Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Các trường đại học sẽ có sân chơi bình đẳng

Cập nhật: 14:27 ngày 18/12/2014
 Lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục Việt Nam, một tổ chức xã hội - nghề nghiệp ra đời tập hợp đông đảo các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) trong cả nước để hỗ trợ nhau cùng phát triển.
{keywords}
Ảnh minh họa.

Trước thềm đại hội Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam (diễn ra vào 20/12), phóng viên có cuộc trao đổi với PGS Trần Xuân Nhĩ - Phó Trưởng ban thành lập Hiệp hội về những vấn đề được đặt ra trong nhiệm kỳ đầu tiên này.

Từng là Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam (VIPUA) với bao thăng trầm, ông kỳ vọng gì khi Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam được thành lập?

- Cách đây 10 năm, VIPUA được thành lập với mong muốn tập hợp tất cả các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) để hỗ trợ lẫn nhau, đồng thời, tư vấn cho Nhà nước những chính sách để tạo điều kiện cho các trường NCL phát triển. Thực tế, nhiều nước có nền giáo dục ĐH phát triển như Singapore, Malaysia, Nhật Bản… đa phần là các trường NCL. 

Đồng nghĩa, muốn phát triển ĐH thì hệ thống giáo dục Việt Nam phải có hệ thống trường NCL nhiều hơn. Do vậy, những người tâm đắc rất mong VIPUA không chỉ bảo vệ cho quyền lợi của các trường NCL mà có mục tiêu cao hơn là phát triển sự nghiệp giáo dục Việt Nam theo kịp các nước.

Khi thành lập Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, chúng tôi mong muốn tư vấn và kiến nghị với Nhà nước tăng tính tự chủ cho tất cả các trường, trong đó có tự chủ về tài chính. Đây là vấn đề lớn. Hiện có quá nhiều trường công lập, Nhà nước không thể bao cấp được dù đã dành tới 20% ngân sách, nhưng con số tuyệt đối lại nhỏ so với các nước. 

Tôi muốn đưa ra lập luận, trong khi có những trường không được Nhà nước đầu tư kinh phí vẫn phát triển được như ĐH Thăng Long, Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Dân lập Hải Phòng…, tại sao các trường khác cứ trông chờ vào "bầu sữa" của Nhà nước? Rất mừng là gần đây, Nhà nước đã cho 4 trường thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam muốn có hàng trăm trường như thế để có cơ hội phát triển theo mục tiêu của mình. Nhà nước chỉ cấp ngân sách cho những trường mà người dân không làm như  Quân đội, Công an, Chính trị.

Các trường được tự chủ hoàn toàn về tài chính đồng nghĩa với học phí cao, liệu người nghèo có tiền đi học không, thưa ông?

- Khi các trường được tự chủ, kinh phí Nhà nước cấp sẽ chuyển cho người đi học. Lâu nay, có đến 80% học sinh lớp 12 tốt nghiệp vào các trường ĐH công, chỉ có 20% vào trường NCL. Tới đây, nếu có đến 60% trong số 80% trường công được tự chủ, Nhà nước sẽ dùng tiền cấp cho những đơn vị ấy để hỗ trợ HS nghèo. Ước tính cả nước chỉ có khoảng 20% người nghèo đi học, trừ bao cấp cho họ, vẫn còn đến 40%. Khi Hiệp hội ra đời, chúng tôi sẽ tư vấn cho Nhà nước chính sách hỗ trợ người nghèo đi học và xây dựng Quỹ Phát triển giáo dục.

Vậy còn việc mấy năm gần đây, nhiều trường ĐH công hạ điểm chuẩn xét tuyển ngang sàn, khiến trường NCL cạn nguồn tuyển, sẽ được Hiệp hội xử lý thế nào?

- Muốn các trường chất lượng, Bộ GD&ĐT phải giao chỉ tiêu một cách công bằng. Ngoài việc dựa trên điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, cần căn cứ vào nhu cầu xã hội. Hay nói cách khác, lâu nay chúng ta đề ra mức điểm sàn là không cần thiết. Hãy tổ chức thi tốt nghiệp nghiêm túc, ai đỗ có quyền đi học ĐH. Ở nhiều nước, nguyên tắc tuyển sinh ĐH là mở rộng đầu vào và thắt chặt đầu ra, có sàng lọc trong quá trình đào tạo. 

Với nước ta, mỗi năm có hơn 1 triệu học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT, chỉ cho 700 ngàn em đỗ là vừa. Những em ấy có quyền được học ĐH, CĐ thì hơn 400 trường không thiếu nguồn tuyển. Hơn nữa, khi các trường được tự chủ tài chính, sinh viên học trường nào cũng phải đóng học phí, sẽ đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa trường công và NCL. Như thế, chỉ những trường nào có chất lượng mới được học sinh lựa chọn. 

Vậy, Hiệp hội có vai trò và chức năng như thế nào, thưa ông?

- Thứ nhất, Hiệp hội sẽ tư vấn các chính sách cho Nhà nước. Chính sách đầu tiên là tăng cường tự chủ cho các trường, trong đó đẩy mạnh tự chủ về tài chính. Thứ hai là thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng độc lập, từng bước xúc tiến kiểm định chất lượng. Thứ ba, Hiệp hội sẽ tổ chức cho các nhóm trường có ngành nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp, tài chính, kinh tế - dịch vụ, y - dược, quốc phòng, nghệ thuật… được giao lưu, trao đổi, bồi dưỡng nghiệp vụ để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Xin cảm ơn ông!.

Theo Thủy Trúc/KTĐT


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...