Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sớm bố trí đủ nhân viên y tế cho các trường mầm non

Cập nhật: 09:21 ngày 17/04/2017
(BGĐT) - Trước yêu cầu chăm sóc sức khỏe và bảo đảm an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú ở trường mầm non, từ cuối năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các huyện, TP tiến hành rà soát, bố trí nhân viên y tế cho trường có tổ chức bếp ăn bán trú. 
{keywords}
Chị Nguyễn Thị Loan, nhân viên y tế Trường Mầm non Tân Mỹ (TP Bắc Giang) kiểm tra chiều cao của trẻ.

Thiếu nhân viên chuyên trách

Trường Mầm non Tân Thịnh (Lạng Giang) có hơn 650 trẻ với 11 nhóm lớp nhưng chỉ có 21 giáo viên. Lớp đông, thiếu giáo viên nên một ngày làm việc của các cô luôn tất bật vì quá tải. Cô Nguyễn Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng nhà trường đưa chúng tôi thăm các lớp rồi chia sẻ, trẻ dưới 6 tuổi sức đề kháng kém, thường đau ốm nên giáo viên phải chăm sóc thường xuyên. 

Những khi thời tiết chuyển mùa, trẻ bị ho, sốt hoặc xảy ra dịch bệnh đau mắt đỏ, thủy đậu... cả trường có hàng chục cháu bị lây nhiễm, giáo viên phải đưa sang Trạm Y tế khám hoặc gọi điện mời phụ huynh đến đón. Tuy trường có phòng y tế với một vài loại thuốc thông thường nhưng hầu như không sử dụng mà giao cho nhân viên kế toán quản lý. 

Toàn tỉnh có 276 trường mầm non, 100% các trường tổ chức bếp ăn bán trú cho trẻ. Thời gian qua, ở những nơi này chưa xảy ra vụ ngộ độc nào nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe học sinh nhưng cán bộ quản lý luôn lo lắng việc kiểm soát điều kiện bảo đảm vệ sinh phòng học, nơi chế biến thức ăn vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong khi họ không có nhân viên chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này. 

Trước thực trạng đó, ngày 9-12-2016, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu các huyện, TP rà soát, bố trí nhân viên y tế học đường cho các trường mầm non tổ chức bếp ăn bán trú. 

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, đến nay, các huyện, TP đã bố trí 141 nhân viên y tế từ bậc THCS hoặc tiểu học sang mầm non, đạt 51,1%. Tại TP Bắc Giang và huyện Sơn Động, 100% trường mầm non đã có nhân viên y tế; Yên Dũng 19/23; Lục Ngạn 23/32... Ở huyện Hiệp Hòa và Tân Yên, Chủ tịch UBND huyện điều động nhân viên y tế tiểu học kiêm thêm công việc ở bậc mầm non. Còn tại huyện Lạng Giang, đến ngày 12-4, toàn bộ 24 trường mầm non trên địa bàn vẫn trống vị trí này. Trong khi hầu hết các trường tiểu học, THCS, PTCS đều có nhân viên phụ trách công tác y tế. 

Ở một số địa phương khác, đa số trường THCS không tổ chức bếp ăn bán trú, nhân viên y tế không phải thực hiện chức năng giám sát an toàn thực phẩm nên nhiều nơi, ban giám hiệu giao cho họ phụ trách thêm công việc hành chính, quản lý thư viện, phòng thí nghiệm...  

Cần bảo đảm số lượng và chất lượng 

{keywords}

Công tác y tế trường học mầm non gồm nhiều nội dung quan trọng như: Kiểm tra sức khỏe, theo dõi sự phát triển thể lực cho trẻ (theo tháng, quý); sơ, cấp cứu ban đầu; tổ chức các hoạt động truyền thông; hướng dẫn, giám sát việc tổ chức bữa ăn an toàn, đủ chất dinh dưỡng... nên cần cán bộ có chuyên môn, được đào tạo mới có thể làm tốt vị trí này".


Bác sĩ Nguyễn Văn Ngữ, Khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Được biết, quá trình sắp xếp, bố trí ở một số nơi gặp khó khăn như: Nhân viên y tế đang ổn định, ngại luân chuyển; có trường muốn giữ nhân viên vì chưa phân công được người khác làm công việc như văn thư, tạp vụ... 

Ông Nguyễn Văn Tuyện, Trưởng phòng Nội vụ huyện Tân Yên cho hay, do ngân sách cấp theo chỉ tiêu biên chế được giao từ đầu năm nên khi nhân viên luân chuyển sang đơn vị mới gặp phải vướng mắc liên quan đến chi lương hằng tháng. Do vậy, ở huyện Tân Yên, dù nhân viên y tế được tăng cường, luân chuyển sang trường mầm non nhưng vẫn hưởng lương tại trường cũ - nơi có chỉ tiêu biên chế. 

Sau một thời gian công tác tại Trường THCS Đồng Sơn, tháng Ba vừa qua, chị Nguyễn Thị Loan luân chuyển về làm nhân viên y tế ở Trường Mầm non Tân Mỹ (TP Bắc Giang). Chị chia sẻ: “Sau khi nhận quyết định, tôi chủ động tìm hiểu công việc song không tránh khỏi khó khăn vì môi trường làm việc mới mẻ, đối tượng chăm sóc khác trước. Tôi mong muốn sẽ được bồi dưỡng thêm để nâng cao kiến thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Giải pháp điều động, luân chuyển đội ngũ nhân viên y tế trong biên chế từ THCS, tiểu học sang mầm non phù hợp với điều kiện thực tế khi ngân sách khó khăn và không được thêm biên chế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng vì chăm sóc trẻ mầm non là hoạt động đặc thù, diễn ra toàn bộ thời gian trong ngày nên đội ngũ nhân viên cần ổn định lâu dài và phải bảo đảm chất lượng chuyên môn. Do vậy, các địa phương kiến nghị với tỉnh có giải pháp như chuyển chỉ tiêu biên chế nhân viên y tế từ THCS hoặc tiểu học cho bậc mầm non để họ yên tâm công tác, cán bộ quản lý thuận tiện hơn trong việc giám sát, phân công nhiệm vụ. 

"Công tác y tế trường học mầm non gồm nhiều nội dung quan trọng như: Kiểm tra sức khỏe, theo dõi sự phát triển thể lực cho trẻ (theo tháng, quý); sơ, cấp cứu ban đầu; tổ chức các hoạt động truyền thông; hướng dẫn, giám sát việc tổ chức bữa ăn an toàn, đủ chất dinh dưỡng... nên cần cán bộ có chuyên môn, được đào tạo mới có thể làm tốt vị trí này"- bác sĩ Nguyễn Văn Ngữ, Khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết.

Hải Vân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...