Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch >> Trong nước - Quốc tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ấn tượng Vân Nam

Cập nhật: 10:43 ngày 22/02/2017
(BGĐT) - Mới đây, tôi đến thăm tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Với những gì cảm nhận được, Vân Nam đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó phai.
{keywords}

Một góc khu du lịch Thạch Lâm.

Dấu chân Bác Hồ

9 giờ, chúng tôi hoàn tất thủ tục xuất nhập cảnh, bước chân sang đất Hà Khẩu, thị trấn giáp với biên giới Việt Nam. Tại đây chúng tôi được anh cán bộ ở Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Vân Nam đón đi thăm thủ phủ Côn Minh. Xe chạy ra khỏi thị trấn Hà Khẩu, tôi đã thấy núi non trùng điệp như bức tường thành trước mặt và thầm nghĩ chắc đường đèo dốc, quanh co nguy hiểm lắm. Nhưng xe chạy bon bon, đồng hồ chỉ tốc độ luôn hơn 100 km/h. Tuyến đường cao tốc 4 làn xe ô tô thẳng băng, chặng đường hơn 500 km từ Hà Khẩu tới thủ phủ Côn Minh, xe chạy không hết 7 giờ. 

Đến Côn Minh, xe đưa chúng tôi đến thẳng khu chung cư, nơi ở của cán bộ, nhân viên Tổng lãnh sự quán. Cô cán bộ tên Hường đã chờ sẵn ở sân cơ quan. Qua câu chuyện, Hường cho biết ở Côn Minh so với Việt Nam chênh nhau một giờ, bây giờ mới hơn 3 giờ chiều, trời vẫn nắng chói chang. "Ở đây 7 giờ mới tối, nếu các bác không mệt, cháu sẽ đưa đi tham quan cảnh sắc Côn Minh" - Hường nói. Chúng tôi hưởng ứng ngay. Hường xuống nhà lấy xe tự lái đưa chúng tôi ra phố. Vừa lái xe, Hường vừa giới thiệu về Côn Minh, Trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế của tỉnh Vân Nam. 

Điểm đầu tiên chúng tôi đến thăm là Thúy Hồ - nơi năm 1940, Nguyễn Ái Quốc hẹn gặp đồng chí Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp để bàn việc cách mạng. Hòa với dòng người dạo quanh hồ, lòng tôi bâng khuâng nhớ về Bác. Người đi năm châu bốn biển rồi đặt chân đến vùng đất này, trên mặt hồ này - Người đã gặp hai người thanh niên yêu nước từ Tổ quốc sang. Trong hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có kể lại buổi cùng đồng chí Phạm Văn Đồng gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Thúy Hồ. Tại cuộc gặp, Nguyễn Ái Quốc cử Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp đi học Trường Quân sự Hoàng Phố. Nhưng do tình hình thế giới, trong nước có biến chuyển, Nguyễn Ái Quốc gọi hai đồng chí quay về nước. Vào mùa xuân 1941, Bác Hồ cũng về nước họp cùng các đồng chí Trung ương Đảng ở trong nước tại Pắc Bó vạch ra con đường cách mạng giải phóng dân tộc. 

Tôi đứng bên hồ ngắm mặt nước cuối thu trong xanh gợn sóng, từng đàn hải âu bay khắp mặt hồ. Nhìn những cánh hải âu từ phương Nam, từ biển Đông hàng năm di trú về đây tôi như thấy bóng hình Bác vẫn hiện hữu ở Thúy Hồ. Cảnh vật vẫn còn đây mà Bác đã đi xa nhưng dấu chân trên con đường cứu nước, cứu dân tộc sẽ không bao giờ phai mờ trong trái tim, khối óc mỗi người dân nước Việt. Hôm nay, đứng trước Thúy Hồ, chúng tôi tự hào là được đi theo dấu chân Bác trên con đường cách mạng đầy chông gai, nhưng vô cùng vẻ vang.

Bức tranh du lịch Vân Nam

Vân Nam nằm trên cao nguyên Quý Châu có diện tích 360 nghìn km2, rộng hơn nước ta, dân số 90 triệu người, gồm 28 dân tộc anh em. Theo các cán bộ Tổng lãnh sự quán Việt Nam, Vân Nam được coi là tỉnh nghèo, đứng thứ 3 từ dưới lên so với các tỉnh ở Trung Quốc. Vân Nam là tỉnh sản xuất nông nghiệp, du lịch và khai khoáng. Tuy gọi là tỉnh nghèo nhưng hệ thống đường cao tốc, đường sắt mở mang tới vùng biên giới giáp Việt Nam, Lào, Thái Lan, Mianma. Tỉnh có tới 9 sân bay dân dụng kết nối đường hàng không trong nước và quốc tế. Vân Nam là vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, cao cấp gồm hoa, quả, rau xanh xuất khẩu sang Hồng Kông, Nhật Bản. Là tỉnh cao nguyên nhưng Vân Nam có hệ thống hồ nước ngọt rất phong phú. 

