Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Triển khai hiệu quả thi THPT quốc gia và sắp xếp đội ngũ giáo viên hợp lý

Cập nhật: 15:10 ngày 15/01/2017
Ngày 14-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tổ chức sơ kết học kỳ I năm học 2016-2017 khối các sở GD và ĐT. Nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm được được ra thảo luận, đánh giá; nhất là các vấn đề về kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 và công tác sắp xếp đội ngũ nhà giáo.

{keywords}
Quang cảnh cuộc họp.

Chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia

Theo Bộ GD và ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan với hầu hết các bài thi (trừ môn Ngữ văn). Mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng. Kết quả làm bài của thí sinh được chấm bằng máy quét với phần mềm máy tính. Phương thức thi của năm 2017 được xem như hàng rào kỹ thuật bảo đảm kết quả kỳ thi tin cậy hơn, loại trừ phần lớn tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình coi thi, chấm thi.

Đáng chú ý, ma trận đề thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã được xây dựng phù hợp với hình thức thi theo bài đã công bố trong phương án thi, theo hướng tiếp tục thực hiện đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn; bảo đảm phân hóa kết quả thi để vừa đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa dùng để xét tuyển sinh ĐH, CĐ.

Mặc dù có nhiều ưu điểm, tuy nhiên tại hội nghị, nhiều ý kiến của các địa phương vẫn tỏ rõ sự lo lắng trong đổi mới thi. Giám đốc Sở GD và ĐT Đà Nẵng, Nguyễn Đình Vĩnh cho rằng, Bộ GD và ĐT đã chuẩn bị khá kỹ càng về lộ trình, phương án, đề thi minh họa... Tuy nhiên, với năm bài thi theo quy định bị “dồn” vào hai ngày là chưa hợp lý. Nhất là ngày đầu tiên thi tới ba bài thi thì quá sức cho học sinh. “Ít nhất với năm bài thi phải thi trong 2,5 ngày và có sự phân bố các môn thích hợp. Trong đó buổi sáng ngày đầu tiên có thể thi Ngữ văn thì chiều thi Khoa học tự nhiên; ngày thứ hai thi môn Toán buổi sáng, chiều thi Ngoại ngữ; ngày thứ ba thi Khoa học xã hội. Việc sắp xếp thi trong 2,5 ngày sẽ hợp lý vì bài thi Khoa học xã hội kiến thức ở nhiều môn còn thi “dồn” như cách sắp xếp của Bộ là chưa hợp lý” - ông Vĩnh đề nghị. Ngoài ra, Bộ GD và ĐT cần công bố đề thi mẫu để thí sinh, phụ huynh, giáo viên yên tâm. 

Trong khi đó, Giám đốc Sở GD và ĐT Nghệ An Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, phương thức, cách thức, nội dung đổi mới thi là hợp lý. Bộ GD và ĐT sớm tổ chức các khâu liên quan đến ngân hàng đề thi, hướng dẫn nhưng cần triển khai việc tập huấn kỹ càng.

Theo Bộ GD và ĐT từ tháng 10 đến tháng 12-2016, đã tổ chức 10 đợt biên soạn câu hỏi thô tại 10 điểm trên toàn quốc; lựa chọn, huy động giáo viên THPT giỏi của tất cả 63 tỉnh, thành, các giảng viên ĐH có chuyên môn tốt, nắm vững chương trình THPT có nhiều kinh nghiệm thi kiểm tra đánh giá và có ý thức trách nhiệm cao, thực hiện nghiêm túc các quy định bảo mật tham gia viết câu hỏi. Dữ liệu câu hỏi thô, sản phẩm của các đợt biên soạn này được chuyển về Hà Nội để biên tập, thẩm định và thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình xây dựng Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa. Bộ đã tổ chức tập huấn cho hơn 3.000 giáo viên cốt cán của các sở GD và ĐT và 10 trường ĐHSP về hướng dẫn việc xây dựng ma trận, ra đề kiểm tra, đánh giá theo hình thức trắc nghiệm khách quan, phù hợp theo quy trình ra đề chuẩn hóa và đang tiếp tục hỗ trợ việc tập huấn của các địa phương thông qua trang mạng “Trường học kết nối”...

Theo Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh, để kỳ thi THPT quốc gia 2017 diễn ra thuận lợi, các địa phương cần chỉ đạo các trường học bám sát nhiệm vụ dạy học theo yêu cầu, tuyệt đối không được cắt xén nội dung chương trình. Đáng chú ý, các sở GD và ĐT cần hình thành đội ngũ các chuyên gia phục vụ cho quá trình làm thi để triển khai quy chế, bảo đảm chuẩn xác ngay từ khi thí sinh đăng ký, tránh sai sót; sớm xây dựng sơ đồ điểm thi làm sao có lợi nhất cho thí sinh...

Lo lắng giáo viên “chéo tay nghề”

