Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

eMagazine
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hiền tài Thân Nhân Trung - Niềm tự hào của quê hương Việt Yên

Cập nhật: 19:45 ngày 24/12/2021
 
{keywords}
{keywords}

Đã có nhiều công trình, tác phẩm viết và nghiên cứu về Tiến sĩ Thân Nhân Trung. Ông người xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng, xứ Kinh Bắc, nay là thôn Yên Ninh, thị trấn Nếnh (Việt Yên). Năm 1469, khi đã hơn 50 tuổi ông mới tham gia kỳ thi Hội khoa thi Kỷ Sửu. Đây là kỳ thi vô cùng quan trọng, khoa thi này có mấy nghìn sĩ tử cả nước tham dự nhưng chỉ lấy đỗ 22 người, Thân Nhân Trung vinh dự đỗ Hội nguyên (Tiến sĩ đỗ đầu kỳ thi Hội), nhưng rất tiếc vào thi Đình (Điện thí) ông chỉ đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.

{keywords}
{keywords}

Sau khi vinh quy bái tổ, ông được triều đình bổ ngay chức Hàn lâm viện Thị độc, chức quan đứng thứ hai ở Viện Hàn lâm chuyên nhiệm vụ soạn thảo chế, cáo, chiếu, chỉ.... Khởi đầu hoạn lộ mà được triều đình gửi gắm, trao giữ chức quan này phải là người có tài năng văn chương xuất chúng. Mấy năm sau ông được thăng chức Hàn lâm viện Thừa chỉ đứng đầu ở Viện Hàn lâm dưới thời vua Lê Thánh Tông, kiêm chức Đông các đại học sĩ và Tế tửu Quốc Tử Giám. Chức quan Đông các đại học sĩ nguyên có nhiệm vụ như Hàn lâm viện Thừa chỉ, nhưng kiêm thêm nhiệm vụ phụng mệnh sửa chữa bài chế cáo thơ ca, văn thư và lo việc tiến cử quan chức của triều đình. 

Tế tửu Quốc Tử Giám là chức quan đứng đầu Quốc Tử Giám, được xem như hiệu trưởng trường đại học duy nhất của quốc gia thời bấy giờ. Theo một số tài liệu như Đăng khoa lục, Địa dư chí thì những năm cuối đời, Tiến sĩ Thân Nhân Trung được giao trọng trách giữ chức Thượng thư bộ Lễ (phụ trách lễ nghi, lễ tự, thết tiệc, giáo dục khoa cử, học hành của quốc gia) và Thượng thư bộ Lại (có nhiệm vụ tuyển bổ, thăng giáng, lựa chọn, khảo sát, phong chức tước cho quan lại). Sách Nguyễn Phi Khanh thi tập cho biết, cuối đời ông được giao chức Nhập nội phụ chính là chức quan đứng sau Tể tướng được dự bàn chuyện cơ mật của triều đình. Ông mất tại quê nhà năm 1499.

{keywords}

Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung tại quê hương ông - tổ dân phố Yên Ninh, thị trấn Nếnh (Việt Yên).

Về ngoại giao, vào năm Hồng Đức thứ 6 (1475) vì mến tài năng ứng đáp, ông được vua Lê Thánh Tông giao việc tiếp đón, tống tiễn sứ giả nhà Minh là Quách Cảnh về nước và hoàn thành tốt nhiệm vụ bang giao được vua nhất tâm sủng ái. Về trí tuệ văn chương, ông được vua Lê Thánh Tông đánh giá rất cao và bốn lần cử làm Độc quyển các kỳ thi Đình. Điều đặc biệt là trong những kỳ làm Độc quyển có hai khoa thi có con trai và người làng Yên Ninh (quê ông) đỗ đại khoa mà không để lại điều tiếng gì trong lịch sử chứng tỏ ông là bề tôi trung thực, mẫn cán và được vua tuyệt đối tin dùng.

