Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giáo dục mũi nhọn Yên Dũng vươn tốp đầu tỉnh

Cập nhật: 09:51 ngày 20/01/2017
(BGĐT) - Bằng việc đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng, kinh nghiệm cho đội ngũ giáo viên, giáo dục mũi nhọn Yên Dũng đã bứt phá vươn lên tốp đầu tỉnh Bắc Giang.
{keywords}

Giờ học theo phương pháp chia nhóm, tự học, tự nghiên cứu, thảo luận của học sinh Trường THCS thị trấn Neo.

Những năm học gần đây, ngoài tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, huyện còn chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên tâm huyết, giỏi nghề, lựa chọn luân chuyển những giáo viên có chuyên môn tốt, trách nhiệm cao về phụ trách bồi dưỡng học sinh giỏi tại trường trọng điểm chất lượng của huyện và một số trường có bề dày truyền thống khác. 

Phòng GD& ĐT huyện tổ chức nhiều đợt bồi dưỡng, giao lưu, trao đổi nghiệp vụ với các trường học trong tỉnh, mời giáo viên giỏi của một số trường chuyên ngoài tỉnh trực tiếp về hỗ trợ giáo viên của huyện trong công tác bồi dưỡng chuyên môn và đội tuyển học sinh giỏi dự thi cấp tỉnh, quốc gia. 

Cùng đó, coi trọng và khuyến khích giáo viên tham gia nghiên cứu đề tài khoa học, phát triển, mở rộng nhiều phương pháp dạy mới. Các trường học trên địa bàn huyện chú trọng phát hiện, lựa chọn học sinh, tổ chức tập huấn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các đội tuyển học sinh giỏi nhằm hướng đến những sân chơi trí tuệ trong huyện, trong tỉnh.

Trường THCS thị trấn Neo được xác định là trường trọng điểm chất lượng. Do vậy Ban giám hiệu luôn động viên, khuyến khích giáo viên áp dụng những phương pháp mới, hiệu quả trong quá trình giảng dạy nói chung, bồi dưỡng học sinh giỏi nói riêng. 

Cô giáo Ninh Thị Thiềng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Phương châm chung là tạo hứng thú học tập, phát huy tốt tính tích cực, độc lập nghiên cứu; tăng cường khả năng tự học, tự rèn của mỗi học sinh; tổ chức hiệu quả hoạt động nhóm bồi dưỡng học sinh giỏi”. Hai năm học gần đây, để đáp ứng yêu cầu cấp trên giao, trường được tạo điều kiện bổ sung 15 thầy, cô giáo tâm huyết, giàu kinh nghiệm tham gia giảng dạy tại các lớp chất lượng cao và bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp. 

Đáng chú ý, nhà trường mạnh dạn nhờ chuyên gia bồi dưỡng học sinh giỏi của trường Đại học Sư phạm Hà Nội trực tiếp lên lớp, kết hợp giao lưu chuyên môn với một số trường nổi tiếng của tỉnh Bắc Ninh và Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội)… Số lượng 878 giải từ cấp huyện đến cấp quốc gia do các em học sinh đạt được trong những năm qua đã đưa nhà trường trở thành đơn vị dẫn đầu toàn huyện về giáo dục mũi nhọn, đồng thời khẳng định hướng đi đúng nhà trường đã và đang thực hiện.

Được sự quan tâm, đầu tư của chính quyền địa phương, nhiều trường học khác cũng tạo được dấu ấn tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Có thể kể tới Trường Tiểu học thị trấn Tân Dân có học sinh đạt giải Nhất quốc gia giải Toán qua mạng lớp 4; Trường THCS Xuân Phú có học sinh Nhất tỉnh môn Sinh học lớp 9; giải Nhất tỉnh môn Ngữ văn lớp 8 thuộc về Trường THCS Tiến Dũng… Ba năm học gần đây, huyện Yên Dũng đều giành số lượng lớn giải thưởng tại các kỳ thi, trong đó năm học 2015-2016 được coi là mùa "vàng”. Ở cuộc thi học sinh giỏi các cấp, vùng đất có truyền thống hiếu học này xếp thứ 3/10 toàn tỉnh. 

Cụ thể, ở cấp quốc gia, toàn huyện giành 47 giải (tăng 33 giải so với năm học trước). Tại cấp tỉnh, số lượng giải tăng gấp hai lần với 319 giải. Đáng chú ý, giải thưởng phân bổ khá đồng đều tại các nội dung, từ thi học sinh giỏi văn hóa cho đến thi sáng tạo kỹ thuật, vận dụng kiến thức liên môn, trình diễn nghi thức đội, chinh phục vũ môn hoặc thể dục thể thao.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Lượng, Trưởng phòng GD& ĐT huyện được biết: Từ kết quả có tính bứt phá trong những năm qua, năm học 2016-2017, ngành giáo dục huyện tập trung tham mưu với lãnh đạo huyện đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao để tạo môi trường học tập tốt nhất cho thầy và trò các lớp trọng điểm. Có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp cũng như tuyên dương, khen thưởng kịp thời giáo viên, học sinh đạt thành tích cao tại các kỳ thi. 

Ngoài ra, cử lãnh đạo, chuyên viên thường xuyên dự giờ, rút kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cán bộ quản lý và giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi; chủ động trong công tác tạo nguồn giáo viên và học sinh giỏi…

Tùng Chi

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...