Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch >> Lễ hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Độc đáo lễ hội dân gian vùng núi Đót

Cập nhật: 07:00 ngày 29/06/2019
(BGĐT) - Phúc Sơn là xã miền núi thuộc huyện Tân Yên (Bắc Giang), mang đặc trưng riêng của vùng văn hóa núi Đót. Những chứng tích khảo cổ tìm được như cuốc bằng đá, rìu tay hoặc công cụ hình hạt nhân có dấu ghè đẽo… chứng tỏ từ xa xưa, trên mảnh đất này con người đã quần cư. Nơi đây còn lưu giữ nhiều truyền thống văn hóa kết tinh trong vốn di sản văn hóa dân tộc, tiêu biểu là lễ hội dân gian vùng núi Đót.

Núi Đót nằm ở cực Tây Bắc của huyện Tân Yên, có độ cao 121,8 m, là điểm cao nhất trong huyện và cũng là ranh giới giữa hai tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di sản văn hoá quý giá, trong đó có lễ hội dân gian vùng núi Đót liên quan đến tín ngưỡng thờ Nàng Giã đại thần.

{keywords}

Quang cảnh lễ rước trong lễ hội dân gian vùng núi Đót.

Cụm di tích Lý Cốt bao gồm đình, chùa, nghè, phần mộ, giếng Hà, đền Đót thuộc xã Phúc Sơn (Tân Yên) là nơi khắc ghi hình ảnh về Nàng Giã đại thần tức bà Dương Thị Giã, nữ tướng thời Hai Bà Trưng có công đánh dẹp quân Hán xâm lược. 

Cụm di tích này toạ lạc trên khu đồi Rừng đình và núi Đót. Đình, chùa, nghè Lý Cốt có bình đồ kiến trúc theo kiểu “tiền Thần, hậu Phật” tức đình trước, chùa sau. Khuôn viên di tích còn lưu giữ được cây đại cổ thụ hàng trăm năm tuổi tạo nét đẹp sinh thái cổ kính cho quần thể di tích. Công trình khởi dựng thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII) và đã được tu sửa nhiều lần. 

Hằng năm tại đây mở hội vào ngày 14 tháng Giêng và 8 - 4 âm lịch. Lễ hội mang sắc thái độc đáo, liên quan đến tín ngưỡng thờ nữ thần, gắn với lịch sử dân tộc và có lẽ duy nhất chỉ thấy ở vùng văn hoá núi Đót. Dân gian có câu: "Trám, Luông, Lý Cốt, Phẩm, Giàng/Tháng Tư, mồng tám giỗ Nàng Giã tiên".

Tục thờ Nàng Giã đại thần bắt nguồn từ sự tích: Vào thời Hai Bà Trưng chống quân Hán (năm 40 sau Công nguyên), vùng núi Đót có bà Dương Thị Giã đã tập hợp lực lượng những người yêu nước đứng lên chống giặc, gìn giữ mảnh đất quê hương. Đoàn quân của bà tiến về Mê Linh nhập vào hàng ngũ của nghĩa quân Hai Bà Trưng, bà được phong làm nữ tướng và lập nhiều chiến công hiển hách.

Có thời gian, Nàng Giã cho quân về vùng núi Đót chờ thời cơ thuận lợi tiến công, nghĩa quân phải nếm mật nằm gai, ăn cơm nắm, cơm lam, nhân dân không ra đồng để chờ lệnh đánh giặc. Trong một trận chiến ác liệt, vì lực lượng yếu nên bị thất thủ, thương tích đầy người, bà vẫn một mình một ngựa phá vòng vây của giặc để về nhà, đến núi Đót bên cạnh giếng Hà (Lý Cốt, Phúc Sơn) thì trẫm mình tuẫn tiết, khu vực này hiện vẫn còn giếng nước và phần mộ của bà.

Để tưởng nhớ công lao Nàng Giã, nhân dân trong vùng đã lập nghè thờ và lấy ngày mùng 8 - 4 âm lịch, ngày giỗ của bà làm sự lệ của làng. Vào ngày này, người dân trong vùng có tục "cấm lửa" và "cấm đồng". Bắt đầu từ ngày mồng 7, công việc chuẩn bị cho ngày giỗ Nàng Giã phải xong hết, đến ngày 8 không ai được ra đồng làm việc, không nhà nào được nấu nướng, mọi gia đình đều làm lễ thắp hương tưởng niệm.

Vật phẩm đồ lễ dâng cúng phải dùng màu đen như cờ đen, hương đen, mã đen, lợn đen, gà đen, xôi đen… Trong những ngày này, tất cả các gia đình đều ăn đồ lạnh như cơm nắm, bánh dày, bánh chưng. Đồ ăn này để tưởng nhớ về vật phẩm, quân lương xưa dùng cho việc nuôi quân của Nàng Giã đại thần.

Liên quan đến tín ngưỡng thờ Nàng Giã đại thần còn có đình làng Chuông thuộc thị trấn Nhã Nam. Truyền thuyết khác cho rằng bà Dương Thị Giã quê ở làng Chuông, Nhã Nam nhưng đã anh dũng hy sinh ở núi Đót nên hai nơi đều dựng đình, chùa, nghè tôn thờ bà. 

Hai địa phương này từ xưa đã có tục kết nghĩa với nhau, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, gian khó, đời nối đời, con cháu đều tuân theo lệ cổ. Dân trong vùng thường nói "đình Lý Cốt, cột Nhã Nam" để khẳng định sự gắn bó, đoàn kết giữa hai làng. 

Hằng năm, hai làng đều tổ chức lễ hội vào ngày mồng 8- 4 âm lịch, ngày này sẽ tổ chức rước, tế lễ trang nghiêm. Trong lễ hội, các trò chơi dân gian như đua ngựa, đấu vật, kéo co, chọi gà, cờ tướng, bịt mắt đập niêu, hát quan họ... thu hút đông đảo nhân dân trong vùng đến dự.

Độc đáo lễ hội cầu mùa của người Dao Sơn Động
(BGĐT) - Trong các dân tộc sinh sống ở huyện vùng cao Sơn Động (Bắc Giang), đồng bào dân tộc Dao có những nét sinh hoạt văn hoá độc đáo thể hiện trong đời sống thường ngày, qua lễ hội dân gian, những bài ca, điệu múa, truyện kể, ca dao, tục ngữ, câu đố… Đặc biệt, lễ hội cầu mùa (chầu nhẩn) - lễ hội dân gian mang sắc thái tín ngưỡng văn hoá đặc trưng tiêu biểu còn được duy trì đến ngày nay.
Lễ hội đền Suối Mỡ - điểm đến hấp dẫn
(BGĐT) - Quần thể Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ thuộc xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam (Bắc Giang) là địa chỉ hấp dẫn thu hút du khách gần xa, đặc biệt trong dịp diễn ra lễ hội đền Suối Mỡ (từ ngày 30-3 đến 2-4 âm lịch).
Trai làng Hà Thành mình trần chơi kéo co ngồi trong lễ hội đền Trấn Vũ
Sáng 7-4 ( tức 3 tháng Ba âm lịch), lễ hội đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) sôi nổi với trò chơi dân gian độc đáo là kéo co ngồi vừa được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đông đảo người dân, du khách cổ vũ giải chọi dê tại Lễ hội Yên Thế
(BGĐT) -  Nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội Kỷ niệm 135 năm Cuộc khởi nghĩa Yên Thế (Bắc Giang), ngày 16-3, Ban tổ chức Lễ hội tổ chức vòng Chung kết giải chọi dê. Giải thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, du khách.

Đồng Ngọc Dưỡng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...