Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đường đến trường gần hơn

Cập nhật: 10:16 ngày 04/01/2017
(BGĐT) - Nghị quyết số 40/2016 của HĐND tỉnh Bắc Giang về hỗ trợ học sinh, trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh có hiệu lực từ ngày 20-12-2016. Chính sách này là "điểm tựa" giúp trẻ em ở thôn, xã có địa hình cách trở vơi bớt nhọc nhằn khi đến trường, đồng thời nhờ đó các nhà trường tổ chức tốt hơn bữa ăn bán trú.
{keywords}
Trường THPT Sơn Động số 1 có nhiều học sinh ở vùng đặc biệt  khó khăn được hỗ trợ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.  Ảnh: Đỗ Quyên

Vơi bớt khó khăn

Con đường hằng ngày đến Trường THPT Lục Ngạn số 3 của em Vi Thị Hiệp, thôn Tòng Lệnh 1, xã Trường Giang (Lục Nam) dài khoảng 5 km nhưng bị ngăn cách bởi sông Lục Nam. "Mùa mưa đến, nước trên thượng nguồn đổ về nên nhiều hôm em và hàng chục bạn cùng trường phải nghỉ học"- Hiệp kể. Là con cả trong gia đình có ba chị em, bố mẹ làm nông nghiệp, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên Hiệp được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí thuê nhà, tiền ăn và 15 kg gạo mỗi tháng giúp cả nhà vơi bớt nỗi lo. 

Toàn tỉnh có 43 thôn và 18 trường có học sinh được thụ hưởng chính sách. Mỗi năm, các em sẽ được cấp gạo, tiền ăn, tiền thuê nhà trong 9 tháng. 4 trường phổ thông dân tộc bán trú và 3 trường THPT có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh được cấp kinh phí hỗ trợ chi trả cho nhân viên phục vụ. Mức hỗ trợ với nhân viên phục vụ bằng 135% mức lương cơ sở/tháng/30 học sinh.

Để thuận tiện cho việc học tập, thời gian qua, nhiều học sinh ở Trường THPT Sơn Động số 1 sinh sống ở những thôn, bản vùng sâu, giao thông khó khăn, không thể đi về trong ngày phải thuê nhà trọ. Theo Nghị quyết 40 của HĐND tỉnh, năm học này, các em sẽ được hỗ trợ chi phí thuê nhà, tiền ăn và 15 kg gạo/tháng. Thầy Nguyễn Đức Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Động số 1 chia sẻ: "Qua rà soát, trường có khoảng 300 học sinh hộ khẩu ở những thôn, xã đặc biệt khó khăn. Để đến trường, các em phải qua suối, đèo, vùng sạt lở đất đá rất nguy hiểm. Khi ở trọ, đường đến trường sẽ gần hơn nhưng phát sinh thêm chi phí. Bởi vậy, sự hỗ trợ thiết thực từ các chính sách là món quà quý giá, giúp các em yên tâm học tập, rèn luyện".    

Từ năm học 2016-2017, các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú cũng được ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí trả cho nhân viên phục vụ. Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Sơn Hải (Lục Ngạn) có 355 học sinh, trong đó 204 em sinh sống ở khu vực lòng hồ Cấm Sơn. Do đi lại không thuận tiện nên các em ở bán trú tại trường từ thứ hai đến thứ bảy. Trường thuê 5 nhân viên cấp dưỡng, tổ chức 3 bữa ăn/ngày với 7 nghìn đồng/suất. Từ nguồn tiết kiệm chi và phụ huynh đóng góp, mỗi tháng, Ban giám hiệu nhà trường trả lương cho nhân viên cấp dưỡng khoảng 3 triệu đồng/người. Thầy Diêm Công Quyền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Đa số gia đình học sinh đều thuộc hộ nghèo, cận nghèo nên những năm trước, khó khăn lắm chúng tôi mới bố trí đủ kinh phí trả nhân viên. Nghị quyết ban hành kịp thời tháo gỡ khó khăn cho trường, đồng thời động viên họ tăng trách nhiệm, gắn bó với công việc". 

Đưa chính sách vào cuộc sống

Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác phát triển giáo dục và đào tạo (GD& ĐT) vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Từ ngân sách T.Ư và tỉnh, học sinh là người dân tộc thiểu số sinh sống ở thôn, bản đặc biệt khó khăn được miễn giảm chi phí học tập, hỗ trợ sách vở, tiền ăn, gạo, tiền thuê nhà hằng tháng. Theo tổng hợp của Phòng Kế hoạch- Tài chính (Sở GD& ĐT), giai đoạn 2011- 2015, cơ quan chức năng đã phối hợp với các địa phương hỗ trợ hơn 272 tỷ đồng và 921 tấn gạo cho học sinh dân tộc thiểu số có hộ khẩu ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn. 

{keywords}

Hằng ngày, nhiều học sinh xã Trường Giang (Lục Nam) phải qua cầu phao đến Trường THPT Lục Ngạn số 3 học tập.

Không chỉ hỗ trợ về ăn, ở cho học sinh, thời gian qua, cơ sở vật chất các nhà trường cũng liên tục được củng cố. Chỉ riêng thực hiện Nghị quyết số 28/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định về mức hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất bậc học mầm non, năm 2015 và 2016, toàn tỉnh xây mới 160 phòng học với mức hỗ trợ 250 triệu đồng/phòng và nguồn đối ứng. Nhờ đó đã khắc phục tình trạng thiếu phòng học ở nhiều nơi trong tỉnh, nhất là các xã khó khăn, vùng dân tộc, miền núi. 

Bà Lê Thị Huyền, Phó Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội (HĐND tỉnh) cho biết: "Qua giám sát cho thấy các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với học sinh dân tộc, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn được thực hiện khá đầy đủ, kịp thời. Nhờ vậy đã động viên được nhiều gia đình cho con em đến trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học".

Để chính sách của tỉnh sớm đến với học sinh và các trường, theo Phó Giám đốc Sở GD& ĐT Nguyễn Văn Thêm, Sở đã có văn bản đôn đốc các trường, địa phương báo cáo danh sách. Dự kiến, việc cấp kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết 40 sẽ được triển khai ngay trong tháng 1-2017.

Hải Vân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...