{keywords}

Thân Nhân Trung cũng là người khai khoa cho truyền thống hiếu học, khoa cử của làng Yên Ninh với 10 nho sinh ưu tú đỗ đại khoa và được người đời tôn vinh là “làng Tiến sĩ”. Vua Lê Thánh Tông từng có thơ ca ngợi: Thập Trịnh đệ huynh liên quý hiển/ Nhị Thân phụ tử mộc ân vinh (Mười anh em nhà họ Trịnh nối nhau quý hiển/ Hai cặp cha con nhà họ Thân tắm gội ân vinh).

Về trước tác của Tiến sĩ Thân Nhân Trung tuy chưa được sưu tầm đầy đủ nhưng cũng khá phong phú. Năm Hồng Đức 14 (1483), khi đang giữ chức Hàn lâm viện thừa chỉ, kiêm Đông các đại học sĩ, ông được vua Lê Thánh Tông sai biên soạn và làm chủ biên bộ sách “Thiên Nam dư hạ tập” và “Thân chinh ký sự”. Sách gồm 100 quyển do chính ông viết lời tựa ghi chép đầy đủ về các chế độ, luật lệ, văn hàn, điển lệ, cáo sắc... nhưng nay chỉ còn lưu được bài tựa của Thân Nhân Trung.

{keywords}
{keywords}

Năm Hồng Đức thứ 15 (1484) phụng mệnh vua trao, Thân Nhân Trung đã soạn bài văn bia “Đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442)”. Đây là tấm bia đầu tiên dựng ở Văn Miếu Thăng Long do vua Lê Thánh Tông khởi xướng định lệ khắc bia đề danh tiến sĩ ở nước ta. Đây được xem là bài văn nghị luận mẫu mực tôn vinh đạo học, ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị của quốc gia. 

Trong bài văn bia này, Thân Nhân Trung đã khéo vận dụng tri thức tiền nhân, đề cao nguyên khí quốc gia gắn với việc kén chọn và sử dụng nhân tài của các bậc đế vương và đưa ra chân lý bất hủ: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...”. 

Tư tưởng đó cũng với tên tuổi của Thân Nhân Trung đã tồn tại xuyên suốt mọi thời đại và vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày nay trở thành biểu tượng của trí tuệ và văn hóa Việt Nam; là điểm đến của học sinh, sinh viên cả nước, là niềm tự hào của Đảng, Nhà nước, của Thủ đô Hà Nội mỗi khi đón tiếp các đoàn khách ngoại giao.

{keywords}

Lễ an vị tượng thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung.

Năm 1494, vua Lê Thánh Tông chủ xướng thi xã cung đình gọi là hội Tao Đàn, đích thân nhà vua xưng là hội chủ đã quy tụ 28 nhà khoa bảng vào hội. Nhà vua đã tôn vinh Thân Nhân Trung là Tao Đàn phó soái. Những bài thơ xướng họa của vua tôi được tập hợp trong sách “Quỳnh uyển cửu ca” và “Minh lương cẩm tú” còn lưu đến tận hôm nay.

{keywords}

Vị Hoàng đế anh minh Lê Thánh Tông qua đời năm 1498, vua Hiến Tông kế vị đã an táng vua cha ở Chiêu Lăng tại Lam Sơn đất tổ phát tích vương triều Lê và đã kính tín sai lão thần Thân Nhân Trung soạn bài văn bia Thánh Tông Chiêu lăng bi minh tịnh tự (bài minh và lời tựa trên bia Chiêu Lăng Lê Thánh Tông).

Thân Nhân Trung tuy xuất sĩ muộn màng nhưng với tài năng mẫn tiệp, ông đã trung thành, tận tụy phò vua giúp nước, quan lộ hanh thông, vẻ vang sự nghiệp. Có thể nói, thời đại Lê Thánh Tông huy hoàng trong lịch sử có phần công sức cống hiến to lớn của Tiến sĩ Thân Nhân Trung. Trong lịch sử dân tộc, hiếm có một bề tôi nào trung thành, tận tụy cống hiến đến cuối đời và chỉ trí sĩ khi ở tuổi ngoài tám mươi như ông. Cũng thật hiếm có bề tôi nào được triều đình tin tưởng trao nhiều trọng trách và để lại tiếng thơm muôn thủa như vậy. Ông xứng đáng được tôn vinh là “bậc tôi hiền cái thế” (bề tôi có tài năng, công lao vang danh thời đại).

