Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đẹp thêm hình ảnh người thầy

Cập nhật: 08:03 ngày 20/11/2014
(BGĐT) - Không chỉ truyền đạt kiến thức cho học sinh, nhiều thầy giáo, cô giáo còn cưu mang, giúp đỡ học trò có hoàn cảnh khó khăn, tiếp thêm nghị lực, sức mạnh giúp các em bước tiếp tới trường.
{keywords}

Cô giáo Nguyễn Thị Sinh luôn tận tụy với học trò.

Tiếp sức tới trường

Nhắc đến hoàn cảnh của em Giáp Thị Hồng Gấm, thôn Trại, xã Cao Xá 2 (Tân Yên), cô giáo Nguyễn Thị Sinh, chủ nhiệm lớp 5E, Trường Tiểu học Cao Xá 2 đầy vẻ thương cảm. Gấm là một trong những học trò có hoàn cảnh đặc biệt. Khi mới đón học sinh, cô đã nhận ra sự khác biệt của em: Không vô tư, hồn nhiên như bạn bè cùng trang lứa mà lúc nào cũng u buồn. Mặc dù tố chất thông minh nhưng không ít bài tập em bê trễ, thậm chí có buổi học vắng mặt không lý do. 

Trăn trở trước hoàn cảnh này, cô Sinh đã về tận nhà Gấm để tìm hiểu. Bố mẹ ly dị mấy năm trước rồi đi làm ăn xa, em sống với ông bà ngoại đã già yếu. “Trước hoàn cảnh éo le như vậy, tôi thấy cần quan tâm hơn đến em”. Hằng ngày, ngoài thời gian lên lớp, cô giáo gần gũi, động viên Gấm học tập. Có sự quan tâm của cô, em từng bước chuyển biến, đặc biệt là ở môn Toán. 

Ngoài giờ học, cô Sinh còn bồi dưỡng miễn phí cho em tại nhà. Nhiều buổi học, Gấm ăn nghỉ tại nhà cô, được cô rèn giũa từ lớp 2 đến lớp 5. Năm học 2013-2014, Gấm đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi giải Toán qua mạng Internet cấp huyện, là niềm vui lớn với cả cô và trò. 

Không chỉ giúp đỡ Gấm, những năm học qua, cô giáo Sinh còn giúp đỡ nhiều học sinh hoàn cảnh éo le như: Giáp Thị Trà My, Nguyễn Thị Ngọc Mai, Giáp Thị Thanh, Giáp Quang Vinh… 

Chuyện học sinh đến nhà cô ăn nghỉ, được học thêm miễn phí trở nên quen thuộc với bà con lối xóm. "Ở vùng này rất nhiều học sinh khó khăn, éo le. Em thì cha mẹ ly dị, em lại bố mất, mẹ bệnh tật. Nhìn các em đến trường với hoàn cảnh như vậy, nếu mình không động viên, các em khó có thể vượt qua để tiếp tục đến trường" – cô Sinh tâm sự. 

Sự nhiệt tình, tận tụy vì học trò của cô giáo Nguyễn Thị Sinh luôn được bà con quý mến, tin cậy, nhà trường ghi nhận là giáo viên tâm huyết với nghề.

Cũng trong cảnh bố mẹ ly dị, mẹ đi xuất khẩu lao động tại Ma-lai-xi-a, một mình ở nhà nuôi em 4 tuổi, Nguyễn Hồng Nhung là một trong những trường hợp đặc biệt éo le của Trường THPT Dân lập Nguyên Hồng (TP Bắc Giang). Gánh nặng gia đình dồn lên vai cô học trò lớp 11A1, không đủ tiền đóng học phí, em trai thường xuyên ốm yếu, Nhung đã từng nghĩ đến chuyện bỏ học. Thấy em có sức học tốt, thầy Nguyễn Văn Thành, giáo viên chủ nhiệm báo cáo nhà trường tạo điều kiện, vận động học sinh trong lớp giúp đỡ. Bản thân thầy Thành từng dùng tiền lương ít ỏi của mình đóng học phí, mua sách vở và dạy thêm miễn phí cho em. Thầy còn giới thiệu việc làm phù hợp để Nhung có thể vừa làm, vừa đến trường. Không ít lần, người thân quyết định cho Nhung nghỉ học, thầy đến tận nhà thuyết phục, vận động. 

Nhung cho biết: “Nếu không có sự giúp đỡ của thầy, em khó có cơ hội tiếp tục đến trường”. Theo thầy Thành, còn nhiều học sinh có hoàn cảnh éo le mà khi đến trường các em phải tranh thủ làm thêm (thêu tranh, gấp túi) vào giờ ra chơi để có thể tiếp tục đi học. Với những hoàn cảnh như vậy, người thầy không thể đứng ngoài cuộc.

Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng 

Với nhiều học trò, mái trường không chỉ là nơi học, truyền thụ kiến thức mà còn chứa chan tình người, tình đời. Những học sinh hoàn cảnh éo le luôn có nhà trường, thầy cô và bạn bè đồng hành, giúp đỡ, sẻ chia. Đã có nhiều em được “tiếp sức” vươn lên từ cuộc vận động “lá lành đùm lá rách”, “quỹ vòng tay nhân ái”, từ sự giúp đỡ tận tình của thầy, cô. Cuộc vận động “Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” do ngành giáo dục và đào tạo phát động đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. 

Điển hình như Trường Mầm non Nghĩa Hưng (Lạng Giang), các cô giáo “nuôi lợn nhựa”- hằng tháng, khi lĩnh lương, mỗi cô bỏ một khoản tiền nhất định vào đó. Số tiền này hỗ trợ những học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đã có nhiều học sinh được giúp đỡ như em Nguyễn Văn Nam, Hà Văn Ngọc… 

Trường THPT Chuyên Bắc Giang xây dựng “Quỹ vòng tay nhân ái”, thầy cô, học sinh nhà trường cùng tham gia. Dịp lễ, Tết, Ban Giám hiệu, Đoàn trường đến từng nhà học sinh hoàn cảnh éo le thăm hỏi, tặng quà. Bên cạnh việc trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, nhiều thầy cô còn lặng lẽ, âm thầm giúp đỡ học sinh. 

Điển hình như thầy Nguyễn Văn Tiến, Trường THPT Chuyên Bắc Giang không chỉ bồi dưỡng học sinh giỏi mà còn tặng học bổng cho học sinh nghèo, vận động các cựu học sinh nhà trường tư vấn, giúp đỡ học trò thi cao đẳng, đại học, xây dựng thư viện sách; cô Ngô Thị Thoan, Trường Tiểu học Xương Lâm (Lạng Giang) dạy học sinh nghèo miễn phí; cô Nguyễn Thị Hoài, Trường THCS Thanh Hải (Lục Ngạn) đưa đón học sinh nghèo miền núi đến trường những ngày mưa lũ... Họ thực sự là tấm gương sáng về lòng nhân ái, gần gũi, yêu thương, hết mình vì học trò.

Thái Giang

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...