Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hiệu quả bước đầu việc không chấm điểm đối với học sinh tiểu học

Cập nhật: 08:08 ngày 23/09/2014
Lâu nay, nói đến đánh giá học sinh, chúng ta nghĩ ngay đến điểm số. Chính vì thế, câu hỏi cửa miệng của cha mẹ khi đón con ở trường về là: Hôm nay con được mấy điểm mà không mấy quan tâm đến việc con mình học được gì, học thế nào. Như vậy, vô tình chúng ta chỉ quan tâm đến khâu cuối cùng là ghi nhận kết quả, mà chưa quan tâm đúng mức đến quá trình dẫn tới kết quả, nhất là kỹ năng áp dụng vào thực tiễn.
{keywords}

Giờ học của cô giáo và học sinh lớp 1/2 Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Đà Nẵng).

Để giảm áp lực về điểm số cho học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh, năm học 2014-2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) triển khai việc không chấm điểm đối với học sinh tiểu học trên cả nước. Thay vào đó, giáo viên chỉ đánh giá bằng nhận xét để khuyến khích, động viên, giúp học sinh phát huy tất cả khả năng của mình.

Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ GD và ĐT) Phạm Ngọc Định cho biết: Đánh giá học sinh là một khâu quan trọng của quá trình giáo dục.

Việc đánh giá bằng nhận xét bắt đầu được áp dụng đối với các môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Đạo đức, Thủ công, Kỹ thuật, Tự nhiên Xã hội từ năm học 2009-2010. Riêng hai môn Toán, tiếng Việt được đánh giá kết hợp cho điểm định kỳ và nhận xét quá trình. Năm học 2013-2014, Bộ GD và ĐT đã áp dụng cách làm này đối với học sinh lớp một trên cả nước.

Cụ thể, thực hiện việc đánh giá thường xuyên chỉ bằng nhận xét đối với các môn học Toán, tiếng Việt và đánh giá định kỳ bằng cho điểm kèm theo nhận xét. Qua một năm triển khai, việc đánh giá thường xuyên không dùng điểm số tại các địa phương đã không gây áp lực cho học sinh lớp một, giúp các em tự tin, hứng thú học tập, thích đến lớp học; phụ huynh không phải cho con đi học trước lớp một.

Cũng theo ông Phạm Ngọc Định, trong một thời gian dài, hầu hết giáo viên có thói quen đánh giá học sinh bằng cách cho điểm, thậm chí không có lời phê nhắc nhở. Cách làm này không đúng. Bây giờ theo quan điểm mới, kiểm tra đánh giá trước hết phải giúp cho học sinh biết cách học tốt hơn; theo mục tiêu dạy học, vì sự tiến bộ của người học. Nội dung đánh giá tập trung vào đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học và hoạt động giáo dục, nhằm hình thành và phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau, với đánh giá của phụ huynh học sinh. Đánh giá thường xuyên không dùng điểm số là hướng đổi mới tích cực nhằm khắc phục thói quen dẫn đến những lệch lạc về động cơ, phương pháp dạy học, đồng thời chấm dứt việc so sánh giữa học sinh này với học sinh khác, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý học sinh.

Về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) Phan Thị Thu Lan khẳng định: Đây thật sự là một chương trình tốt, tạo được sự công bằng cho học sinh lớp một, để các em có điều kiện phát huy cao nhất năng lực của mình và cũng là cách để giáo viên tiểu học dần thích nghi với việc đổi mới giáo dục. Cô giáo Nguyễn Thị Lê Hà, giáo viên Trường tiểu học Võ Thị Sáu tâm sự: Khi thực hiện việc không chấm điểm học sinh lớp một thì chúng tôi phải thường xuyên quan sát và theo dõi các em trong suốt cả ngày học. Đồng thời phải liên hệ khăng khít với phụ huynh để cùng giáo dục các cháu. Từ đó phụ huynh cảm thông và hiểu được việc không chấm điểm sẽ giúp các cháu học tập tốt hơn.

