Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phụ huynh và học sinh chưa yên tâm về kỳ thi THPT quốc gia

Cập nhật: 10:05 ngày 02/02/2017
Dù Quy chế thi THPT quốc gia, xét tuyển tốt nghiệp năm 2017 và tuyển sinh chính quy trình độ đại học, cao đẳng năm 2017 vừa được ban hành theo hướng có lợi cho học sinh thì nhiều phụ huynh và học sinh vẫn chưa thể yên tâm khi thời điểm này Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vẫn chưa quyết được thời gian thi tốt nghiệp và việc giữ lại điểm sàn trong tuyển sinh đại học đang gây tranh cãi ngay cả với các chuyên gia trong ngành giáo dục.

{keywords}
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016 tại Hà Nội. Ảnh: Trần Vương

Thí sinh được chọn bài thi tự chọn cao hơn để xét tốt nghiệp

Theo quy chế chính thức kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ tổ chức thi theo 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (KHTN) (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học), Khoa học Xã hội (KHXH) (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT). 

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp. Thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.

Các thí sinh tự do phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH, CĐ.

Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho hay: “Nội dung thi của năm 2017 nằm trong chương trình lớp 12 THPT. Thí sinh được lựa chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp để tăng cơ hội xét tuyển vào ĐH. Điểm bài thi nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét tốt nghiệp. Một điểm mới nữa trong tuyển sinh năm nay là thí sinh được đăng ký xét tuyển (ĐKXT) không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Trong đợt 1, đối với từng trường, ngành thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Đối với mỗi thí sinh, nếu đăng ký vào nhiều trường/ngành thì xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng. Thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký”.

Tuyển sinh 2017 chưa bỏ điểm sàn

Khác với dự thảo công bố trước đó, theo quy chế mới ban hành, năm 2017 Bộ GDĐT vẫn sẽ quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) căn cứ trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia để các trường xây dựng phương án xét tuyển. Theo lý giải của Bộ GDĐT, điều này nhằm bảo đảm việc tuyển sinh không xảy ra tình trạng quá lộn xộn, không để xảy ra việc tuyển sinh ồ ạt và việc lùi thời gian lại là để các trường có thời gian chuẩn bị kỹ càng hơn trong đề án tuyển sinh.

“Từ năm 2018 trở đi, khi các trường đã công khai đầy đủ và chuẩn xác các thông tin theo quy định thì mỗi trường tự xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) cho trường mình. Theo quy chế mới ban hành, các trường phải xây dựng đề án tuyển sinh báo cáo Bộ GDĐT, trong đó cung cấp đầy đủ thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng: Cơ sở vật chất (phòng học, phòng thực hành/thí nghiệm và các trang thiết bị chính yếu, học liệu), đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo cùng một số thông tin quan trọng khác như tổng chi phí để đào tạo 1 sinh viên/năm, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất so với năm tuyển sinh (theo nhóm ngành). Những trường không công khai đầy đủ các thông tin theo quy định này thì không được thông báo tuyển sinh. Bộ GDĐT sẽ tổ chức thẩm định độc lập việc kê khai thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng của các trường. Nếu phát hiện kê khai thông tin không đúng sẽ quyết định dừng tuyển sinh đối với các ngành và nhóm ngành liên quan” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Hóa - Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Thương Mại: “Giải pháp về việc giữ điểm sàn trong tuyển sinh năm 2017 vẫn còn có ý nghĩa. Hiện nay trong giai đoạn tạm thời thì điều này vẫn còn cần thiết, khiến phụ huynh và xã hội yên tâm hơn về hành lang bảo đảm chất lượng đầu vào đại học. Tuy nhiên, về lâu dài khi các trường bảo đảm chất lượng đào tạo và nâng cao khả năng tự chủ đại học, điểm sàn không còn nhiều ý nghĩa thì ta cũng có thể không còn cần nữa”.

Gấp rút chuẩn bị các phương án thi, tuyển sinh

Về ngày thi chưa được công bố trong quy chế thi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay, việc này sẽ không gây ảnh hưởng gì tới quá trình học tập, ôn luyện của học sinh. Ông Ga nói: “Lịch thi của kỳ thi THPT quốc gia sẽ được công bố trong kế hoạch, hướng dẫn tổ chức thi của Bộ GDĐT vào khoảng giữa tháng 2 tới. Bộ sẽ cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng để sắp xếp và tổ chức lịch thi sao cho phù hợp và có lợi nhất cho thí sinh theo hướng giảm áp lực và gánh nặng cho việc thi cử. Hiện nay, Bộ GDĐT cũng đã công bố các đề thi thử nghiệm để thí sinh làm quen với dạng đề và cách thức thi”.

Theo PGS-TS Trần Xuân Nhĩ (Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ) thì Bộ GDĐT nên sớm bỏ điểm sàn trong xét tuyển ĐH vì điều này không có nhiều ý nghĩa và như vậy mới thật sự theo hướng có lợi hơn cho thí sinh. Mặt khác bộ cũng cần phải nghiêm khắc xử lý trong trường hợp các trường tuyển sinh ồ ạt, vượt chỉ tiêu theo quy định “vớt” hết thí sinh của các trường “top dưới”. Bên cạnh đó các trường cũng cần phải tăng cường công tác bảo đảm chất lượng đào tạo để tạo nên uy tín của mình trong xã hội. Hiện nay kỳ thi cũng sắp tới gần nên các công tác, kế hoạch chuẩn bị cho kỳ thi nên được hoàn thành sớm để thí sinh và phụ huynh nắm bắt và chủ động trong việc ôn tập để đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi này. 

Theo Lao động

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...