Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hai thầy hiệu trưởng

Cập nhật: 09:10 ngày 20/11/2014
(BGĐT) - Thầy giáo Nguyễn Văn Trác nay đã ở tuổi 82, nguyên cán bộ quản lý thuộc lớp tiền bối của Trường THPT Lục Ngạn số 1. Nghề dạy học đã để lại trong thầy biết bao kỷ niệm về tình thầy trò, tình đất, tình người trong suốt 30 năm công tác. Một trong những điều đọng lại là câu chuyện về người học trò - Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

{keywords}

Thầy giáo Nguyễn Văn Trác (bên trái) và người học trò cũ - GS.TS Nguyễn Trọng Giảng.

Năm 1966, đang là giáo viên Trường cấp III Yên Dũng, thầy Trác được điều động phụ trách Trường cấp III Lục Ngạn mới được tách ra từ Trường Phổ thông cấp II - III. Đây là trường dành cho học sinh lớp 8, 9, 10 thuộc ba huyện miền núi Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động. Khi ấy, nơi này còn đơn sơ nhà tranh vách đất, tiếng ve sầu ngày đêm không ngớt. Vì trường mới nên chỉ có một lớp 10,  hai lớp 9 và hai lớp 8. 

Năm học vừa bắt đầu được một tuần thì bỗng có một em đến xin học. Thật khó cho thầy vì em không chỉ đến muộn mà còn không qua thi chuyển cấp. Khi hỏi tên biết em là Nguyễn Trọng Dãng (sau này học ở Liên Xô gọi là Giảng), quê ở vùng cao Sơn Động. Hỏi lý do tại sao đến muộn, em gãi tai: “Thưa thầy, vì xa xôi cách trở nên em do dự giữa đi học hay ở nhà nên bị muộn ạ !”. À ra vậy! Thầy Trác băn khoăn: Nếu nhận em vào trường thì mình là người vô nguyên tắc. Nhưng nếu từ chối thì vô hình chung làm mất đi cơ hội của em, bởi phía trước là cả một chặng đường dài để em bước tiếp và thực hiện những ước mơ tuổi trẻ. 

Có một điều khiến thầy chẳng thể vô tình, đó là không ngẫu nhiên khi một cậu học trò mãi nơi sơn cùng thủy tận cách trường 40 cây số giữa cái thời khó khăn ấy lại khát khao việc học hành đến vậy. Chắc em phải là một người hiếu học và rất cần học. Sau suy nghĩ đắn đo, thầy Trác quyết định nhận em vào học rồi báo cáo sau. Vậy là Nguyễn Trọng Giảng được là học sinh lớp 8 khóa 1966-1967 của trường.

Thời gian thấm thoắt trôi, kết thúc khóa học cũng là khi thầy Trác kết thúc 3 năm công việc của một hiệu trưởng với sự nghiệp giáo dục vùng cao để trở về quê hương Việt Yên. Ngày thầy chia tay cũng là ngày lớp học trò cùng trang lứa với Nguyễn Trọng Giảng từ giã mái trường, người đi chiến trường, người trên giảng đường, người bươn trải những nẻo đường kiếm sống. 

Mãi gần đây khi ngôi trường mà thầy Trác từng gắn bó, những học trò của thầy năm nào có buổi gặp mặt chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường. Thầy Trác gặp lại người trò cũ Nguyễn Trọng Giảng. Cậu học trò vào học muộn năm ấy nay đã là Giáo sư, Tiến sĩ với cương vị hiệu trưởng của một trường đại học danh tiếng quốc gia - Đại học Bách khoa Hà Nội (về hưu tháng 10-2014). Bao kỷ niệm ùa về, bao câu chuyện râm ran trong tay bắt mặt mừng. Trước mặt họ giờ đây là những đổi thay, là những ánh nhìn vừa quen vừa lạ. Còn đâu cái thuở tranh tre nứa lá, còn đâu những ngày leo lét đèn dầu, thay vào đó là lung linh ánh điện, rợp bóng cây xanh tỏa mát sân trường, là uy nghi lớp học cao tầng, là thầy trò rạng rỡ như hoa. Bức tranh đó đã khiến những người như cựu hiệu trưởng Nguyễn Văn Trác, cựu học trò Nguyễn Trọng Giảng không chỉ tự hào về một cội nguồn mà bỗng rưng rưng sau tháng năm xa cách.

Ngô Minh Bắc

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...