Đồng tình với quan điểm này, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Điện Biên (Hà Nội) Phạm Thu Anh cho biết: Việc không chấm điểm học sinh tiểu học sẽ không gây áp lực về điểm số và các con sẽ không bị so sánh kết quả học tập của mình với bạn bè. Hơn nữa, qua nhận xét của giáo viên, phụ huynh sẽ biết điểm mạnh, điểm yếu của con em mình, từ đó phối hợp với nhà trường để giúp học sinh đạt được kết quả học tập tốt nhất.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phụ huynh băn khoăn về cách đánh giá này, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải thật sự công tâm và không "cảm tính". Phụ huynh học sinh Trường tiểu học Cát Linh (Hà Nội) Trần Thu Hảo chia sẻ: Theo tôi, việc chấm điểm thì mới đánh giá được mức học của con mình, từ đó dễ dàng bổ sung kiến thức cho con hơn là những lời nhận xét mang tính chung chung. Hơn nữa, tôi lo lắng giáo viên làm việc quá tải sẽ dẫn đến tình trạng nhận xét hời hợt, chung chung. Chị Hà Thị Minh Nhật, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Hai Bà Trưng, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) chia sẻ: Từ trước tới giờ thi cử đều có điểm mới biết được chất lượng dạy và học, nay lại đổi chấm điểm bằng cách nhận xét định tính, thì yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải thật sự có tâm và có trách nhiệm, không cảm tính.

Theo Vụ trưởng Giáo dục tiểu học Phạm Ngọc Định, những băn khoăn của phụ huynh cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, với quy định cách đánh giá như vậy sẽ chỉ rõ phụ huynh biết năng lực của con mình đang ở mức độ nào một cách chính xác mà không hề mang tính chất cảm tính. Việc dạy học và đánh giá, suy cho cùng là phải vì sự tiến bộ và vì lợi ích của học sinh. Vì vậy, những nhà giáo có tâm với nghề luôn trăn trở với câu hỏi: Làm thế nào để học sinh của mình thích học và học tốt?

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học giáo dục: Học tập có hai nhóm động cơ chính là động cơ bên ngoài và động cơ bên trong. Động cơ bên ngoài gây hứng thú học tập là những lời khen, phần thưởng, điểm số cao,... Động cơ bên trong gây hứng thú trong học tập là những nội dung mà học sinh qua tìm hiểu mà biết được, có ích với đời sống, kích thích các em tự tin, tò mò tìm hiểu, say mê sáng tạo, giúp các em hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất. Động cơ bên trong có ý nghĩa quyết định nâng cao chất lượng giáo dục, còn động cơ bên ngoài có tác động làm cho động cơ bên trong trở nên mạnh mẽ hơn.

Chính vì vậy, việc đổi mới đánh giá thường xuyên bằng nhận xét để tập trung hình thành động cơ bên trong, bởi cách đánh giá này giúp giáo viên đổi mới cách dạy, cách đánh giá, giúp học sinh học được, thích học và học tốt hơn.

"Trong quá trình dạy học, căn cứ vào đặc điểm và mục tiêu của bài học, của mỗi hoạt động mà học sinh phải thực hiện trong bài học, giáo viên phải hướng dẫn, đánh giá cụ thể từng học sinh, giúp các em có điều kiện nhận thức được ưu, nhược điểm để tự phấn đấu. Nhất là đối với học sinh tiểu học, việc nhận xét thiên về động viên, khích lệ sẽ giảm áp lực, tạo hứng khởi cho học sinh trong học tập. Hãy để học sinh được nhận thức cuộc sống, xã hội, khoa học bằng cảm nhận hết sức chân thành của mình. Phụ huynh học sinh cần phải biết điểm mạnh, điểm yếu của con mình, từ đó phối hợp với nhà trường và giáo viên để thật sự tìm ra phương pháp tốt nhất cho con em mình, như vậy mới có sự chuyển biến thực chất và tích cực" - TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội.


Theo ND


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...