Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

eMagazine
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Báo Hà Bắc tập trung tuyên truyền hai nhiệm vụ chiến lược

Cập nhật: 13:42 ngày 29/11/2021
 
{keywords}

Theo Nghị quyết của Quốc hội, hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh hợp nhất thành tỉnh Hà Bắc. Báo Sông Thương và Báo Bắc Ninh hợp nhất thành Báo Hà Bắc.

Cùng với việc hợp nhất hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh thành tỉnh Hà Bắc, ngày 7/1/1963, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 688 hợp nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh thành Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Bắc; hợp nhất Tỉnh uỷ Bắc Giang với Tỉnh uỷ Bắc Ninh thành Tỉnh uỷ Hà Bắc. Thủ tướng Chính phủ cũng ra Quyết định hợp nhất Uỷ ban hành chính tỉnh Bắc Giang với Uỷ ban hành chính tỉnh Bắc Ninh thành Uỷ ban hành chính tỉnh Hà Bắc. Ngày 1/4/1963, hệ thống chính trị của tỉnh Hà Bắc chính thức đi vào hoạt động.

Sau khi hợp nhất thành tỉnh Hà Bắc, Báo Sông Thương và Báo Bắc Ninh hợp nhất thành Báo Hà Bắc. Với cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư và đội ngũ phóng viên đông hơn, được Ban Tuyên huấn Trung ương cho phép, Báo Hà Bắc phát hành mỗi tuần 2 kỳ vào thứ ba và thứ sáu, 4 trang, khổ 30 x 40 cm.

Nhiệm vụ của Báo Hà Bắc như "Lời ra mắt" đăng trên báo số 1: "Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nhiệm vụ công tác của Đảng bộ, phản ánh tin hoạt động mọi mặt của nhân dân trong tỉnh; giáo dục, động viên, tổ chức nhân dân thi đua hoàn thành kế hoạch Nhà nước; xây dựng tư tưởng, đạo đức, tác phong xã hội chủ nghĩa cho cán bộ, đảng viên và quần chúng...".

Trước những thay đổi về địa giới hành chính và công tác tổ chức cán bộ, nhiệm vụ đặt ra cho Báo Hà Bắc lúc này là tuyên truyền, giải thích cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy được mục đích, yêu cầu của việc hợp nhất hai tỉnh. Việc hợp nhất sẽ tạo ra sức mạnh cho tỉnh, huyện và toàn dân, từ đó tạo sự nhất trí cao cả về tư tưởng, tổ chức, nhận thức và hành động cách mạng.

Ngày 2/4/1963, Báo Hà Bắc ra số đầu tiên với bài xã luận: "Chào mừng tỉnh Hà Bắc". Bài xã luận có đoạn: "Ngày 1/4/1963 mãi mãi khắc sâu trong tâm trí đồng bào toàn tỉnh một kỷ niệm không thể nào quên. Mai đây, con cháu chúng ta sẽ nhắc nhở đến ngày 1/4 lịch sử này "Ngày lập tỉnh" với một sự trìu mến, thiết tha". Báo còn có bài "Đâu cũng là quê hương Hà Bắc" nói về đồng bào ấp Tam Sơn (xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang), nguyên là người làng Tam Sơn, tỉnh Bắc Ninh lên Bắc Giang lập nghiệp trước khi hợp nhất tỉnh.

{keywords}

Sau một thời gian chuẩn bị, từ ngày 16 đến 25/10/1963, Đảng bộ tỉnh Hà Bắc họp Đại hội đại biểu lần thứ nhất. Báo Hà Bắc số 57 ngày 17/10/1963 có bài xã luận: "Chân thành kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp". Báo Hà Bắc đã ra liên tục 5 số tuyên truyền cho Đại hội. Báo đăng diễn biến Đại hội, Nghị quyết Đại hội, danh sách Ban Chấp hành...

Một vinh dự lớn đối với Đảng bộ và nhân dân Hà Bắc trong những ngày này là được Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thăm và chỉ đạo Đại hội. Cùng với việc đưa tin, bài về Đại hội, Báo đã tường thuật chuyến về thăm Hà Bắc của Bác Hồ, lược ghi các bài nói của Bác và đồng chí Trường Chinh với Đảng bộ và nhân dân Hà Bắc.

Tháng 12/1963, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 9 bàn về tình hình thế giới, nhiệm vụ phong trào Cộng sản quốc tế và cách mạng miền Nam. Đầu tháng 5/1964, Hội nghị Tỉnh uỷ mở rộng nghiên cứu Nghị quyết trung ương lần thứ 9 (phần cách mạng miền Nam) đã quyết định mở đợt tuyên truyền, giáo dục mạnh mẽ trong toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân về tình hình và nhiệm vụ hiện nay, phát động phong trào thi đua "Mỗi người làm việc bằng hai, góp phần tích cực xây dựng và bảo vệ miền Bắc, ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam". Báo Hà Bắc đã in dòng tít chữ lớn chạy suốt 5 cột báo nội dung phong trào thi đua và mở chuyên mục này.

