà. Đi thuyền trên sông Cầu, ghé thăm bến Như Nguyệt, bạn đừng ngại ngần mà hãy đọc vang bốn câu thơ “Thần” để lời tiền nhân lan trên sóng nước hôm nay. Để hiểu “Sách Trời” minh định giang sơn bờ cõi là do lòng người Việt không cam phận nô lệ, là bởi muôn dân Việt sẵn sàng xả thân để đánh đuổi kẻ thù đến đây xâm phạm.

Dòng sông chính là một trận tiền oanh liệt, khi Đức Thái úy Lý Thường Kiệt dũng mãnh đánh trả quân Nam Tống sang tận các châu Ung - Khâm - Liêm để trấn áp quân thù đã khôn ngoan lùi binh về đây dựng phòng tuyến dài 80km trên sông năm 1077. Quân triều đình cùng các đội quân của Thân Cảnh Phúc đã chặn địch ngay tại các cửa ải vùng biên, dùng nhiều kế sách linh hoạt, dựa vào nơi hiểm địa để từng bước suy yếu quân giặc. Và khi đã đánh tan 30 vạn quân hung hãn, vị tướng tài danh và thấu đạt lẽ cương nhu ấy đã dâng thư cầu hòa, giữ cho đất nước khỏi đối diện với một trận gió tanh mưa máu mới.

Hãy dừng chân lên vùng đất thiêng ở thôn Mai Thượng, xã Mai Đình có tên là cánh đồng Xác, nơi 30 vạn quân xâm lược nhà Tống đã chôn vùi trong gió cuối đông, mở ra mùa xuân mới của dân tộc. Cũng kể từ ngày đó, chùa Xác được xây dựng để người dân trong vùng đến nhang khói quanh năm, vừa cầu quốc thái dân an, vừa siêu sinh tịnh độ cho quân giặc bỏ thây nơi đất khách được về với phương Bắc xa xôi. Để thấy tâm hồn người Việt, minh triết sống của người Việt cũng khoan hòa, bao dung như sông, lắng chua chắt đắng cay vào lòng để dùng lấy đức nhân đối xử với kẻ thù.

{keywords}

Du khách trải nghiệm, lưu lại hình ảnh trên cánh đồng hoa Hướng Dương ở phường Đa Mai (Thành phố Bắc Giang).

Rời Như Nguyệt ta ngược lên phía Bắc, thăm dòng sông dùng dằng đưa nước bồi đắp cho bao làng xã có tên chữ là Nhật Đức - nghĩa là “dòng sông mặt trời”, được mang tên tục là sông Thương. Người ta lý giải rằng, bởi thời phong kiến xa xưa, khi quan, quân lên trấn ải biên thùy Lạng Sơn thì gia quyến của họ được phép tiễn đưa đến con sông này. Người đi, kẻ ở dùng dằng không nỡ dứt, dòng sông trở thành chứng nhân với biết bao thương cảm nên từ đó nỗi lòng con người lại hóa tên sông và bên sông hiện vẫn còn làng Thương và bến Chia Ly. Dòng sông ấy còn có tên là Xương Giang, được đặt theo tên thành cổ Xương Giang năm xưa được quan quân nơi đây dùng sức người xây thành đắp lũy để phòng quân xâm lược phương Bắc.

Nơi đây đã có biết bao trận chiến làm kinh hồn quân cướp nước. Tiêu biểu là cuộc chiến của quan quân nhà Trần chống giặc Nguyên Mông. Hai nàng công chúa Ngọc Nương, Bảo Nương đã dùng mỹ nhân kế dụ chìm thuyền giặc, giết chết tướng giặc và cùng tự vẫn trên sông, được nhân dân lập đền tưởng nhớ. Thành Xương Giang là nơi xảy ra trận đại chiến Chi Lăng - Xương Giang cuối năm 1427 giữa nghĩa quân Lam Sơn và 10 vạn tinh binh do Liễu Thăng và Mộc Thạnh chỉ huy Nam tiến, chấm dứt 20 năm đô hộ của nhà Minh.

Dòng sông vốn xanh như màu trời đã ngàu sắc đỏ và ứ nghẹn xác giặc thù đi vào “Xương Giang phú” của thi nhân Lý Tử Tấn: “Non sông vốn thiêng/ Nơi đây vũ công lừng lẫy/ Giúp nên đất nước bình yên/ Lạch thiên nhiên của trời Nam sẵn có/ Mở thái bình cho đất Việt khắp miền/ Ấy Xương Giang một sông hình đẹp/ Mà dấu thơm muôn thuở còn truyền...”. Năm 2009, đền Xương Giang đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia với 14 điểm di tích quan trọng, các hoành phi, câu đối được viết bằng chữ nôm ít nhiều giúp du khách có thể tìm hiểu về chiến công của cha ông.

