Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Điều chỉnh điều kiện miễn thi ngoại ngữ: Cô - trò đều thờ ơ

Cập nhật: 09:13 ngày 30/10/2014
Bộ GD-ĐT đã có văn bản điều chỉnh, bổ sung điều kiện miễn thi môn ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT năm 2015, thay thế cho văn bản được ban hành trước đó chục ngày. So với trước, mức điểm chứng chỉ ngoại ngữ được điều chỉnh theo hướng tăng lên, loại chứng chỉ cũng hẹp hơn, đồng nghĩa với việc số lượng thí sinh thuộc diện này giảm đi. Tuy nhiên, đó không phải là điều mà dư luận, nhất là thí sinh, phụ huynh quan tâm. 
{keywords}

Một giờ học ngoại ngữ của học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).

{keywords}

Chỉ miễn cho "đầu ra" 

Văn bản số 6031/BGDĐT- KTKĐCLGD ban hành ngày 23-10 nêu rõ, đối tượng được miễn thi môn ngoại ngữ là thí sinh có một trong các điều kiện sau: Hoặc là thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olymic quốc tế môn ngoại ngữ theo quyết định của Bộ GD-ĐT; hoặc là có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ (có quy định mức điểm tối thiểu và đơn vị quốc tế cấp chứng chỉ cụ thể) có giá trị sử dụng đến ngày 9-6-2015. 

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT chỉ miễn thi môn ngoại ngữ ở "đầu ra", tức là chỉ dành cho những thí sinh có nhu cầu được công nhận tốt nghiệp THPT, còn nếu muốn tham gia tuyển sinh vào ĐH, CĐ thì vấn đề do các trường quyết định.

Quy định này thu hút sự chú ý của nhiều học sinh (HS) Hà Nội. Em Lê Quang Thái, Trường THPT Thạch Bàn cho rằng: Nếu có một trong những chứng chỉ ngoại ngữ ấy thì em vẫn sẽ đi thi, bởi khi đã học tốt môn nào thì chẳng dại gì mà lại bỏ môn có ưu thế, kết quả tốt sẽ góp phần tăng tổng điểm các môn thi. 

Còn em Nguyễn Văn Hải, Trường THPT Phan Đình Phùng thẳng thắn nói: Quy định này có cũng như không, thậm chí còn khiến HS bối rối thêm. Lý do là bởi, nếu HS từng là thành viên đội tuyển quốc gia đi thi quốc tế hoặc có các chứng chỉ quốc tế thì đương nhiên đều có nhu cầu học tiếp lên bậc học cao hơn, tức là tham gia tuyển sinh ĐH. 

Còn những HS chỉ cần được công nhận tốt nghiệp THPT để đi học nghề thì không cần thiết phải có chứng chỉ ngoại ngữ ở mức độ cao đến thế, chỉ cần đủ điều kiện theo yêu cầu kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông là có thể vượt qua kỳ thi mà không cần quy định miễn. Vì vậy, hầu hết bạn bè của em đều không mấy quan tâm đến quy định này. 

Ghi nhận tại các nhà trường, nhiều giáo viên dạy ngoại ngữ cho rằng, việc Bộ GD-ĐT để các trường ĐH quyết định việc có miễn thi môn ngoại ngữ trong tuyển sinh hay không và yêu cầu những HS có nguyện vọng tuyển sinh vào các trường ĐH có liên quan đến môn ngoại ngữ phải căn cứ vào thông tin của các trường này để đăng ký dự thi là điều khiến không ít HS lo lắng. 

Dù chưa có thông tin chính thức, song theo cập nhật từ phía các trường phổ thông thì các trường ĐH chưa áp dụng việc miễn thi ngoại ngữ để xét "đầu vào", ít nhất là trong mùa tuyển sinh tới đây. Vì vậy, việc học tập, ôn luyện ở các trường phổ thông hiện nay vẫn ổn định theo khối thi của HS như trước. 

Học thế nào để đạt chuẩn?

Việc khởi động, đưa hệ thống chứng chỉ quốc tế vào hệ thống giáo dục phổ thông của Việt Nam để công nhận trong thi cử, tuyển sinh đã làm "nóng" mối quan tâm của nhiều phụ huynh có con ở độ tuổi học phổ thông về việc học ngoại ngữ thế nào để đạt chuẩn quốc tế theo khung năng lực ngôn ngữ chung Châu Âu. 

Hiện nay, hầu hết HS đã được làm quen với ngoại ngữ từ cấp tiểu học. Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 cũng được triển khai tại các địa phương. Nhưng, hiện nay, theo Bộ GD-ĐT, việc dạy học và đánh giá môn ngoại ngữ còn nhiều bất cập. Hầu hết HS giỏi ngoại ngữ hiện nay đều là "sản phẩm" của các trường chuyên, trường quốc tế hoặc theo học tại các trung tâm có chất lượng. 

Khảo sát thực tế và ghi nhận ý kiến của các giáo viên trực tiếp đứng lớp môn ngoại ngữ ở các trường phổ thông của Hà Nội cho thấy, một trong những yếu tố để HS học tốt môn ngoại ngữ là phải được tiếp cận đủ thời lượng cần thiết (tối thiểu 6-8 tiết/tuần). Số liệu qua hai cuộc thi TOEFL Junior (dành cho HS THCS) và TOEFL Primary (dành cho HS tiểu học) vừa diễn ra tại Hà Nội cho thấy, hầu hết trong số hơn 12 nghìn HS dự thi đều thuộc các trường quốc tế hoặc các trường dạy song ngữ. 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của ngoại ngữ trong tương lai nên ngoài việc học ở trường, nhiều HS phổ thông còn đăng ký học với cô giáo hoặc học thêm tại các trung tâm ngoại ngữ. Tuy nhiên, việc tìm được địa chỉ học có chất lượng và phù hợp không phải là điều đơn giản. Mối quan tâm của đa phần phụ huynh hiện nay là đầu tư cho con học thế nào để vừa đạt hiệu quả mà lại không gây áp lực cho HS, giảm sự tốn kém cả về chi phí và thời gian. 

Ông Đoàn Hồng Nam, Chủ tịch Tập đoàn IIG Việt Nam (đơn vị chuyên cung cấp các bài thi tiếng Anh chuẩn quốc tế, là đại diện duy nhất của Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS) cho rằng, hiệu quả đầu tư còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, song chắc chắn không phải cứ học với giáo viên nước ngoài là tốt hơn khi học giáo viên trong nước. Giáo viên nước ngoài có thể giúp HS khắc phục được tình trạng phát âm sai, thiếu tự nhiên trong giao tiếp nhưng chưa hẳn đã có phương pháp giảng dạy phù hợp. 

Theo ông Đoàn Hồng Nam, khó có một công thức nào cho tất cả mọi người. HS, ngoài việc học ở trường còn có thể đăng ký học trực tuyến. Với việc có máy tính nối mạng không phải là quá khó ở hầu hết các địa bàn, đây là một trong những giải pháp hiệu quả với chi phí thấp mà phụ huynh có thể cân nhắc nhằm nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho HS.

Theo HNM


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...