Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch >> Tư liệu Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tiến sĩ Trịnh Ngô Dụng và từ đường họ Ngô ở Hiệp Hòa

Cập nhật: 16:22 ngày 23/12/2016
(BGĐT) - Từ đường họ Ngô ở thôn Vân Xuyên, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) không chỉ là nơi tôn thờ các thế hệ dòng họ Ngô mà còn là nơi khắc ghi hình ảnh Tiến sĩ Trịnh Ngô Dụng, vị quan có nhiều đóng góp cho vương triều nhà Lê (thế kỷ XVIII).
{keywords}

Cỗ đòn khiêng kiệu triều đình ban phong cho Tiến sĩ Trịnh Ngô Dụng.

Trịnh Ngô Dụng hiệu là Hiên Trai (SN 1684). Thuở nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, hiếu học, lớn lên được gửi theo học tiến sĩ Trịnh Đức Liên ở làng Đại Mão, tổng Siêu Loại, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc, nay thuộc huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Lớn lên, thấy quê hương không có trường học, ông tự bỏ của nhà mở trường mời thầy giỏi, rồi học cùng con em trong làng. Tham dự kỳ thi Hương, ông đỗ Hương cống, được bổ làm quan Huấn đạo. 

Năm Tân Sửu, niên hiệu Bảo Thái thứ 2 (1721) đời vua Lê Dụ Tông, triều đình mở khoa thi thường kỳ để kén chọn người hiền tài ra làm quan giúp nước, Trịnh Ngô Dụng tham gia ứng thí khi đã 38 tuổi. Ở kỳ thi Hội có hàng nghìn sĩ tử dự thi, lấy đỗ 25 người, Trịnh Ngô Dụng đỗ hàng thứ 7. Khi dự kỳ thi Đình để phân hạng tiến sĩ, ông được ban danh vị Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Trong bài ký đề danh Tiến sĩ trên tấm bia về khoa thi này dựng ở Văn miếu Quốc Tử Giám do Hàn lâm viện Thị độc, Tri Thị nội Thư tả Hộ phiên Đoàn Bá Dung vâng sắc soạn cho biết: "... Khi ấy chọn lọc rất kỹ, số người mặc ngân bào vào trường có đến gần ba nghìn, số người được mực nhạt đề tên chỉ có 25 người…”.  

Đỗ đại khoa, được hưởng ân lệ vinh quy bái tổ, ông tiếp tục ra làm quan trải rất nhiều chức: Binh khoa cấp sự trung, Giám sát ngự sử, Lại bộ Tả Thị lang, Tham tụng, tước Lại Đình hầu. Là đại thần nhà Lê Trung Hưng, ông có nhiều công lao với đất nước, dẹp loạn an dân, được chúa thượng ban cho họ Trịnh, nên tên Ngô Dụng đổi thành Trịnh Ngô Dụng. Năm 1746 Trịnh Ngô Dụng được phụng mệnh đi sứ nhà Thanh, trên đường đi không may bị bệnh hiểm nghèo phải về quê dưỡng bệnh sau mất tại quê nhà. Sau khi mất, thi hài ông được đưa về an táng ở xứ đồng Vườn Thông (Viên Thông xứ), nay thuộc thôn Vạn Thạch, xã Hoàng Vân. 

Ngày 20 tháng 9, triều đình xuống chiếu sắc phong chức Đặc tiến kim tử, vinh lộc đại phu, trụ quốc thượng giai, binh bộ thượng thư, nhi quận công. Tương truyền tang lễ cụ, vua Lê - chúa Trịnh đã cử quan Khâm sai đại thần Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Nguyễn Trọng Đôn về tại gia phúng viếng, đọc văn tế rất thống thiết. Hiện hậu duệ họ Ngô còn lưu giữ được lư hương gỗ sơn mài có vẽ hai bức tranh sơn thủy, di vật mà triều đình nhà Lê ban tặng từ năm 1746 tại từ đường họ Ngô.

Từ đường họ Ngô vốn là ngôi trường học thuở xưa cụ Dụng xây dựng để dân làng đến học. Đã qua nhiều lần trùng tu nên công trình hiện cơ bản mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX). Bình đồ kiến trúc từ đường kiểu chữ nhất gồm ba gian, cột gỗ lim, các cấu kiện kiến trúc khác phần nhiều bằng chất liệu gỗ xoan. Phần nội tự được bài trí khoa học theo quy cách của Từ đường. Tại gian giữa đặt bộ kỷ để tiếp khách; tiếp đến là nhang án, nơi bài trí đồ thờ tôn nghiêm của tiên tổ. Hai bên đăng đối bày đủ cây đèn, cây nến, đài trầu, đặc biệt là chiếc lư hương sơn mài của vua Lê- chúa Trịnh ban tặng trải qua mấy thế kỷ vẫn trầm mặc tỏa hương. 

Trong di tích còn bảo lưu một hiện vật quý hiếm khó nơi nào lưu giữ được đó là cỗ đòn khiêng kiệu triều đình ban phong cho Tiến sĩ Trịnh Ngô Dụng khi cụ đăng khoa, vinh quy bái tổ mùa xuân năm Tân Sửu (1721). Phần nội tự còn treo các bức hoành phi, câu đối và một số tư liệu Hán Nôm nói về truyền thống hiếu học của gia tộc họ Ngô, hậu duệ Tiến sĩ Trịnh Ngô Dụng được tạo tác dưới thời Nguyễn. 

Đồng Ngọc Dưỡng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...