Cũng đừng ngại đường xa mà không lên với núi rừng Yên Thế, để nghe câu chuyện về cuộc chiến đấu của nghĩa quân Đề Thám chống Pháp kéo dài suốt 30 năm. Khu di tích Khởi nghĩa Yên Thế với 9 địa điểm được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào những ngày tháng 3 đông đảo người đến tham quan, dâng hương tưởng nhớ anh linh những người con đã xả thân vì nghĩa lớn, đã trở thành một trong hai lễ hội lịch sử lớn nhất của tỉnh Bắc Giang. Vùng đất này xa xưa vốn thâm u, hiểm địa giờ đang được khai thác mạnh mẽ tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, bề dày truyền thống lịch sử văn hóa để từng bước phát triển du lịch lịch sử, du lịch tâm linh và du lịch sinh thái, cộng đồng

Đứng ở sân đền Thề, nơi Đề Thám và nghĩa quân họp bàn kế sách chống giặc của nghĩa quân, lá sấu bay như ngọc biếc về phía thành Phồn Xương mà thấy cái tài cầm quân, đánh giặc của người xưa qua trang văn của Nguyên Hồng: “Lãnh tụ nông dân Hoàng Hoa Thám vừa đánh Tây vừa làm ruộng, vừa đánh vừa làm ruộng rồi lại đánh…., quân cũng như dân, cày cuốc chăn nuôi để lấy đó mà trữ lương sắm súng…” mà tưởng như được nghe tiếng người anh hùng khí khái "Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy dù có phải hy sinh cả tính mạng" hay lúc ông thao lược bàn việc quân “Việc đánh Tây, ta phải tính thế lâu dài, lấy đoản đánh trường, lấy ít đánh nhiều, lấy hư đánh thực, lấy kỳ bình mà đánh đại quân…”.

{keywords}

Giáo dục truyền thống cho học sinh tại Nhà trưng bày ATK II Hiệp Hòa.

Và khi xuôi quốc lộ, đừng bỏ qua Hoàng Vân - An toàn khu II của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ ở Hiệp Hòa. Ngày 31/12/2020, cùng với 7 địa danh khác, di tích này đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2280/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây có Nội Đồng Mú, có xóm Đá, soi Đền, Nghè Soi, đình Hoàng Vân, chợ Vân… là những thôn làng bình dị mà kiên gan nuôi giấu, che chở cho bao cán bộ cấp cao của Đảng hoạt động những ngày đầu cách mạng. Hãy tận mắt ngắm nhìn những kỷ vật vô giá kể về những năm tháng hoạt động đầy gian khổ, hy sinh mà vẻ vang của các chiến sĩ cách mạng được trưng bày ở nhà truyền thống ATK II ở xã Hoàng Vân để thấm thía hơn về cái giá của hòa bình, no ấm hôm nay.

Đông rồi sẽ tàn nhường bước gió xuân. Chốn trận tiền ngàn năm qua trải trăm trận can qua, ngàn lần li loạn giờ đây bừng sáng bao công trình mới được kết tinh từ ý chí, trái tim của triệu người đưa con tàu quê hương vượt lên phía trước. Với thế nước đang thịnh, vận đất hanh thông và lòng người sục sôi đoàn kết, quyết tâm quật khởi, không lâu nữa, Bắc Giang sẽ trở thành một đô thị đa năng, có môi trường sống an toàn, bền vững, hài hòa với thiên nhiên và di sản.

Miền đất ấy đang chờ bạn với bao điều quyến luyến khó quên!

Đặng Giang - Vân Anh
Hò hẹn bốn mùa với Bắc Giang: Kỳ 3 - Thu tìm trong vốn cổ
(BGĐT) - Tỉnh giấc giữa ban mai Việt Yên (Bắc Giang) cùng tiếng gà sáng đường mây, lẫn trong sương sớm là những ánh đèn pin rẽ sương mai của nông dân ra đồng làm rau. Mùa này nắng mềm như rót mật, cỏ cây miền bán sơn địa giống như con người, bình thản đi qua bốn mùa như quy luật tự nhiên của đất trời mà sinh sôi, phát triển. 
Hò hẹn bốn mùa với Bắc Giang: Kỳ 2 - Hạ hong gió cao nguyên
(BGĐT) - Thênh thênh gió đồng rừng mang theo cái oi nồng để lửa lựu bung nở chào hè. Trời trong vắt như thể một tấm gương khổng lồ ôm trọn lấy cảnh sắc một miền rừng. Núi ở đây không quá cao, rừng chốn này không quá sâu, nhưng cũng đủ khiến lòng người cảm tác “Này Sơn Động non ngàn kiêu hãnh quá/ Đỉnh Đồng Cao mời gọi bước chân người/ Làm sao bám dấu nai rừng Yên Thế/ Hay hòa cùng suối Vàng về xuôi”.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...