Cùng với công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cũng gây nên nhiều băn khoăn. Đánh giá của Bộ GD và ĐT cho thấy, cả nước có khoảng 1,2 triệu giáo viên mầm non và phổ thông. Tuy nhiên, việc thi tuyển viên chức ngành giáo dục một số nơi không đúng quy định, thậm chí còn có dấu hiệu tiêu cực. Vấn đề ký hợp đồng và chấm dứt hợp đồng lao động với hàng loạt giáo viên; giáo viên đã được tuyển dụng nhưng đi làm một năm không được hưởng lương; luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm; vấn đề đánh giá giáo viên... đã và đang gây nhiều bức xúc cho các thầy cô giáo và xã hội. Điển hình như ở: Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau. Đáng chú ý tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương. Hiện nay, tổng số giáo viên công lập dôi dư là 26.750 người (trong đó, tiểu học: 3.194, trung học cơ sở: 21.005, trung học phổ thông: 2.551). Một số tỉnh có số lượng dôi dư giáo viên THCS nhiều như: Thái Bình: 1.224, Phú Thọ: 1.191, Thanh Hóa: 2.188, Nghệ An: 1.742, Quảng Nam: 1.096. Ở chiều ngược lại số giáo viên công lập còn thiếu là 45.058 người (trong đó, mầm non: 32.641, tiểu học: 7.824, THCS: 2.799, THPT: 1.794). Các tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non như: Sơn La: 1.040, Bắc Giang: 1.921, Thái Bình:1.500, Thanh Hóa: 1.405, Nghệ An: 3.328, TP Hồ Chí Minh: 1.195, đối với tiểu học một số tỉnh thiếu nhiều như TP Hà Nội: 2.696, Sơn La: 1.133, Gia Lai: 1.196.

Đáng chú ý, cách thức xử lý tình trạng thừa thiếu giáo viên ở nhiều địa phương còn bất cập. Nhất là giáo viên dôi dư ở cấp THCS và THPT được chuyển xuống dạy cấp học mầm non, tiểu học mà chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn đúng với cấp học, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Lý giải về việc bố trí giáo viên dôi dư dạy “chéo tay”, từ THCS xuống dạy mầm non, Giám đốc Sở GD và ĐT Nghệ An, Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, việc đưa giáo viên THCS dôi dư xuống dạy mầm non là giải pháp tình thế bất đắc dĩ. Tại Nghệ An đã triển khai việc này được hai năm vì có nhiều giáo viên hợp đồng 12-13 năm mà các cơ chế chính sách không được bảo đảm. Vì vậy, việc chuyển những giáo viên dôi dư xuống dạy mầm non sẽ bảo đảm được đầy đủ các quyền lợi, cơ chế, chính sách đối với các thầy, cô giáo. Mặt khác, những giáo viên dôi dư phải điều chuyển dạy mầm non sẽ chỉ là giáo viên thứ 2 trong lớp còn giáo viên thứ nhất vẫn phải bảo đảm đúng chuẩn giáo viên mầm non.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở GD và ĐT Thái Bình Đặng Phương Bắc lại cho rằng, việc đưa giáo viên THCS xuống dạy mầm non là không thích hợp. Tại Thái Bình với số lượng khoảng 24 nghìn giáo viên các cấp dù đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ các cấp học nhưng đối với mầm non còn thiếu, THCS lại dôi dư khoảng hơn một nghìn giáo viên. Mặc dù vậy, địa phương xử lý bằng giải pháp điều chuyển cùng bậc dạy học. Thí dụ, giáo viên văn dôi dư dưới 45 tuổi sẽ được chuyển sang trường cao đẳng sư phạm đào tạo dạy môn giáo dục công dân, địa lý... là các môn học còn thiếu; giáo viên môn Toán dôi dư có thể được cử đi học để sắp xếp dạy sinh, tin học... Đối với những giáo viên cao tuổi sẽ bố trí làm công tác thiết bị thí nghiệm... của chính cấp học THCS. “Giáo viên dạy mầm non điều đầu tiên là phải biết dỗ dành, chăm nuôi rồi mới dạy bảo trẻ. Những kỹ năng như vậy thì giáo viên THCS không có được cho nên việc điều chuyển giáo viên THCS xuống mầm non là không hợp lý” - ông Bắc nhìn nhận.

Theo Bộ GD và ĐT, việc các địa phương điều chuyển giáo viên THCS, THPT dạy tiểu học và mầm non khi chưa được đào tạo, bồi dưỡng đạt tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học theo quy định ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Vì vậy, Bộ GD và ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành giáo dục như quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục; về chế độ làm việc của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; các chuẩn nghề nghiệp giáo viên, giảng viên, chuẩn hiệu trưởng, cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Các địa phương cần rà soát số lượng giáo viên THCS, THPT dư dôi của địa phương đang được điều chuyển dạy mầm non và tiểu học nhưng chưa được đào tạo đạt chuẩn; xác định nhu cầu và xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí, phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên được Bộ GD và ĐT giao nhiệm vụ triển khai đào tạo lại số giáo viên này đạt trình độ theo quy định.

Để thực hiện nhiệm vụ đổi mới kỳ thi THPT quốc gia, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục; Vụ Giáo dục Trung học cần phối hợp các vụ, cục liên quan xây dựng các hướng dẫn chi tiết cả về kế hoạch cũng như nội dung từng công việc, nghiệp vụ để giám đốc các sở GD và ĐT nắm được và triển khai; tránh tình trạng không rõ dẫn đến sai lệch. Các sở cần quán triệt tinh thần đổi mới kỳ thi THPT quốc gia đến cơ sở giáo dục để làm sao kỳ thi thực hiện theo đúng mục đích khách quan, công bằng, gọn nhẹ, hiệu quả.

Năm 2017, trọng tâm bồi dưỡng cán bộ quản lý, trước hết là cấp giám đốc sở và phó giám đốc sở. Khi đội ngũ quản lý được quan tâm bồi dưỡng được tiếp cận với những thông tin, kinh nghiệm quản lý, hiệu quả điều hành sẽ cao hơn. Mặt khác, chất lượng giáo viên quyết định chất lượng giáo dục cho nên giải quyết thừa thiếu cân đối giáo viên, cần có lộ trình thích hợp gắn với chuyển đổi chương trình, sách giáo khoa mới, điều kiện trường lớp, thiết bị kèm theo, để dự báo cho chính quyền địa phương trong thời gian tới để có kế hoạch đầu tư.

(Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ)


Theo Nhân dân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...