Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bắc Giang: Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non

Cập nhật: 11:14 ngày 24/03/2017
(BGĐT) - Vài năm gần đây, số trẻ đến tuổi ra lớp tăng cao trong khi số lượng giáo viên (GV) mầm non trong biên chế chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Bắc Giang đang phối hợp với các ngành, địa phương tìm giải pháp bổ sung đội ngũ, duy trì chất lượng ở bậc học này. 

{keywords}

Mô hình trường mầm non tư thục hình thành góp phần giảm gánh nặng cho Nhà nước. Ảnh: Cô và trò Trường Mầm non Tư thục Như Nguyệt, xã Quang Châu (Việt Yên).

Áp lực quá tải

Một ngày làm việc của cô giáo Phạm Thị Thêm, Trường Mầm non Đoan Bái số 1 (Hiệp Hòa) bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc khi trời nhá nhem tối. Cô được giao phụ trách lớp có 47 trẻ 5 tuổi. “Công việc hằng ngày vừa dạy vừa dỗ trẻ, chúng tôi luôn cố gắng song lớp đông chỉ có một GV phải xoay xở mọi việc nên khó có thể quan tâm cặn kẽ từng cháu mỗi ngày”- cô bày tỏ.

Là địa bàn có nhiều công nhân ở nơi khác đến làm việc nên những năm gần đây, tỷ lệ trẻ đến trường tại xã Đoan Bái tăng nhanh. Năm nay, từ kinh phí chương trình xây dựng nông thôn mới, Trường được xây thêm 2 phòng học nhưng lại không được bổ sung nhân lực, nhiều lớp chỉ có một GV nên luôn quá tải. Cô giáo Hà Thị Vân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Tình trạng này diễn ra đã mấy năm nay, chúng tôi mong sớm được bổ sung biên chế để GV đỡ vất vả, chất lượng giáo dục theo kịp với các trường khác trên địa bàn huyện". 

Một số địa phương có tỷ lệ GV/lớp thấp dưới mức bình quân toàn tỉnh (1,44GV/lớp) như: Hiệp Hòa 1,32 GV/lớp; Tân Yên 1,38 GV/lớp; Lạng Giang 1,41 GV/lớp... Dự báo đến năm 2018, toàn tỉnh thiếu hơn 1,3 nghìn GV mầm non.

Thời gian qua, số trẻ mầm non ra lớp liên tục tăng, nhất là ở ven khu, cụm công nghiệp, trung tâm các huyện, TP nên các địa phương phải xây dựng thêm cơ sở vật chất. Ở một số huyện miền núi, vùng cao hình thành các điểm lẻ nằm phân tán, rải rác ở thôn, bản. Gia tăng lớp học kéo theo nhu cầu bổ sung GV. 

Thống kê của ngành chức năng, năm học này, toàn tỉnh có 278 trường mầm non, 3,9 nghìn nhóm lớp (cả nhóm trẻ và lớp mẫu giáo) với hơn 117 nghìn trẻ đến trường. Số trẻ có xu hướng tăng dần từ vài nghìn đến chục nghìn cháu mỗi năm. Trong khi đó, tỷ lệ bình quân GV/lớp chỉ đạt 1,44, chênh lệch quá lớn so với quy định tại Thông tư 06/2015/TTLT- BDGĐT- BNV tối đa là 2,5 GV/nhóm trẻ và 2,2 GV/lớp mẫu giáo.

Ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Bắc Giang là tỉnh thứ 11 của toàn quốc được Bộ GD&ĐT công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Nhu cầu bổ sung đội ngũ GV rất lớn và cấp thiết song lại bị khống chế bởi các quy định về tinh giản biên chế. Nếu không sớm có giải pháp tháo gỡ vướng mắc đó, tỉnh sẽ khó giữ vững chất lượng”.

Cần bổ sung đội ngũ 

Trong khi GV trong biên chế ở bậc học mầm non thiếu thì ở bậc THCS đang thừa hơn 100 GV âm nhạc, mỹ thuật. Để tránh lãng phí nhân lực, tại buổi làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải sáng 22-3, Sở GD&ĐT kiến nghị và được nhất trí triển khai phương án đào tạo lại, bồi dưỡng và điều chuyển số GV này xuống dạy bậc học mầm non. Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo khi thực hiện, ngành cần xây dựng kế hoạch cụ thể, không nóng vội, chú ý tuyên truyền, giải thích để GV trong diện luân chuyển đồng thuận, chia sẻ với khó khăn chung của ngành, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong môi trường công tác mới. 

Thiếu giáo viên mầm non không chỉ ở riêng Bắc Giang mà diễn ra ở nhiều tỉnh, TP khác. Mới đây, tỉnh Thanh Hóa đột ngột quyết định luân chuyển GV phổ thông dư thừa xuống dạy mầm non đã phát sinh một số vấn đề phức tạp. Bởi vậy, để nhân dân đồng tình ủng hộ chủ trương này, nhiều ý kiến cho rằng việc luân chuyển cần cân nhắc, thận trọng, đi đôi với đào tạo lại phải bảo đảm chế độ chính sách hợp lý để GV yên tâm gắn bó công việc. Thực tế cho thấy, tại nhiều địa phương trong tỉnh, bên cạnh những nơi đông học sinh do tập trung nhiều dân cư vẫn còn nhiều khu lẻ có sĩ số lớp thấp. Do vậy, các địa phương nên quan tâm bổ sung cơ sở vật chất cho các điểm trường chính, dồn ghép điểm lẻ, góp phần khắc phục tình trạng thiếu GV. 

Những năm qua, hàng nghìn sinh viên là người Bắc Giang tốt nghiệp khoa mầm non các trường sư phạm trong và ngoài tỉnh. Riêng Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang trung bình có khoảng 150 sinh viên khoa mầm non ra trường mỗi năm nhưng chỉ có số ít được tuyển dụng vào biên chế, lãng phí không nhỏ nguồn nhân lực đã qua đào tạo. Ngày 17-4-2015, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nghị quyết nêu rõ: “Đối với lĩnh vực GD&ĐT, thành lập mới trường, tăng lớp, tăng học sinh... có thể bổ sung biên chế phù hợp nhưng phải quản lý chặt chẽ”. 

Theo đó, ngành giáo dục tiếp tục tham mưu với tỉnh phương án bổ sung GV. Đối với trẻ mẫu giáo dưới 36 tháng tuổi khuyến khích tư nhân đầu tư xây dựng trường, lớp tư thục, hình thành các nhóm trẻ ở cộng đồng nhằm giảm tải cho khối trường công lập. Ngành giáo dục tích cực phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý chất lượng giáo dục ở mô hình trường tư thục. 

Có cơ chế thu hút phụ huynh đóng góp, tạo nguồn lực để chi trả kinh phí cho GV hợp đồng, chia sẻ khi ngân sách tỉnh khó khăn và việc tuyển dụng chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Khi triển khai hợp đồng với GV mầm non, ngành giáo dục phối hợp với ngành nội vụ, tài chính để nghiên cứu, tính toán mức lương GV hợp đồng phù hợp, bảo đảm tính công bằng, minh bạch khi thực hiện chính sách.

Hải Vân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...