(BGĐT) - Lục Ngạn (Bắc Giang) được mệnh danh là “miền trái ngọt, thủ phủ trái cây của miền Bắc”, mỗi năm thu hút hàng vạn du khách đến tham quan. Hiện, mô hình du lịch sinh thái - miệt vườn được nhiều hợp tác xã (HTX), hộ gia đình trên địa bàn huyện chú trọng đầu tư xây dựng.
Hình thành nhiều điểm du lịch mới
Trang trại cây ăn quả của hộ anh Hoàng Văn Hiệp, Giám đốc HTX Du lịch Đồng Dao rộng 21 ha, tại thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn. Trong đó có 10 ha vải thiều, 6 ha cam, 5 ha bưởi, tổng sản lượng hơn 200 tấn, doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm. Trang trại được bao bọc bởi hồ Bầu Lầy rộng 80 ha, mặt nước trong xanh, có núi đồi xen kẽ tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Năm 2020, trang trại của gia đình anh Hiệp được phía Nhật Bản cấp mã số vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu sang nước này. Với vẻ đẹp hiếm có, trang trại có hàng nghìn khách ghé thăm và mua trái cây/năm.
Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch, tháng 6/2022, anh Hiệp đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng nơi đây thành điểm du lịch cộng đồng Bầu Tiên với các hạng mục: Nhà sàn đón tiếp khách, bếp ăn, nhà khách lưu trú, trang trí sân vườn (tổng diện tích 2 ha), đóng bè mảng đưa du khách thăm hồ… Dù các công trình đang hoàn thiện nhưng từ đầu vụ cam, bưởi đến nay đã có hơn 2 nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Anh Hiệp chia sẻ, hiện HTX có 7 thành viên chính thức và 15 thành viên liên kết với tổng diện tích cây ăn quả hơn 200 ha. “Mục tiêu của HTX là xây dựng nơi đây thành khu bảo tồn văn hóa của 8 dân tộc anh em của huyện Lục Ngạn và trang trại mẫu về sản xuất cây ăn quả thân thiện với môi trường để học sinh tới tham quan, học tập, trải nghiệm”, anh Hiệp nói.
![]() |
Du khách tham quan điểm du lịch Lăng Thum farmstay. |
Được biết, năm nay, nhiều nhà vườn, HTX khác đầu tư từ 3 đến hơn 5 tỷ đồng xây dựng các điểm du lịch, khu tham quan, như: HTX Sản xuất nông nghiệp và Thương mại du lịch Thanh Hải với điểm du lịch Hoa Quả Sơn tại thôn Sẻ Cũ, rộng hơn 10 ha; HTX Nông sản sạch Bình Nguyên xây dựng khu du lịch sinh thái Lăng Thum farmstay, rộng hơn 30 ha tại thôn Quý Thịnh, xã Quý Sơn; HTX Thương mại du lịch Trù Hựu xây dựng điểm du lịch tại thôn Gốc Vối, rộng hơn 2 ha… Các điểm du lịch này đều được đầu tư xây dựng khá bài bản, cảnh quan đẹp, vườn trái luôn đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, thu hút nhiều du khách tới tham quan, trải nghiệm.
Xây dựng hạ tầng du lịch đồng bộ
Theo đại diện Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Lục Ngạn, toàn huyện có 29 HTX hoạt động trong lĩnh vực du lịch, tăng hơn 20 HTX so với 5 năm trước. Có được kết kết quả trên là do gần đây, huyện đã phát triển du lịch gắn với vùng sản xuất cây ăn quả. Huyện đã cụ thể hóa bằng việc thực hiện đề án “Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng huyện Lục Ngạn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Điểm nhấn sau khi triển khai đề án là huyện tổ chức Chương trình du lịch “Về miền quả ngọt Lục Ngạn” năm 2022 vào cuối tháng 11 vừa qua với chuỗi sự kiện văn hóa, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch sinh thái, trải nghiệm vùng cây ăn quả cùng nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tới bạn bè trong nước và quốc tế.
![]() |
Du khách tại điểm du lịch Hoa Qủa Sơn thuộc HTX Sản xuất nông nghiệp và Thương mại du lịch Thanh Hải (xã Thanh Hải). |
Việc các nhà vườn, HTX du lịch đầu tư xây dựng hạ tầng các điểm đón, chỗ ăn, nghỉ, vui chơi… góp phần để du lịch Lục Ngạn tạo dấu ấn mạnh, được du khách, các doanh nghiệp (DN) lữ hành đánh giá cao. Nhờ đó, từ đầu vụ cam, bưởi đến nay, huyện đón khoảng 110 nghìn lượt khách, trong đó có nhiều đoàn khách đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hơn 100 DN lữ hành đến khảo sát, tìm hiểu đầu tư, xây dựng tour, tuyến đưa khách về Lục Ngạn. Riêng tuần Văn hóa - Du lịch “Về miền quả ngọt Lục Ngạn” năm 2022, huyện đón hơn 13 nghìn lượt khách, tiêu thụ hơn 1,7 nghìn tấn cam, bưởi, tăng nhiều lần so với ngày thường.
Từ đầu vụ cam, bưởi đến nay, huyện đã đón khoảng 110 nghìn lượt khách đến thăm, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc; hơn 100 DN lữ hành đến khảo sát, tìm hiểu đầu tư, xây dựng tour, tuyến du lịch đưa khách về tham quan. |
Sau một năm thực hiện đề án, du lịch của Lục Ngạn có bước khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, như: Đường giao thông đến các điểm du lịch nhỏ, gây khó cho các đoàn khách đông người. Huyện chưa có các cơ sở lưu trú chất lượng, chưa có dịch vụ homestay và các khu nhà nghỉ tại vườn; thiếu hoạt động vui chơi giải trí… để giữ chân khách ở nhiều ngày...
Để khắc phục những hạn chế, UBND huyện tiếp tục tuyên truyền người dân cải tạo nhà vườn, tạo cảnh quan đẹp, chăm sóc cây trồng, đặc biệt là bưởi ngọt, táo… nâng cao chất lượng sản phẩm; hướng dẫn các HTX, nhà vườn kết nối với DN lữ hành xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm phong phú, đa dạng để thu hút khách tham quan, tiêu thụ trái cây; cập nhật thường xuyên những sản phẩm du lịch mới giới thiệu đến du khách. Đặc biệt, tuyên truyền về vùng cây ăn quả, về các hoạt động văn hóa đặc sắc, lễ hội truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu Xuân Quý Mão 2023. Xây dựng vùng cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Để phát triển bền vững, huyện cần tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch đồng bộ, thu hút DN đầu tư xe điện đưa đón du khách...
Bài, ảnh: Đại La