Từ giữa năm 1964, tình hình cách mạng nước ta có nhiều chuyển biến. Ở miền Bắc, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta"... đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Ở miền Nam, "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ bị phá sản. Hòng cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, dùng không quân và hải quân bắn phá miền Bắc, nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Cùng với đưa tin thắng lợi trận đầu của quân và dân miền Bắc trừng trị không quân Mỹ, Báo Hà Bắc thường xuyên đưa những tin đấu tranh vũ trang thắng lợi ở miền Nam, đặc biệt ở hai tỉnh kết nghĩa Sóc Trăng, Chợ Lớn. Những tin tức thắng lợi ở hai miền đã động viên, cổ vũ nhân dân các dân tộc trong tỉnh vừa hăng hái sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu.

Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, trong các ngày 7, 8 và 11/2/1965, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, đã bị quân và dân ta bắn rơi 2 máy bay, bắt sống một giặc lái. Bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, Báo Hà Bắc tập trung tuyên truyền cổ vũ làm dấy lên không khí chống Mỹ cứu nước sục sôi trong toàn tỉnh. Trong từng thời gian, báo thường xuyên đưa tin về sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ mở các chiến dịch sản xuất, làm thuỷ lợi... Báo chủ động đứng ra tổ chức các cuộc toạ đàm, trao đổi về biện pháp thực hiện 5 tấn thóc trên một héc - ta gieo trồng, trao đổi kinh nghiệm thâm canh khoai lang theo kỹ thuật của hợp tác xã Trung Hòa (Hiệp Hòa), mở cuộc thảo luận "Vụ mùa chống Mỹ cứu nước" (1965), "Thâm canh vụ mùa" (1966), toạ đàm kỹ thuật thâm canh lúa mùa (1967)... Báo tuyên truyền, cổ động những điển hình tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp. Báo cũng biểu dương những cá nhân gương mẫu như Lý Lỏi Sáng (xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn); Nguyễn Thị Song, Phó chủ nhiệm hợp tác xã Trung Hòa; Vũ Tất Ban, Đội trưởng đội bê tông Công ty Kiến trúc và hàng trăm cá nhân từ cụ già đến thiếu nhi có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, trong đó có một số đã được Bác Hồ tặng Huy hiệu.

{keywords}

Ngày 3/11/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: "Chúng ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Đó là một thắng lợi có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Song đó mới chỉ là thắng lợi bước đầu. Đế quốc Mỹ ngoan cố và xảo quyệt. Nhiệm vụ thiêng liêng của toàn quân ta lúc này là nâng cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc".

Báo Hà Bắc đã nắm chắc các chủ trương của Trung ương và của Tỉnh uỷ, tập trung tuyên truyền việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, văn hoá, xã hội từng năm, phản ánh khí thế thi đua của các tầng lớp nhân dân phấn đấu hoàn thành kế hoạch Nhà nước, phản ánh không khí nhập ngũ của thanh niên, làm nghĩa vụ lương thực, thực phẩm của nông dân, với tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người".

Giữa lúc cả nước đang chuẩn bị tinh thần, lực lượng cho cuộc tiến công trên những chặng đường cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thì ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của Đảng và của dân tộc từ trần. Với niềm đau thương vô hạn và lòng biết ơn sâu sắc, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh ta đã để tang Người.

Sau đó, chấp hành Chỉ thị của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đảng bộ tỉnh mở đợt sinh hoạt chính trị: "Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch". Báo Hà Bắc đăng Thông cáo đặc biệt, Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tiểu sử tóm tắt Chủ tịch Hồ Chí Minh, tường thuật lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh cho toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh biết.

Ngày 19/9/1969, báo có bài xã luận "Thi đua đẩy mạnh mọi mặt công tác để chuẩn bị đợt thi đua đặc biệt, biến đau thương và biết ơn Hồ Chủ tịch thành hành động cách mạng". Báo tiếp tục đưa tin, bài các huyện, xã, hợp tác xã, cơ quan, xí nghiệp ra sức cải tiến công tác, tăng năng suất lao động, sẵn sàng chiến đấu để tỏ lòng tiếc thương, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm thực hiện thắng lợi Di chúc của Người.

Năm 1970, theo chủ trương của Tỉnh uỷ và Uỷ ban hành chính tỉnh, cơ quan Báo Hà Bắc từ địa điểm sơ tán trở về thị xã, đặt trụ sở tại Sở Thể dục thể thao ngày nay. Đầu năm 1971, quân, dân ta cùng với quân, dân Lào giành thắng lợi vang dội ở đường 9 - Nam Lào. Cuối tháng 3/1972, quân và dân ta ở miền Nam lại mở một cuộc tiến công chiến lược lớn, giải phóng Quảng Trị và nhiều nơi khác. Bị thất bại nặng nề ở miền Nam, ngày 16/4/1972, đế quốc Mỹ đã cho máy bay bắn phá trở lại miền Bắc lần thứ hai.

