Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 25 °C / 23 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch >> Phong tục tập quán
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Độc đáo tục tế lợn

Cập nhật: 07:00 ngày 01/02/2019
(BGĐT) - Lợn đi vào lễ nghi phong tục trong văn hóa truyền thống ở Bắc Giang từ lâu đời. Nhiều làng, xã nuôi lợn thờ, vào ngày lễ hội đem ra tế sinh. Đặc biệt, nghi thức tế lợn đen tuyền được duy trì ở nhiều địa phương còn liên quan đến tục thờ thần Quý Minh dưới thời Hùng Vương. Tục thờ này ít nhiều có gắn với tín ngưỡng nông nghiệp của người dân Bắc Giang từ bao đời nay.

Lợn tế lễ trong văn hóa truyền thống ở Bắc Giang dường như không bao giờ được gọi bằng một cách thông tục, mà phải dùng những từ ngữ biểu lộ sự trân trọng, tôn kính như: Ông lợn, ông ỉ, ông khoang, ông đen, ông trắng, ông lang, ông vật, cụ trư, trư thủ, trư vĩ… Tùy từng địa phương mà có những tên gọi khác nhau. Bản thân người nuôi cũng được gọi bằng những từ ngữ chứa đầy sự kiêng kỵ như: Ông lềnh, ông nhà đám, ông hàng giáp, ông nhà sát, ông tu lễ…

{keywords}

Tục tế ông Lang (lợn đen) ở làng Tân Phượng, xã Tân Mỹ, TP Bắc Giang. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Làng Gai, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) có tục tế lợn đen tuyền trong lễ hội đình Gai ngày 10 tháng 5. Hương ước làng còn ghi rõ, ngày sinh, ngày hóa Thần phải tế lợn đen tuyền và bò vàng. Theo quan niệm dân gian, nghi lễ này là biểu hiện của quy luật âm dương. Lợn đen tuyền biểu tượng của âm gắn với sự tích thờ thần Quý Minh ở đình và đền. Bản Thần tích đình Gai ghi: “…thần Quý Minh hiệu là Chàng Lang là con trai Lạc Long Quân, em thần núi Tản Viên. Trước đây Thần từ biển lên núi, qua thôn Phú Mẫn, xã Nội Trà (nay là Yên Phong- Bắc Ninh) thấy có một đỉnh núi cao, phong cảnh tú lệ, nhân đó mà lên vui chơi cầu đảo, từ đó nhiều lần linh ứng…”. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa: Tục thờ lợn đen tuyền mang màu sắc tín ngưỡng nông nghiệp của cư dân lúa nước. Những biểu hiện quy luật âm dương hay nghi lễ cầu đảo, tục thờ lợn đen tuyền… đều thể hiện ước muốn của người dân nông nghiệp mong cho có nước để cấy cày, mùa màng tươi tốt, sinh sôi phát triển, cuộc sống no đủ...

Đình làng Thắm, xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) thờ Chiêm Nhuận đại vương cũng là vị thủy Thần (Thiên thần) con vua Lạc Long Quân, đời Hùng Vương, ngài cai quản vùng sông nước lại có công âm phù giúp hai Bà Trưng đánh đuổi quân Hán, đời Trần lại âm phù giúp nhà Trần đánh thắng quân Nguyên Mông. Xưa nay theo phong tục ngày sự lệ ở đình làng Thắm có tục tế lợn đen tuyền. Đình Cao Thượng (Tân Yên) thờ Thần Cao Sơn - Quý Minh. Sinh hoạt văn hóa dân gian vùng này liên quan đến tục thờ thần Quý Minh rất rõ nét. Hằng năm, đình Cao Thượng mở chợ Âm Dương vào ngày mồng 2 Tết âm lịch. Mỗi năm chợ chỉ họp một phiên vào sáng sớm mồng 2 Tết ở trước cửa đình Cao Thượng, thời gian từ 3-4 giờ đến 8 giờ sáng là hết người. Mọi người đến chợ với thái độ vui vẻ, cởi mở của không khí ngày xuân. Ngoài việc trao đổi mua bán hàng hóa, người dân đến chợ chủ yếu để gặp gỡ chúc tụng nhau những lời chúc tốt đẹp nhất của năm mới. Họp chợ, người mua không mặc cả, người bán không nói thách. Mọi người ăn nói cư xử lịch sự văn minh. Quan niệm của người dân ở đây, đi chợ chủ yếu để lấy lộc may đầu năm. Hội xuân đình Cao Thượng tổ chức từ 12 đến 14 tháng Giêng. Nét văn hóa độc đáo, trong lễ hội đình Cao Thượng còn có tục tế lợn đen tuyền gắn với tục thờ thần Quý Minh.

