Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 27 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch >> Tư liệu Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lăng đá cổ Nguyễn Thế Lai

Cập nhật: 07:00 ngày 08/06/2019
(BGĐT) - Huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang là vùng đất còn nhiều lăng đá cổ, trong đó lăng Nguyễn Thế Lai ở thôn Hạc Lâm, xã Hương Lâm được xem là công trình kiến trúc lăng đá độc đáo xây dựng chủ yếu bằng chất liệu đá ong nâu trầm cổ kính. Chủ nhân được thờ ở lăng là Quận công Nguyễn Thế Lai, vị quan có nhiều đóng góp cho vương triều nhà Lê -Trịnh thế kỷ XVIII.

Nội dung bia đá niên hiệu Cảnh Hưng thứ 14 (1753) dựng ở đình Hạc Lâm (Hương Lâm) và sắc phong lưu giữ tại dòng họ Nguyễn Thế cho biết khá rõ về lai lịch và công trạng của Quận công Nguyễn Thế Lai: Ông sinh ra trong một gia đình có thế lực ở xã Hạc Lâm, tổng Mai Đình, huyện Hiệp Hoà xưa. 

{keywords}

Tường đá ong cổ kính lăng Nguyễn Thế Lai.

Từ nhỏ, Nguyễn Thế Lai đã khôi ngô, tuấn tú thông minh hơn người. Khi trưởng thành, ông sớm bước vào chốn quan trường, đóng góp tài sức cho vương triều Lê-Trịnh.

Thời gian ông nhận chức làm quan (từ 1763 đến 1775) cũng là lúc giai cấp phong kiến lo củng cố nền chuyên chế và lao vào con đường tranh ngôi đoạt quyền. Nạn cát cứ và nội chiến kéo dài làm cho thế nước giảm sút. 

Năm 1763, triều đình Lê - Trịnh giảm bớt số quan viên trong 6 bộ nhưng cùng năm đó lại ban tặng sắc phong cho tướng công Nguyễn Thế Lai. Với chức vụ Đồng Tri giám sự, Thuyên trung bá trụ quốc thượng liêu Nguyễn Thế Lai, được dự vào hàng chánh ngũ phẩm giống như các quan Hàn lâm viện thị độc, Thiêm đô ngự sử. Trong năm thứ bậc hàng phẩm tước, Nguyễn Thế Lai được triều đình ban tặng dự vào hàng tước bá.

Do có nhiều công trạng, năm 1775 triều đình lại hai lần ban tặng sắc phong cho Nguyễn Thế Lai. Lần thứ nhất vào tháng 2, sắc phong cho Phó thủ hiệu hữu, Phó cai quản, Phó Tri thị nội thư, tả công Thị nội giám, Tổng Thái giám, Phục Trung hầu Nguyễn Thế Lai, lần thứ hai vào tháng 12 sắc phong Tướng quân trung thành môn, vệ úy thọ vi tùy kiêm thông trấn quản đại tư mã Quận công…”

Như vậy cuộc đời làm quan cho triều đình Lê -Trịnh ông đã ba lần được ban tặng chức tước. Với chức Tổng Thái giám, Phục Trung hầu Nguyễn Thế Lai đã được dự vào hàng chánh tam phẩm, sau đó ông lại được phong tước cao nhất là Quận công.

{keywords}

Tượng vũ sĩ  lăng Nguyễn Thế Lai.

Khi về hưu trí tại quê nhà, ông dốc lòng tâm đức ra cung tiến tiền của cho dân làng tu dựng đình, chùa, mặt khác để bà con trong gia tộc xây cất phần Lăng mộ của chính mình. Bia đá ở đình làng Hạc Lâm ghi: “Khi đương thời làm quan, ông nổi tiếng thanh liêm, hòa kính với mọi người, giàu lòng thương dân, luôn quan tâm đến người dân quê nhà. 

Dân làng cảm tạ ân đức ấy mà kính trọng tôn sùng. Bản xã từ già đến trẻ thuận lòng ưng lập cha mẹ làm hậu thần. Khi đó Nguyễn Thế Lai đã cấp cho bản xã 300 quan tiền cổ và 3 mẫu ruộng tốt để thu hoa lợi chi dùng việc sắm lễ vật, tế lễ về sau…Vì vậy dân xã lập bia đá lưu truyền đến muôn đời sau biết được ân đức, lòng hiếu nghĩa, tích đức, tích thiện của ông Nguyễn Thế Lai và cha mẹ mà thờ phụng”.

Do có nhiều công lao với dân làng, ông còn được phối thờ trong đình làng Hạc Lâm. Hằng năm, vào ngày 7 tháng Giêng dân làng sắm lễ cúng Hậu tại đình làng theo phong tục truyền thống. Tại Từ đường của gia tộc còn lưu giữ ngai thờ, bài vị và 4 đạo sắc phong của triều đình nhà Lê phong tặng cho Quận công Nguyễn Thế Lai.

Khu lăng mộ Quận công Nguyễn Thế Lai được xây dựng từ thế kỷ XVIII, và đã được tu sửa nhiều lần. Theo ông Nguyễn Thế Kế, hậu duệ trong dòng họ cho biết: Xưa Lăng mộ với quy mô kiến trúc đồ sộ, có tường đá ong, linh vật, tượng người, tượng thú, các con giống từng cặp một ngồi chầu vào nhau, tư thế trang nghiêm. Thời gian mưa nắng gội rửa, một số linh vật, con giống ở lăng đến nay không còn.

Hiện khu lăng mộ chỉ còn phần tường bao đá ong, tượng người, ban thờ và một số đồ thờ. Tổng thể công trình lăng đá gồm khu tường bao quanh được xây dựng bằng đá ong dày vững chắc, tôn nên vẻ đẹp cổ kính. Phần nội tự của khu lăng chạy theo hình chữ nhật, từ ngoài vào trong. Phía trước hai tượng vũ sĩ bằng đá đứng hầu hai bên đăng đối. 

Theo đường thần đạo tiếp đến là ban thờ, phía sau là phần mộ của tướng công Nguyễn Thế Lai. Những hiện vật, di vật còn lưu giữ ở lăng đá hiện nay tuy không nhiều nhưng đều có giá trị lịch sử khoa học. Đặc biệt là hệ thống tường đá ong, tượng vũ sĩ, bia đá dựng ở đình Hạc Lâm nói về công trạng của tướng công, sắc phong của triều đình nhà Lê…

Độc đáo Lăng đá Dinh Hương
(BGĐT) - Lăng Dinh Hương thuộc làng Dinh Hương, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, là một quần thể kiến trúc điêu khắc đá độc đáo thời Hậu Lê, được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ 1965.
Nét đẹp lăng đá Bầu
(BGĐT) - Huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) được biết đến là nơi lưu giữ nhiều quần thể di tích cổ với hơn 20 lăng đá. Cùng với các lăng Dinh Hương và lăng họ Ngọ, lăng đá Bầu là một trong ba lăng đá đẹp. Lăng đá Bầu được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia sớm nhất tỉnh, năm 1964.

Đồng Ngọc Dưỡng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...