{keywords}

Thực hiện sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 29/5/1972, Tỉnh uỷ ra Nghị quyết số 04-NQ/TU "Về những nhiệm vụ trọng yếu trong tình hình mới". Thực hiện chủ trương sơ tán của Tỉnh uỷ và Uỷ ban hành chính tỉnh, cơ quan Báo Hà Bắc chuyển về xóm Trung, xã Nghĩa Trung (Việt Yên). Cán bộ, công nhân viên cơ quan khẩn trương đào hầm trú ẩn, đào hầm đặt máy in tiếp tục ra báo không chậm một ngày.

Đêm ngày 19/12/1972, đế quốc Mỹ cho máy bay B52 ném bom thị xã Bắc Giang và các huyện: Lạng Giang, Yên Dũng, Việt Yên. Trong suốt 12 ngày đêm (từ 19 đến 29/12/1972), giặc Mỹ đã sử dụng trên một ngàn lượt máy bay các loại, trong đó có gần 50 lượt B52, 70 lượt F111 đánh phá tỉnh ta. Ngay sau những trận B52 rải thảm, phóng viên Báo Hà Bắc đã có mặt ở các nơi bị đánh phá, làm phóng sự các trận chiến đấu, cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân, san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường, bảo đảm giao thông của bộ đội, dân quân, tự vệ và nhân dân ta.

Những số báo cuối năm 1972 và đầu tháng 1/1973, cùng với đưa tin thắng trận của quân và dân ta ở hai miền Nam, Bắc, báo còn có những bài: "Đồng Quan kêu gọi trả thù", ghi nhanh "Thị xã Bắc Giang căm thù và cảnh giác", các bài báo đều hừng hực khí thế chiến đấu và chiến thắng, khẳng định ý chí "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân và dân tỉnh ta.

Ngày 27/1/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết. Đế quốc Mỹ phải lặng lẽ rút quân về nước. Nhân dân Bắc Giang phấn khởi đón mừng thắng lợi của cách mạng ở cả hai miền Nam, Bắc, thắng lợi tại Hội nghị Pari. Khắp phố phường, làng bản rực rỡ cờ hoa, khẩu hiệu, áp phích, các hoạt động văn hoá, thể thao tưng bừng như ngày hội. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Tỉnh uỷ mở đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn Đảng bộ và nhân dân, tập trung tuyên truyền thắng lợi to lớn của Đảng ta, của nhân dân ta, tuyên truyền kỷ niệm ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam, mừng xuân Quý Sửu, tuyên truyền quán triệt nhiệm vụ, kế hoạch năm 1973 và những năm tiếp theo của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.

Tháng 3/1973, cơ quan Báo từ nơi sơ tán trở lại thị xã Bắc Giang, đặt trụ sở tại phố Thống Nhất (nay là đường Nguyễn Văn Cừ, trụ sở cơ quan Báo hiện nay). Thời kỳ này, Báo Hà Bắc xác định nhiệm vụ tuyên truyền phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh là nhiệm vụ trung tâm. Báo Hà Bắc đã tập trung phản ánh tình hình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, văn hoá, giáo dục, xây dựng Đảng, củng cố chính quyền và các đoàn thể quần chúng... khá toàn diện trên mặt báo, khắc hoạ được những khởi sắc về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh sau những năm chiến tranh.

{keywords}

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước yêu cầu chi viện sức người, sức của ngày càng lớn. Báo Hà Bắc đã có nhiều tin, bài phản ánh những đóng góp sức người, sức của của nhân dân toàn tỉnh cho trận chiến đấu cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc của quân dân cả nước. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 10/3/1975, quân ta tấn công và giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc). Ban Biên tập đã theo sát tình hình, cử phóng viên Hoàng Đình Tiến hàng ngày về Hà Nội liên hệ chặt chẽ với Báo Quân đội nhân dân lấy tin tức kịp thời đưa tin, bài về thắng lợi của quân và dân ta trên Báo Hà Bắc.

Kèm theo các tin, bài là bản đồ chiến sự, các mũi tiến quân, tiến công của quân và dân ta đã được in trên báo để bạn đọc dễ theo dõi. Báo Hà Bắc ra số đặc biệt 1.253. Trang 1, báo đưa tin: 11 giờ 30 ngày 30/4, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc phủ Tổng thống nguỵ. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Các số báo tiếp theo phản ánh không khí hân hoan, phấn khởi của nhân dân cả nước mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ngày 17/5/1975, Báo Hà Bắc ra khổ lớn, đưa tin và ảnh: Tỉnh ta tổ chức trọng thể ngày hội lớn mừng thắng lợi vĩ đại của dân tộc. 50.000 người dự mít tinh, 12.000 người tham gia diễu hành.

Từ khi Báo Sông Thương ra đời đến mùa xuân 1975, tờ báo của Đảng bộ tỉnh hoạt động trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu nên trong một chừng mực nhất định đã ảnh hưởng đến chất lượng, nội dung, hình thức của tờ báo. Vượt lên mọi khó khăn, Báo Sông Thương, sau đó là Báo Hà Bắc, đã phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Tuyên truyền, cổ động toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân trong tỉnh xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ cứu nước thắng lợi.

Tòa soạn (Tổng hợp từ Kỷ yếu Báo Bắc Giang nửa thế kỷ xây dựng và phát triển)
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...