Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch >> Tư liệu Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đức vua Trần Minh Tông và ngôi đền cổ bên dòng sông Thương

Cập nhật: 10:12 ngày 21/09/2018
(BGĐT)- Vệt văn hoá đôi bờ sông Thương còn ghi nhiều dấu ấn lịch sử về thời đại nhà Trần, trong đó có những di tích thuộc huyện Yên Dũng (Bắc Giang) như chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên, thờ tam tổ Trúc Lâm; đền Cổ Phao, xã Đồng Việt, thờ tướng Nghĩa Xuyên; đền Đà Hy, xã Lãng Sơn, thờ Trần Tuấn Sơn, Phu Nhân và Hoàng Cô công chúa…

Và không thể không nhắc đến đền thờ đức vua Trần Minh Tông thuộc xã Tiên La, tổng Cổ Dũng, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang xưa, nay là làng Tiên La, xã Đức Giang, huyện Yên Dũng.

Ngôi đền nằm kề bên bờ sông Thương, cách chùa Vĩnh Nghiêm và ngã ba Phượng Nhãn hơn 2km. Đền thờ đức vua Trần Minh Tông được xây dựng từ thời Trần, khoảng nửa sau thế kỷ XIV. Sau khi nhà vua băng hà, nhân dân địa phương đã xây dựng am thờ là tiền thân của ngôi đền sau này. Dấu tích của am thờ thời Trần hiện còn là nền móng, bậc thềm gạch, ngói cũ. Vua Trần Minh Tông tên húy là Mạnh, con trai thứ 4 của vua Trần Anh Tông. Mẹ là Chiêu Hiến Hoàng Thái Hậu Trần Thị. Đức vua sinh năm Canh Tý (1300) được kế ngôi báu năm Giáp Dần (1314) đến năm Kỷ Tỵ (1329) thì nhường ngôi cho con là Thái tử Vượng (tức vua Trần Hiến Tông) sau đó làm Thái Thượng hoàng đến khi qua đời (1357). Sử cũ ghi về ông như một đấng minh vương có lòng nhân hậu, biết tôn quý trọng dụng người hiền tài. Khi đương vị, nhà vua đã quy tụ được nhiều hiền thần như Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Chu Văn An, Đoàn Nhữ Hài, Nguyễn Trung Ngạn… Sau khi vua băng hà nhiều địa phương trong nước lập am, miếu, đền phụng thờ.

{keywords}

Đền thờ đức vua Trần Minh Tông hiện nay.

Truyền thuyết ở Tiên La kể rằng: Thái Thượng hoàng Trần Anh Tông sau khi nhường ngôi cho Thái tử Mạnh (tức vua Trần Minh Tông) thường lui tới chùa Vĩnh Nghiêm (nay thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng) để giảng đạo. Trần Minh Tông khi ấy thường đến thăm vua cha, thông thường Người đi theo đường thủy qua ngã ba Nhãn rồi ngược sông Lục đến chốn tổ nhưng nhiều khi đi đường bộ và xa giá nhiều lần dừng ở bến đò Lá (làng Tiên La) rồi mới qua sông về chùa Vĩnh Nghiêm thăm vua cha. 

Sau những lần qua lại Tiên La, đức vua có nhiều ấn tượng tốt đẹp với miền quê và người dân nơi đây nên đã cấp cho ba mẫu ruộng để trả lương cho người lái đò. Dân Tiên La từ đó qua sông không phải trả tiền đò, lại được vua giúp đắp đê chống lụt nên khi vua mất, dân xã đã lập am tôn thờ bên bến đò xưa. Dưới thời Lê, Nguyễn, triều đình phong kiến nhiều lần ban cấp sắc phong cho xã Tiên La phụng thờ đức vua Trần Minh Tông. Nhưng đến nay chỉ còn lưu giữ được ba đạo sắc triều Nguyễn niên hiệu Đồng Khánh thứ 2 (1887), Duy Tân thứ 3 (1909) và Khải Định thứ 9 (1924).

Đền thờ đức vua Trần Minh Tông hiện nay nằm bên cạnh đình, chùa ở đầu làng Tiên La trong khuôn viên đất rộng 1.425 m2 tạo thành quần thể di tích liên hoàn cổ kính. Phía trước đền là nhà bia cùng cây cổ thụ tỏa bóng mát. Đền có bố cục kiến trúc hình chữ nhị gồm tòa tiền tế 5 gian, tòa hậu cung 2 gian. Tòa tiền tế được xây dựng vào cuối thời Lê nhưng đã được tu sửa nhiều lần dưới thời Nguyễn và những năm gần đây. Phần kết cấu kiến trúc các vì mái theo kiểu thượng con chồng trụ giá chiêng, hạ kẻ bẩy.Trên các đầu bẩy, con chồng chạm khắc hoa văn hình hoa lá. Hậu cung xây sau này gồm hai gian bít đốc, cửa hậu cung đắp đôi câu đối cổ được lưu chép lại: Triều Trần trừ Nguyên báo ơn nước giữ yên thiên hạ/ Trúc Lâm thanh tịnh cảnh đẹp ấy cũng là giang sơn đất nước. 

Ngoài giá trị về tín ngưỡng, đền thờ đức vua Trần Minh Tông còn bảo lưu được nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị như: Tượng thờ đức vua thời Lê, hệ thống bia đá, sắc phong cổ thời thời Nguyễn, bình hương đá… Đền thờ đức vua Trần Minh Tông là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Lễ hội truyền thống hằng năm được tổ chức vào ngày mùng 1, 2 tháng 2 âm lịch với nhiều nghi lễ, trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Độc đáo và trang nghiêm nhất vẫn là nghi lễ tế đức vua Trần Minh Tông và nghi thức rước nước ở sông Thương về tế Thần.

Di tích quốc gia phần mộ, đền thờ Thân Công Tài
(BGĐT) - Ngày 3-4, huyện Việt Yên (Bắc Giang) tổ chức lễ đón Bằng xếp hạng di tích quốc gia đối với đền thờ và phần mộ Hán Quận công Thân Công Tài tại thôn Như Thiết, xã Hồng Thái. Đây cũng là dịp tưởng nhớ, tôn vinh công trạng lớn lao của vị quan võ sống vào thời vua Lê - chúa Trịnh, đồng thời giáo dục truyền thống quê hương và phát huy giá trị di tích.
 
Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở thượng nguồn sông Lục
(BGĐT) - Bên dòng sông An Châu uốn lượn bao bọc nơi miền núi thơ mộng và huyền ảo có ngôi đền cổ kính đã được xây dựng từ lâu đời. Đó là đền Vua Bà ở xã An Lập (Sơn Động) - nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh, vị Thánh trong tín ngưỡng Tam phủ của người Việt, được sắc phong là Ngọc Dung Công chúa.
 
Khẩn cấp bảo vệ di tích đền thờ Phạm Văn Liêu
(BG)-Đền thờ Bình Ngô khai quốc công thần Phạm Văn Liêu thuộc thôn Chùa, xã Xuân Hương (Lạng Giang - Bắc Giang) được xây dựng từ thế kỷ XVII. Năm 1990, đền được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Tuy nhiên, do không được quan tâm trùng tu thường xuyên nên nhiều hạng mục trong di tích đã bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ.
 

Đồng Ngọc Dưỡng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...