Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lo lắng: Thi chung - tuyển riêng

Cập nhật: 10:27 ngày 17/09/2014
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án kỳ thi quốc gia chung, nếu như các trường ĐH, CĐ chủ trương sử dụng kết quả thi chung để xét tuyển có thể nhẹ nhõm bởi công tác khảo thí đã được Bộ gánh cho đáng kể, thì những trường có nhu cầu tuyển sinh riêng lại khá băn khoăn bởi gánh nặng này.
{keywords}

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Ảnh minh họa.

Có giảm được áp lực?

Phương thức ra đề, nội dung đề thi ở phương án thi mới là những vấn đề khiến các thí sinh băn khoăn nhiều nhất. Theo phương án, để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, học sinh phải thi 4 môn, trong đó, ba môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ cùng một môn tự chọn trong các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý. Công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, với các trường sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh, về căn bản vẫn giữ ổn định các khối thi như "truyền thống". 

Các chuyên gia khảo thí cũng lưu ý, đối với một số ngành, trường đặc thù thì có thể sẽ có sự điều chỉnh, bổ sung để bảo đảm tính khoa học, phù hợp với thực tiễn. Các trường ĐH, CĐ sẽ sớm công bố phương án tuyển sinh của mình để thí sinh chủ động định hướng học tập.

Tuy nhiên, hiện vẫn có sự băn khoăn về phương án thi mới. Chẳng hạn, sau khi thí sinh thi các môn bắt buộc và môn tự chọn để xét tuyển vào ĐH, CĐ, liệu các trường ĐH, CĐ có bắt thí sinh thi lại các môn mà Bộ đã cho thi để bảo đảm có được chất lượng đầu vào phù hợp? Liệu áp lực thi cử có giảm nếu nhiều trường không tin tưởng vào kết quả thi chung, vẫn tổ chức thi riêng? 

Bên cạnh đó, các trường ĐH sẽ công bố phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi chung, công bố môn thi thêm để xét tuyển từng ngành, nhưng sẽ rất khó cho thí sinh nếu khi xét tuyển họ không sử dụng tổ hợp 3 môn theo các khối thi như trước (toán, lý, hóa, hay văn, toán, ngoại ngữ…), mà sử dụng nhiều tổ hợp môn khác. Cách tính ngưỡng điểm tối thiểu cũng sẽ phức tạp hơn khi các trường dựa trên ngưỡng điểm tối thiểu đối với từng môn do Bộ GD-ĐT công bố để tuyển, nghĩa là xét điểm sàn từng môn chứ không phải tổng của 3 môn… 

Trước những băn khoăn trên, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh trấn an rằng, thí sinh không phải lo lắng nhiều vì tuyển sinh là nhiệm vụ trọng tâm của các trường ĐH, CĐ, mà ở đó, quyền lợi của nhà trường và của thí sinh gắn chặt với nhau. 

Khảo sát tại một số trường, thực tế cho thấy hầu như các trường nhóm trên đều khá thận trọng với độ tin cậy của kỳ thi chung, như trường ĐH Y Hà Nội khẳng định sẽ có kỳ thi riêng, coi đó là lưới lọc khách quan, công bằng để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh. Tuy nhiên, với các trường tuyển sinh riêng hoặc tổ chức thi thêm một số môn, việc biên soạn đề thi là một khó khăn không hề nhỏ. 

Gánh nặng thi riêng

Các trường ĐH, CĐ, mặc dù đã được trao quyền tự chủ trong tuyển sinh song đa số vẫn ngại ngần, muốn "né" quyền tự biên soạn đề thi bởi mức độ phức tạp của phần việc này. Với kỳ thi 3 chung, Bộ GD-ĐT đã làm thay họ phần ra đề. Nay, thi riêng, các trường đều hiểu nếu có sai sót trong khâu biên soạn đề thi thì trách nhiệm sẽ rất nặng nề, gây thiệt thòi cho thí sinh. Đó là chưa kể, do thiếu kinh nghiệm, đề thi không đạt chất lượng sẽ không giúp phân loại thí sinh, ảnh hưởng tới chất lượng đầu vào. 

Nhiều trường ĐH lớn cho biết họ không bảo đảm được đội ngũ ra đề bởi tuyệt đại đa số giảng viên dạy chuyên ngành, không thể biên soạn đề thi các môn cơ bản. Hơn nữa, ngay cả khi bảo đảm được vấn đề nhân lực thì các trường còn phải đối mặt với nhiều trở ngại khác, đặc biệt là kinh phí, công tác bảo mật đề thi và cách ly đội ngũ biên soạn đề. 

Với những lý do trên, đa số trường muốn tổ chức thi riêng vẫn đề xuất Bộ GD-ĐT đứng ra biên soạn đề thi để các trường được sử dụng. Trước đề xuất này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nêu quan điểm: Nếu các trường cứ giao việc tuyển sinh, làm đề thi cho Bộ thì các trường sẽ mất quyền tự chủ bởi điều đó không phù hợp với quy định của Luật Giáo dục ĐH và xu hướng của thế giới. Các trường phải thực hiện đúng chức năng của mình. Bộ chỉ kiểm tra và giám sát quá trình thực hiện. 

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga "giới thiệu", Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Quốc gia của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh là các đơn vị có chức năng xây dựng ngân hàng đề thi.

Với sự băn khoăn của các trường, việc có một ngân hàng đề thi được coi là giải pháp hợp lý bởi khi đó các trường vừa có đề thi đạt chuẩn vừa thoát được gánh nặng phải đảm đương toàn bộ việc tổ chức tuyển sinh. Khi các trường nhấn mạnh tới mục đích tuyển chọn khác nhau cho phù hợp với yêu cầu đào tạo của mình, thông qua việc chọn các môn thi khác nhau, thì ngân hàng đề thi lại càng trở nên cần thiết. Nó sẽ đóng vai trò của một trung tâm, một đầu mối ra đề thi bảo đảm chất lượng và bởi vậy, cần phải được chuẩn bị theo quy trình kỹ càng, công phu, có chất lượng. 

Hiện nay, câu hỏi đặt ra là khi không có sự "bảo trợ" của Bộ về đề thi, các trường muốn thi riêng có thể giải quyết vấn đề này như thế nào? Theo thông tin từ khối trường có kế hoạch tuyển sinh riêng, nhiều nơi ý thức được rằng, việc tự chủ tuyển sinh không có nghĩa là trường nào lo việc của trường ấy. Trường nào gặp khó khăn trong việc tổ chức thi có thể sử dụng công nghệ kiểm tra đánh giá của trường khác, hoặc của tổ chức đánh giá chuyên nghiệp. 

Lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội, đơn vị đã có đề án xây dựng hàng nghìn câu hỏi nguồn cho các bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực, gợi ý rằng kết quả đánh giá của ĐH Quốc gia Hà Nội có thể được chia sẻ rộng rãi nếu các trường có nhu cầu. Đại diện của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng bày tỏ mong muốn các trường cùng hợp tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và tổ chức thi cử...

Theo HNM


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...