Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 27 - 38 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch >> Tư liệu Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ngôi đình thờ Tam Tổ Trúc Lâm

Cập nhật: 14:54 ngày 07/07/2017
(BGĐT) - Đình Đông Loan, thôn Đông Thượng, xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) là một trong số ít ngôi đình trên địa bàn tỉnh thờ Tam Tổ Trúc Lâm, ghi dấu lịch sử phát triển của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử từ thời Trần. Ngôi đình trở nên độc đáo bởi nhân vật được thờ ở đây là ba vị: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang.
{keywords}
Đình Đông Loan.

Phật hoàng Trần Nhân Tông sinh năm 1258, là vị vua thứ ba của nhà Trần, người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, được suy tôn là Điều Ngự Giác hoàng. Lên ngôi năm 1278, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, Vua Trần Nhân Tông luôn có mặt ở bộ chỉ huy và từng tham gia trận Bạch Đằng nổi tiếng. Năm 1293, Vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông rồi lên làm Thái Thượng Hoàng, sau đó xuất gia tu hành ở núi Yên Tử, thành lập phái Trúc Lâm, xây dựng chùa Tổ Vĩnh Nghiêm ở làng Đức La, xã Trí Yên (Yên Dũng).

Thiền sư Pháp Loa là tổ thứ hai nối dòng Trúc Lâm, tên tục là Ðồng Kiên Cương. Ông sinh năm 1284, ở huyện Chí Linh. Năm 20 tuổi, trong một lần vãn cảnh vùng Nam Sách đến chùa Quỳnh Lâm, ông gặp Vua Trần Nhân Tông liền xin theo tu Phật. Năm 1308, Vua Trần Nhân Tông phong ông là Trúc Lâm đệ nhị tổ, quản lý toàn bộ các sư trong nước, lấy chùa Vĩnh Nghiêm làm trung tâm quy tụ tăng ni, phật tử. Pháp Loa mất năm 1330, thọ 47 tuổi.

Thiền sư Huyền Quang còn có tên Lý Đạo Tái (1254- 1334) ở làng Vạn Tải, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình (Bắc Ninh). Niên hiệu Bảo Phù thứ hai (1274), đời Vua Trần Thánh Tông, ông thi đỗ Tiến sĩ, sau được bổ làm quan ở Hàn lâm viện. Một hôm, Sư theo Vua Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm nghe Thiền sư Pháp Loa giảng kinh, chợt tỉnh ngộ duyên trước, ông dâng biểu xin từ chức để xuất gia tu hành. Đến niên hiệu Hưng Long thứ mười ba (1305), ông xuất gia thọ giới tại chùa Vĩnh Nghiêm, theo làm thị giả Điều Ngự, được pháp hiệu là Huyền Quang. Năm Giáp Tuất (1334), ngài viên tịch tại Côn Sơn, thọ 80 tuổi. Vua Trần Minh Tông phong thụy là Trúc Lâm Thiền Sư Đệ Tam Đại, đặc phong Từ Pháp Huyền Quang Tôn Giả.

{keywords}

Đạo sắc phong được lưu giữ tại đình.

Những tài liệu, hiện vật ở đình Đông Loan như ba bộ ngai thờ, bia đá thời hậu Lê cho biết đình được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII) và được tu sửa qua nhiều giai đoạn. Bình đồ kiến trúc đình Đông Loan hiện nay kiểu chữ đinh gồm toà tiền đình 3 gian 2 chái, 4 mái đao cong nối hậu cung 2 gian. Kiến trúc khung vì mái theo lối truyền thống kiểu vì giá chiêng. Trong đình còn lưu giữ một số tài liệu, hiện vật có giá trị nghiên cứu khoa học, nổi bật như ba ngai thờ gỗ, 3 pho tượng Tam Tổ thờ ở Hậu cung, 1 bia đá dáng long đình thời Lê, ngựa gỗ, bát hương, con giống lân, nghê, bản sao thần tích, đạo sắc phong duy nhất, sắc cho đức Vua Trần Nhân Tông. Trong sắc có đề hiệu ngài là Dực bảo Trung Hưng Trần Nhân Tông Hoàng đế, niên hiệu Khải Định cửu niên năm 1924. 

Đình Đông Loan là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Hằng nằm có hai sự lệ chính diễn ra ở đình vào ngày 15 tháng Giêng và ngày giỗ Tổ ngày 1 tháng 11 âm lịch. Trong ngày sự lệ có lễ rước sắc, nghi lễ tế theo nội dung văn tế Tam Tổ ở đình và nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.

Đồng Ngọc Dưỡng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...