Xưa kia, nhiều làng xã kén chọn lợn tế còn xuất phát từ hèm tục của làng: Làng Tân Phượng, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang), có tục rước tế lợn "ông Lang" vào ngày việc làng 12-2 (âm lịch). Đồng bào dân tộc Dao ở các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế, trong lễ cấp sắc phải có lợn cúng tế Bàn Vương. Lợn cúng tế được nuôi riêng ở phía trước cửa nhà nơi mà gia tiên, Bàn Vương có thể kiểm soát. Ngày làm lễ cấp sắc, những “ông lợn” ngày thường được nuôi với “đặc cách” riêng được gia chủ mang ra tắm rửa bằng nước gừng và rượu sạch sẽ rồi được đưa tới trước bàn lễ làm lễ trình báo Bàn Vương sau mới mổ để cúng tế sống.

Trong nghệ thuật tạo hình dân tộc, con lợn với những tạo hình độc đáo. Về điêu khắc có lợn đất nung bôi màu, với các cỡ to nhỏ khác nhau, rỗng lòng, lại khía một rãnh nhỏ để dành cho con trẻ ngày xưa bỏ xu “tiết kiệm”. Ngày nay vẫn có tục đút tiền vào lợn để tiết kiệm. Khi lợn đất đầy ắp xu, hào, bèn làm một “nghi thức” mổ lợn đếm tiền tiết kiệm để tiêu. Về hội họa, hình ảnh lợn được xuất hiện trong tranh tết dân gian. Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp (thơ Hoàng Cầm). Làng Đông Hồ (Bắc Ninh) nổi tiếng với ba loại tranh: Lợn đàn- biểu tượng tín ngưỡng dân gian “sinh sôi nảy nở”. Lợn độc, biểu tượng “nhất khoảnh anh hùng” và lợn ăn lá ráy mang ý nghĩa “tự nhiên - hòa hợp”. Tranh lợn làng Hồ đều tả thực con lợn Ỷ - giống lợn chỉ có ở hạ lưu vực sông Hồng trong đó có vùng Kinh Bắc.

Nhìn chung, lợn tế lễ là nghi thức dâng cúng thần linh tiêu biểu trong văn hóa truyền thống ở Bắc Giang. Trong cuộc sống thường nhật, lợn có đóng góp to lớn hơn bất cứ loài vật nào của 12 con giáp trong văn hóa phương Đông. Đó cũng là một trong những lý do để ngành chăn nuôi và những phong tục, tập quán liên quan đến lợn, tục “tế lợn” ngày càng hưng thịnh trên quê hương Bắc Giang.

Nghệ nhân gìn giữ điệu hát sình ca
(BGĐT)- Bản Cống Luộc, xã Đèo Gia, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) là địa bàn cư trú lâu đời của đồng bào dân tộc Cao Lan. Nơi đây có những nghệ nhân gần trọn cuộc đời gìn giữ điệu hát sình ca của dân tộc mình, tiêu biểu là Nghệ nhân ưu tú Bàng Thị Hội.
 
Hình tượng chim phượng hoàng nơi di tích
(BGĐT) - Phượng hoàng là biểu tượng linh vật truyền thống xuất hiện nhiều trong không gian thiêng của các di tích ở Bắc Giang. Hình tượng chim phượng thể hiện ước vọng của con người về cái đẹp, sự may mắn, cuộc sống sum vầy, hạnh phúc. 
 
Người Cao Lan giữ nghề làm giấy dó
(BGĐT) - Khe Nghè là một bản nhỏ nằm giữa những dãy núi điệp trùng bên sườn Tây Yên Tử, thuộc xã Lục Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang). Dân cư nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Cao Lan. Vốn sống tự cung, tự cấp nên người dân giỏi nhiều nghề, trong đó có nghề làm giấy dó.
 

Đồng Ngọc Dưỡng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...