Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 27 - 38 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch >> Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giải bài toán chất lượng nguồn nhân lực du lịch

Cập nhật: 10:02 ngày 06/09/2017
(BGĐT) - Bắc Giang đang hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tuy nhiên, một trong những điểm yếu trên lộ trình ấy chính là nguồn nhân lực. Thực tế này đã được ngành chuyên môn chỉ ra và triển khai thực hiện một số giải pháp, hy vọng chất lượng nguồn nhân lực du lịch sẽ sớm cải thiện.
{keywords}

Du khách nước ngoài thăm làng cổ Thổ Hà (Việt Yên).

Chưa chuyên nghiệp

Theo thống kê, Bắc Giang hiện có khoảng 2 nghìn người đang làm việc trực tiếp trong lĩnh vực du lịch, chủ yếu là các doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh (gần 1,8 nghìn người), tuy vậy, gần 50% trong số đó chưa qua đào tạo, bồi dưỡng. Hiện có 4,2% cán bộ quản lý DN, nhân viên, lao động được đào tạo chính quy và hầu hết đều hạn chế về khả năng sử dụng ngoại ngữ. Ông Dương Trung Thi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch Bắc Giang cho biết: Khi nói về nhân lực du lịch, ngoài đội ngũ quản lý nhà nước, trong các DN dịch vụ còn có đông đảo các hộ dân cung cấp dịch vụ gần khu du lịch, lao động trong các DN du lịch. Tại Bắc Giang, nhiều công ty lữ hành hoạt động theo mùa vụ, hướng dẫn viên (HDV) du lịch thiếu số lượng, nghiệp vụ chưa đáp ứng yêu cầu. Các khách sạn, nhà nghỉ chủ yếu quản lý theo mô hình gia đình, thiếu kinh nghiệm, nhân viên chưa được đào tạo bài bản, kỹ năng giao tiếp, phục vụ hạn chế. Hơn nữa hầu hết sinh viên du lịch khi mới ra trường, DN đều phải đào tạo lại. Một số cán bộ quản lý về du lịch tại các địa phương cũng chuyển “tay ngang” luân chuyển từ lĩnh vực khác sang nên thiếu tính chuyên nghiệp trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch.

Tại Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam) hiện có gần 20 người làm việc “đa năng” từ trồng cây, bảo vệ rừng, cắt cỏ, thu vé, dọn dẹp vệ sinh đến trông giữ xe... Tại đây được bố trí 5 thuyết minh viên nhưng đều không chuyên và phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác. Hay ở góc độ khác, hiện tỉnh Bắc Giang đang thiếu nhân lực có tay nghề cao trong các nhà hàng, khách sạn, ngay tại TP Bắc Giang số lao động có trình độ cao về pha chế đồ uống trong các quán cà phê cũng không nhiều và khó tuyển. Theo báo cáo đánh giá của Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch), thị trường dịch vụ du lịch Bắc Giang chưa phát triển nên không thu hút được lao động giỏi, mặt khác do chất lượng đào tạo của một số trường có chuyên ngành du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn giáo viên, giảng viên ở các trường du lịch được đào tạo từ các ngành khác, cơ bản là từ các khối ngành văn hóa, xã hội hoặc quản trị kinh doanh. Việc giảng dạy chủ yếu dựa vào vốn kiến thức tự học, tổng hợp từ nhiều nguồn và kinh nghiệm của các giảng viên.

Từng bước nâng cao trình độ

{keywords}

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ tham mưu với tỉnh xây dựng chính sách ưu đãi thu hút, tuyển chọn nhân lực có trình cao, giỏi ngoại ngữ vào làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, đồng thời bố trí, phân công cán bộ, người lao động phù hợp với năng lực chuyên môn".


Ông Nguyễn Phúc Thương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Thực hiện Nghị quyết số 44 ngày 30 - 3 - 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch, gần đây công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch trong tỉnh được chú trọng hơn, chất lượng có sự cải thiện song tổng thể vẫn còn thiếu chuyên nghiệp. Ông Nguyễn Phúc Thương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để khắc phục hạn chế, ngành chuyên môn đã rà soát, xác định nhu cầu phát triển nhân lực và tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực du lịch Bắc Giang giai đoạn 2017 - 2020. Với kinh phí gần 2 tỷ đồng, mục tiêu sẽ có 2 nghìn lượt người được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về du lịch gồm: 100% cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức quản lý nhà nước, có khả năng tham mưu, điều hành, nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch; 80% lãnh đạo quản lý và người lao động trong các DN lữ hành, dịch vụ (quản lý cơ sở lưu trú, điều hành du lịch, đại lý lữ hành, nghiệp vụ lễ tân, phục vụ buồng phòng, nhà hàng, chế biến món ăn, HDV, thuyết minh viên, các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng).

Để thực hiện mục tiêu, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, trong đó phân rõ nhiệm vụ trong từng năm và phối hợp với các trường đại học, cao đẳng có chuyên ngành du lịch đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Đồng thời duy trì hội thi HDV, thuyết minh viên và đi thực tế học tập kinh nghiệm làm du lịch các địa phương trong nước đối với cán bộ, nhân viên các khu, điểm và HTX du lịch. Trong năm 2017 tổ chức 4 lớp tập huấn về HDV, thuyết minh viên, lễ tân và quản lý cơ sở lưu trú. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ tham mưu với tỉnh xây dựng chính sách ưu đãi thu hút, tuyển chọn nhân lực có trình cao, giỏi ngoại ngữ vào làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, đồng thời bố trí, phân công cán bộ, người lao động phù hợp với năng lực chuyên môn.

Nguyễn Hưởng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...