Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 27 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mở rộng cửa tuyển thẳng cho thí sinh

Cập nhật: 14:55 ngày 30/10/2014
Mở rộng chính sách tuyển thẳng vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đối với thí sinh là học sinh (HS) giỏi phổ thông; Song song với những khối thi truyền thống, nhiều trường bổ sung thêm các tổ hợp khối xét tuyển mới để thí sinh có thêm cơ hội vào các trường ĐH, CĐ… Liệu những giải pháp này có tốt cho nhà trường và thí sinh?
{keywords}

Thí sinh dự thi tuyển sinh đại học năm 2014 tại trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội.

Nhiều cơ hội cho học sinh giỏi

Mùa tuyển sinh năm 2015, có rất nhiều trường ĐH, CĐ sử dụng chính sách tuyển thẳng đối với các thí sinh là học sinh giỏi phổ thông. Đi đầu là ĐH Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội đưa ra Cơ chế đặc thù trong đào tạo liên thông bậc THPT chuyên và bậc ĐH. Ngoài việc tuyển thẳng vào bậc ĐH đối với học sinh THPT chuyên, các đơn vị thành viên của ĐH này sẽ không hạn chế chỉ tiêu tuyển thẳng HS một số trường chuyên khác vào các ngành đào tạo đúng chuyên môn mà HS đạt thành tích. 

Các tiêu chí cụ thể được ĐHQG Hà Nội đưa ra là: Đạt giải chính thức trong các kỳ thi Olympic hoặc các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật khu vực, quốc tế; là thành viên chính thức đội tuyển dự thi Olympic hoặc các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật khu vực, quốc tế; đạt giải chính thức trong kỳ thi chọn HS giỏi bậc THPT cấp ĐHQG Hà Nội; kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia hoặc các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc gia; kỳ thi Olympic chuyên Khoa học tự nhiên bậc THPT được tổ chức hàng năm; là thành viên chính thức của đội tuyển tham dự kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia hoặc các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc gia; đạt danh hiệu HS giỏi từng năm học trong cả 3 năm THPT.

Một số học viện và ĐH khác cũng sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển sinh cho các ngành đào tạo bậc ĐH, CĐ. Trong tổng số 2.700 chỉ tiêu cho các ngành đào tạo bậc ĐH, năm 2015 Học viện Ngân hàng sẽ dành 10% (tức 270 chỉ tiêu) để xét tuyển thẳng thí sinh là HS trường THPT chuyên quốc gia (một trong các môn Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, tiếng Anh) có kết quả điểm các môn học thuộc nhóm tổ hợp các môn xét tuyển của trường trong 3 năm THPT đạt từ 7,0 điểm trở lên. Đối với hệ CĐ, Học viện Ngân hàng cũng dành 10% chỉ tiêu hàng năm của hệ này để xét tuyển thẳng các thí sinh đã tốt nghiệp THPT có điểm trung bình chung từng năm của 3 năm THPT đạt từ 6,5 điểm trở lên. 

Năm 2015, cùng với các chính sách ưu tiên thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT, ĐH Kinh tế Quốc dân tuyển thẳng thí sinh có 3 môn thi THPT quốc gia, trong đó có môn Toán và 2 môn bất kỳ, đạt 27 điểm trở lên. ĐH Nội vụ Hà Nội cũng áp dụng thêm chính sách ưu tiên riêng khi sử dụng kết quả thi THPT quốc gia với xét học bạ 3 năm THPT của thí sinh. Những em có học lực giỏi, mỗi năm được cộng 1 điểm; học lực khá, được cộng 0,5 điểm mỗi năm. HS đạt giải Nhất, Nhì, Ba kỳ thi HS giỏi lớp 12 cấp tỉnh, TP trực thuộc T.Ư (đối với các môn nhà trường xét tuyển) được cộng 1 điểm ưu tiên. 

Thêm sự lựa chọn

Bên cạnh các trường ĐH trung thành với khối thi truyền thống là những trường quyết định xét tuyển với nhiều tổ hợp khối thi mới. Với tổng chỉ tiêu 4.800 cho 18 ngành đào tạo ĐH, ĐH Kinh tế Quốc dân dẫn đầu về số tổ hợp 3 môn thi dùng để xét tuyển. GS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng nhà trường thông tin có 10 tổ hợp môn áp dụng cho 15 ngành. Với tổ hợp 3 môn xét tuyển được chọn trên cơ sở các khối thi truyền thống của trường (A, A1, D1, D3), ĐH Bách khoa Hà Nội bổ sung thêm các tổ hợp môn thi khác nhằm tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều lựa chọn hơn sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT 2015. 

Một số trường ĐH khác, song song sử dụng khối thi cũ, cũng bổ sung thêm các tổ hợp môn mới. ĐH Công đoàn bổ sung tổ hợp môn Toán - Vật lý - Anh văn; ĐH Nội vụ Hà Nội bổ sung 2 tổ hợp Toán - Vật lý - Tiếng Anh và Toán - Ngữ văn - Lịch sử; ĐH Thăng Long bổ sung tổ hợp Toán - Vật lý - Tiếng Anh, Toán - Ngữ văn - Nhật; ĐH Thương mại thay khối A bằng khối A1 và D1.

Rõ ràng, nhiều tổ hợp môn thi sẽ có nhiều cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ cho HS và nhà trường chọn được đúng hơn các môn cho ngành cần tuyển. Nhưng tổ hợp môn ở mức độ vừa là tốt, còn nhiều quá sẽ không đảm bảo chất lượng. Phía HS, khi có nhiều tổ hợp để xét tuyển cho một ngành, sẽ rất khó lựa chọn khối thích hợp. Bởi vậy, ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho rằng, chỉ 3 - 4 tổ hợp là vừa. 

"Chúng ta không thể yêu cầu HS học và thi cả 8 môn. Chỉ cần 3 môn thi bắt buộc và chọn thêm 1 - 2 môn là vừa. Mình được môn nọ thì mất môn kia, nhưng phải chọn môn tốt nhất cho các em" - ông Trần Văn Nghĩa khẳng định.


Theo KTĐT


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...