{keywords}
{keywords}

Để ghi nhớ công ơn của bậc danh nhân - hiền tài quê hương Việt Yên, UBND tỉnh Bắc Giang đã có Quyết định số 509/QĐ-UBND ngày 23/10/2015 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đền thờ Danh nhân văn hóa, Tiến sĩ Thân Nhân Trung tại thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên với tổng mức đầu tư hơn 70 tỷ đồng. Quy mô đền thờ có tổng diện tích xây dựng 2,5 ha gồm các hạng mục chính: Đền thờ, sân hành lễ, nghi môn, tả vu, hữu vu, khu tượng đài, bãi đỗ xe, khu dịch vụ..., diện tích xây dựng đền thờ chính khoảng 400m2. UBND tỉnh giao UBND huyện Việt Yên làm chủ đầu tư xây dựng.

{keywords}
{keywords}
{keywords}
{keywords}
{keywords}

Đền thờ Thân Nhân Trung được xây dựng tại tổ dân phố Yên Ninh, thị trấn Nếnh (Việt Yên) trên tổng diện tích 2,5 ha.

Công trình thiết kế theo kiến trúc của đình, đền cổ truyền Việt Nam trên khuôn viên khoảng 2,5 ha, được quy hoạch xây dựng các hạng mục: Đền thờ và tượng đài tiến sĩ Thân Nhân Trung, sân hành lễ, nhà bia, tháp bút, lầu bát giác, tả - hữu vu, gác chuông, gác trống, nghi môn nội, nghi môn ngoại, hồ bán nguyệt, cây xanh cảnh quan và các công trình phụ trợ khác.

{keywords}

Dự án triển khai giai đoạn 2015-2018 đã đầu tư các hạng mục chính gồm: Đền thờ, nghi môn ngoại, nghi môn nội, san nền, sân và đường nội bộ. Năm 2021 (giai đoạn 3): Dự án triển khai đầu tư các hạng mục chính gồm: Nội thất (tổng thể), nhà bia, tháp bút, lầu bát giác, cây xanh cảnh quan, bãi đỗ xe và các công trình phụ trợ khác. Đến nay, dự án đã hoàn thành các hạng mục giai đoạn 1, 2. Giai đoạn 3 đang được khẩn trương thi công, phấn đấu hoàn thành trước tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Hạng mục tượng đài danh nhân Thân Nhân Trung ngoài trời sẽ được thực hiện trong những năm tới.

Từ tháng 2/2022 đến tháng 8/2023, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu đề xuất mô hình quản lý, khai thác giá trị di tích đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên trong phát huy truyền thống hiếu học, khoa bảng, phát triển giáo dục của tỉnh Bắc Giang hiện nay”.

{keywords}
{keywords}

Câu nói nổi tiếng thể hiện tư tưởng trọng dụng hiền tài gắn với sự hưng thịnh của đất nước được trích trong bài văn bia ghi danh tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn nguyên giá trị đến ngày nay.

Dự án xây dựng đền thờ cũng như đề tài nghiên cứu khi hoàn thiện sẽ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thưởng ngoạn của nhân dân, du khách trong nước và quốc tế, đồng thời tiếp tục khơi dậy, phát huy niềm tự hào quê hương, tinh thần hiếu học, tư tưởng coi trọng hiền tài xứng với câu nói nổi tiếng của ông đã được lưu danh sử sách.

{keywords}
{keywords}
{keywords}
{keywords}
{keywords}

Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung là điểm đến lịch sử, văn hóa, khơi dậy niềm tự hào và truyền thống hiếu học của quê hương Bắc Giang.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...