Ở Côn Minh, ngoài hồ Thúy Hồ, còn có hồ Điền Trì dài hơn 80 km. Hồ Điền Trì, mùa này là nơi di trú của hàng vạn con chim hải âu; phong cảnh mặt nước in bóng núi Rồng, hải âu bay lượn quanh du khách tạo nên tua du lịch thiên nhiên hết sức kỳ thú, thân thiện. Ngày thường, xe của du khách đỗ kín bãi đậu xe dài rộng cả cây số vuông. Mặt hồ không một cọng rác hoặc gói giấy bánh kẹo, giấy ăn. Đàn hải âu đậu cả vào người để nhận mồi nhưng không con nào mất một cái lông. Thế mới thấy người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường rất cao.

{keywords}

Du khách thăm Thúy Hồ.

Cách Côn Minh hơn 80 km là kỳ tích thiên nhiên Thạch Lâm. Đây là khu rừng đá, nằm ở huyện tự trị dân tộc Di. Diện tích rừng đá Thạch Lâm rộng hàng chục cây số vuông. Nếu đi tham quan hết, du khách phải mất hàng ngày. Hôm chúng tôi đến thăm Thạch Lâm, mới sáng mà đã có hàng trăm xe ô tô lớn nhỏ ở bãi để xe. Dòng người xếp hàng vào mua vé nghiêm túc. Anh bạn bảo tôi đưa họ hộ chiếu để lấy vé, tôi cảm thấy ngỡ ngàng. Sau tôi mới vỡ lẽ là đưa hộ chiếu hoặc chứng minh thư để chứng minh tuổi trên 70 là được miễn vé. Đây là quy định chung của tỉnh. Một số thành viên trong đoàn nói vui, vậy là tôi tiết kiệm được 200 NDT (tương đương 500 nghìn đồng). 

Lệ Giang là nơi thứ 5 ở Trung Quốc biểu diễn vở “Lệ Giang thiên cổ tình” do đạo diễn tài danh Trương Nghệ Mưu dàn dựng. Vở diễn dài hơn một giờ nhưng kết hợp ca, múa, xiếc, ảo thuật, ánh sáng laze độc đáo, đặc sắc. Người Vân Nam quan niệm, đến Lệ Giang mà không được xem “Lệ Giang thiên cổ tình” coi như chưa đến Lệ Giang.

Cách đây vài năm, khi xem ký sự Mê Kông trên sóng Đài PT-TH TP Hồ Chí Minh, tôi đã được thấy thành cổ Lệ Giang nhưng đến tận nơi mới cảm nhận hết mức độ to lớn, cổ kính của thành cổ được xây dựng cách đây 800 năm. Thành cổ cách Côn Minh hơn 500 km, nằm trên độ cao 2.400m so với mực nước biển. Vào thăm Thành cổ Lệ Giang, tôi như lạc vào chốn tiên cảnh, con đường lát những phiến đá đủ màu sắc, hai bên là những dãy nhà cổ, kiến trúc từ xa xưa vẫn còn phơi màu gỗ. Con suối Ngọc từ núi Tuyết chia làm 3 nhánh chảy vào thành cổ, nước trong vắt in hình liễu rủ ven bờ, làm cho cảnh quan thêm thơ mộng. 

Tôi thực sự ngạc nhiên là suối Ngọc chảy qua thành cổ rất đông dân cư mà nước trong vắt, không hề có một cọng rác hay chai lọ phế thải. Thành cổ dựa lưng vào núi Ngọc Long Tuyết, rộng 3,8 km2 với hơn 6 nghìn hộ dân, 30 nghìn nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Nãi, có nguồn gốc từ Tây Tạng. Thành cổ Lệ Giang là sự kết hợp hài hòa, độc đáo giữa kiến trúc và môi trường tự nhiên. Ở mỗi khu phố trong thành cổ đều có sàn biểu diễn văn nghệ với các tiết mục múa hát của đồng bào các dân tộc trong vùng để du khách dừng chân nghỉ kết hợp vui chơi giải trí.

Du lịch thành cổ Lệ Giang đặc sắc nhất là được xem vở diễn “Lệ Giang thiên cổ tình”, kịch bản Trương Tiến Lâm, đạo diễn Trương Nghệ Mưu, kể về lịch sử dân tộc Naxi ở Lệ Giang. Anh chàng hướng dẫn viên của đoàn khoe vở “Lệ Giang thiên cổ tình” là nơi thứ 5 ở Trung Quốc có chương trình dàn dựng độc đáo, đặc sắc của đạo diễn tài danh Trương Nghệ Mưu. Vở diễn dài hơn một giờ nhưng kết hợp ca, múa, xiếc, ảo thuật, ánh sáng laze- loại hình nghệ thuật độc đáo lần đầu tôi được xem. 

Người Vân Nam quan niệm đến Lệ Giang mà không được xem “Lệ Giang thiên cổ tình” coi như chưa đến Lệ Giang. Mỗi năm Lệ Giang thu hút hơn 5,3 triệu khách nước ngoài và hàng chục triệu khách nội địa. Các điểm du lịch ở Vân Nam đã và đang là con đại bàng đẻ trứng vàng làm giàu cho Vân Nam.

Hoàng Tiến

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...