Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vẫn sáng ngời truyền thống "tôn sư trọng đạo"

Cập nhật: 18:35 ngày 20/11/2014
(BGĐT) - Một số hành vi lệch chuẩn trong ngành giáo dục thời gian gần đây khiến dư luận lo ngại về sự xuống cấp đạo đức trong mối quan hệ thầy - trò vốn được coi là chuẩn mực của xã hội ta. Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, Nhà giáo Ưu tú Cao Ngọc Thành chia sẻ về tình thầy - trò xưa và nay. 

{keywords}

Sinh viên Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự tri ân thầy cô nhân ngày 20-11.


{keywords}


Từng nhiều năm đứng trên bục giảng dìu dắt bao thế hệ học trò, làm công tác quản lý giáo dục và nay tiếp tục tham gia hội cựu giáo chức, thầy cảm nhận thế nào về mối quan hệ thầy - trò xưa và nay?

Từ lâu, trong xã hội đã hình thành những quy tắc, chuẩn mực của nhà giáo, quan hệ giữa thầy và trò đã trở thành truyền thống, đạo lý của dân tộc ta. Ngày xưa, vai trò của người thầy còn đặt cao hơn cha mẹ. Cuốn Tam Tự Kinh có câu: “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá/ Giáo bất nghiêm, sư chi đọa”. Có nghĩa là nuôi con mà không dạy bảo, đó là lỗi của người cha. Dạy con mà không nghiêm, đó là lỗi của người thầy. 

Lễ giáo xưa nặng về rèn luyện đạo đức, trò phải ngoan ngoãn, tuyệt đối nghe lời thầy, không được phép làm trái ý thầy. Bây giờ mối quan hệ này cởi mở, thân thiện hơn. Học sinh không những học ở thầy, trường lớp mà còn học ở gia đình, xã hội và rất nhiều “kênh” thông tin khác. Vì thế, người thầy không còn là “trung tâm”, là “nơi duy nhất cung cấp kiến thức”, học sinh có thể học ở mọi lúc, mọi nơi. 

Đây cũng là sự thay đổi tất yếu trong quá trình phát triển nhưng không phải thang giá trị đạo đức xã hội có sự thay đổi. Nghề giáo vẫn luôn là nghề cao quý nhất. Mối quan hệ thầy - trò xưa nay vẫn vẹn nguyên, sáng ngời đạo lý của dân tộc.

Đó đây trong xã hội ngày nay vẫn có hiện tượng tiêu cực làm vẩn đục quan hệ thầy - trò, phải chăng do kinh tế thị trường tác động, thưa thầy?  

Đúng là sự biến đổi của nền kinh tế đã tác động không nhỏ tới đời sống xã hội nói chung, trong đó có đạo đức người thầy và mối quan hệ thầy - trò. Ở chỗ này, chỗ kia có vụ việc tiêu cực như chạy trường, chạy lớp, mua điểm... nhưng tôi cho rằng đó chỉ là cá biệt, đôi khi thông tin phiến diện, "thổi phồng" khiến dư luận lo ngại. Khi xảy ra tiêu cực, chúng ta cũng phải có cái nhìn toàn diện hơn, không thể đổ lỗi tất cả do người thầy. 

Không ít phụ huynh, không hiếm gia đình phó mặc con cho thầy cô giáo, nhà trường. Khi con có lỗi, nhiều người có câu cửa miệng là “thầy/cô dạy thế à” mà không biết rằng trách nhiệm dạy dỗ, giáo dục con cái của gia đình là rất quan trọng. Đó là chưa kể cách ứng xử của một số phụ huynh đối với thầy/cô giáo chưa đúng mực đã gieo vào lòng con trẻ những suy nghĩ khác về hình ảnh người thầy. Cùng đó, chính sách nhà nước đối với giáo viên đã được quan tâm, cải thiện rất nhiều nhưng nhìn chung, đời sống của một bộ phận giáo viên còn khó khăn, chưa thể toàn tâm toàn ý với công việc.  

Trong xã hội cũng có trường hợp vi phạm đạo đức nhưng chỉ là cá biệt. Thực tiễn còn có biết bao tấm gương đang ngày đêm nỗ lực để hoàn thành sứ mạng cao cả "trồng người", những tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức được cả xã hội tôn vinh, trân trọng. 

Chúng ta đang trên bước đường đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Thầy có suy nghĩ như thế nào về vị trí, vai trò của người thầy trong "cuộc cách mạng" về giáo dục lần này?

Người thầy luôn là một tấm gương sáng cho học trò noi theo. Ngoài kiến thức sâu rộng uyên bác, người thầy phải có đạo đức, lối sống mẫu mực, có lòng yêu thương học trò, yêu nghề, nhân ái nghĩa tình, trọng đạo lý. Theo tôi, việc đổi mới giáo dục đòi hỏi người thầy không chỉ cần có kiến thức và năng lực sư phạm, phương tiện giáo dục mà quan trọng nhất chính là nhân cách. Vì thế cần có cơ chế tuyển sinh riêng để tuyển chọn được những người thực sự có phẩm chất, năng lực phù hợp vào ngành sư phạm. 

Cùng đó là đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của nhà giáo theo yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức nhà giáo và năng lực nghề nghiệp. Chế độ đối với nghề giáo cần tiếp tục được quan tâm cải thiện, việc đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo thực hiện thường xuyên hơn. 

Chúng ta cũng cần có cơ chế sàng lọc, kiên quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục những trường hợp không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Dân tộc ta có truyền thống "Tôn sư trọng đạo", hiếu học, tôi tin rằng "cuộc cách mạng" về giáo dục lần này sẽ góp phần làm sáng ngời truyền thống đó. 

Trân trọng cảm ơn thầy ! 

Nguyễn Thị Thanh Vân 
(Giáo viên tiểu học ở Lục Nam):

Nghề giáo là nghề cao quý nhưng nhiều khi các thầy cô lại rơi vào tình trạng ức chế. Hằng ngày giáo viên phải chịu sức ép lớn từ học sinh, phụ huynh và nhà trường. Có nhiều học sinh hư, phụ huynh không quan tâm nên dạy bảo học sinh khó lắm. Nhà trường chịu nhiều sức ép về thành tích, tạo áp lực cho giáo viên. Một khi trò không thích học thì có ép cũng không được, thế là đổ lỗi do giáo viên.

Nguyễn Thị Thu Huyền
(Sinh viên Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang)

Tôi thi trượt Đại học Y nên học ngành sư phạm. Thú thực nghĩ đến ra trường "gõ đầu trẻ" cũng không hứng thú lắm nhưng phụ huynh bảo sau này dễ bố trí việc làm nên mới theo. Lương giáo viên thì thấp, lên lớp cứ phải chỉn chu, chuẩn mực từ cách ăn mặc, đi đứng đến nói năng, cư xử mô phạm. Như vậy thật gò bó!. Đã thế lại dễ bị nhận xét, đánh giá...

Dương Thị Yến
(Giáo viên THCS ở TP Bắc Giang)

Bệnh thành tích trong giáo dục khiến mối quan hệ thầy - trò trở nên khác xưa rất nhiều. Phụ huynh muốn con đạt thành tích cao nên bằng nhiều cách cho con theo thầy học thêm. Có giáo viên vì thành tích của trường, lợi ích của bản thân mà tổ chức dạy thêm. Học trò học ở nhà cô thì đến lớp được cô ưu ái hơn, chắc hẳn nhận thức sẽ khác em không đi học thêm. Điều này làm cho mối quan hệ giữa thầy với các trò có những thay đổi. 
PV (Ghi)

Bảo Khánh (Thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...