Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 33 °C / 24 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Giáo dục
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Thành lập trường liên cấp: Giảm đầu mối, khai thác hiệu quả cơ sở vật chất

Cập nhật: 07:00 ngày 23/04/2017
(BGĐT) - Hiện nay, Sở Nội vụ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, TP đang rà soát, nghiên cứu xây dựng đề án thành lập trường liên cấp trên địa bàn một số xã. Để bảo đảm việc thành lập trường liên cấp mang lại hiệu quả phải khảo sát, đánh giá kỹ hiện trạng, dự báo chính xác về số lượng học sinh trong tương lai. 
{keywords}

Lớp 2A, Trường Tiểu học Thắng Cương (Yên Dũng) chỉ có 20 học sinh.

Trường rộng, ít học sinh

Trong khi nhiều trường học quá tải, chật chội thì ở một số địa phương rất ít học sinh. Trường Tiểu học Thắng Cương (Yên Dũng) có 159 em chia thành 6 lớp. Mỗi khối 1,3,4,5 chỉ có 1 lớp, từ 26 đến 33 em/lớp; khối 2 có 40 học sinh, chia thành 2 lớp. Trường được bố trí 15 cán bộ, giáo viên, trong đó có 2 cán bộ quản lý, 4 nhân viên hành chính. Theo quy định thì thừa 2 nhân viên hành chính. Cách trường tiểu học một bức tường là Trường THCS Thắng Cương vừa được xây dựng khang trang với nhiều phòng học, phòng chức năng, kinh phí hơn 2 tỷ đồng do ngân sách huyện cấp toàn bộ nhưng hiện chỉ có 4 lớp, mỗi lớp từ 25 đến 27 em. 

Tương tự, tại huyện Yên Thế, nhiều trường có số lượng học sinh/lớp thấp, ví dụ như tại các đơn vị thuộc xã Đồng Lạc, Phồn Xương, Tân Hiệp. Do ít học sinh nên việc huy động đóng góp hỗ trợ hoạt động giáo dục không đáng kể. Ở một số trường THCS đang tiến hành dạy học phân hóa theo nhóm đối tượng học sinh nhưng cả khối chỉ có 1 lớp nên áp dụng không hiệu quả. 

Môn tiếng Anh có nơi chỉ 1 giáo viên giảng dạy nên không có điều kiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, chậm đổi mới. Để bảo đảm đủ số tiết dạy/tuần theo quy định, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thế bố trí để giáo viên dạy thêm tiết ở những trường lân cận.

Các trường ít học sinh tập trung chủ yếu ở huyện Sơn Động, Yên Thế, ngoài ra rải rác ở huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lạng Giang... Ở những nơi này, cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như khả năng lao động, sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong công tác điều hành, tổ chức hoạt động giáo dục không được khai thác, phát huy hết.

Thận trọng từng bước

{keywords}

Việc ghép trường cùng cấp sẽ thuận lợi cho giáo viên khi trao đổi, sinh hoạt chuyên môn. Số lượng học sinh tăng giúp các trường làm tốt công tác phân hóa, sàng lọc, tập trung bồi dưỡng mũi nhọn cũng như có kế hoạch phù hợp dạy học sinh đại trà".


Ông Trịnh Quang Đạt, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thế.

Chủ trương thành lập liên trường của tỉnh nhằm tinh gọn, giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động. Dự kiến thời gian các huyện và TP hoàn thành đề án trước ngày 30-6 để tiến hành sắp xếp trong dịp hè và đưa vào hoạt động từ năm học tới. Đến nay, các sở: Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo đang tích cực hướng dẫn các địa phương tiến hành rà soát. Đối tượng sắp xếp là các trường quy mô nhỏ, dưới 10 lớp học. Giữa 2 trường nếu sáp nhập phải có khoảng cách di chuyển phù hợp, bảo đảm an toàn cho học sinh (theo từng vùng, khu vực địa lý). Tại huyện Yên Thế, nhận thấy chủ trương của tỉnh phù hợp với địa bàn một số xã, UBND huyện và các phòng chuyên môn đã nghiên cứu văn bản và thảo luận, trước mắt tập trung tuyên truyền để tạo sự đồng thuận từ cấp ủy, chính quyền và nhân dân các xã. 

Dự kiến trong tháng 5, cơ quan chuyên môn sẽ hoàn thành đề án trình Chủ tịch UBND huyện phê duyệt. Ông Trần Văn Đông, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ và tổ chức phi chính phủ (Sở Nội vụ) cho biết, các bước thực hiện cần tiến hành thận trọng, theo lộ trình, phấn đấu năm nay mỗi huyện, TP xây dựng ít nhất 1 trường học liên cấp hoặc đồng cấp. 

Thực tế ở một số địa phương đã có các trường liên cấp tiểu học và THCS. Nhiều nhất là huyện Sơn Động (5 trường), tiếp đó là các huyện: Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Hiệp Hòa. Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Động, bên cạnh trường liên cấp hoạt động ổn định, nền nếp thì vẫn có nơi người đứng đầu còn lúng túng trong quản lý, điều hành chuyên môn; quản lý tài chính, thu, chi các loại quỹ giữa 2 cấp học. Khâu tổ chức hoạt động giáo dục cũng còn một số bất cập. Đơn cử như 1 tiết học của học sinh THCS quy định 45 phút trong khi cấp tiểu học 30-35 phút/tiết nên có tình trạng các em nhỏ vui chơi trong khi học sinh lớp trên vẫn chưa hết giờ. 

Nhiều ý kiến của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh mong muốn quá trình xây dựng đề án cần được thông tin rộng rãi, công khai, tạo sự đồng thuận trong cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Đề án dự báo sát mức gia tăng dân số cơ học, gia tăng học sinh trong tương lai để bảo đảm mô hình mới hoạt động ổn định, lâu dài, phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực, cơ sở vật chất hiện có, nâng cao chất lượng giáo dục. Các trường ghép liên cấp có khoảng cách gần nhau, thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát, điều hành công việc cũng như hạn chế thấp nhất sự xáo trộn đối với học sinh.

Hải Vân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...