Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mua tương lai cho trẻ

Cập nhật: 20:32 ngày 27/05/2017
Tuần trước, tôi nhận được một lá thư tay, từ một phụ huynh ở nội thành Hà Nội. Anh chia sẻ điều khiến tôi lặng người. Con trai anh, khi học lớp 8 đã nói với bố “mua giải cho con để được cộng điểm khi thi vào lớp 10”. Có bạn trong lớp của cháu đã được phụ huynh mua giải thưởng. Quá nửa học sinh trong lớp khi vào lớp 9, đã thuộc diện được cộng điểm khuyến khích bởi có giải trong các cuộc thi văn hóa, nghệ thuật…

{keywords}
Ảnh minh hoạ Internet.

Tôi đọc lá thư ấy cho PGS Văn Như Cương. Ông chau mày. “Giáo dục như thế thì chết”. Thầy bảo, trước đây cũng có phụ huynh nói nhỏ với thầy rằng, họ chỉ cần bỏ vài triệu sẽ mua được các giải văn nghệ, thể thao.

Hai mùa tuyển sinh vừa qua, mỗi năm Trường Lương Thế Vinh, nơi thầy Cương làm Chủ tịch HĐQT, nhận được 4.000 hồ sơ, trong đó có 1.000 đạt điểm 10 tuyệt đối cả hai môn Toán, Tiếng Việt suốt 5 năm tiểu học. Cứ 10 hồ sơ sẽ có 3 thí sinh được giải trong các cuộc thi văn hóa, nghệ thuật, thể thao… từ cấp trường trở lên.

“Tôi hoảng quá”, thầy bảo suốt từ khi đi học, đến lúc đi dạy rồi làm quản lý trường, thầy không thấy học bạ nào được 10 điểm tuyệt đối như thế. Các học sinh thi đỗ vào hệ THCS của Trường Lương Thế Vinh các năm trước, được đánh giá có chất lượng tốt hơn học sinh xét tuyển đỗ vào, cũng hiếm hoi đạt 10 điểm Văn, Toán trong 5 năm tiểu học.

Theo PGS Văn Như Cương, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương “cấm thi” để giảm tải học tập, thi cử cho học sinh, tuy nhiên, việc nhiều phụ huynh “luyện” cho con tham gia nhiều cuộc thi để cộng điểm khác, nếu thực chất là học sinh thi, thì còn vất vả, căng thẳng hơn thi tuyển một lần.

Một người chị từng chia sẻ với tôi rằng, đồng hành với con qua các cuộc thi học sinh giỏi thành phố, thi tiếng Anh qua mạng… mới thấy con vất vả như thế nào. Mọi lúc, mọi nơi và gần như tất cả thời gian con dồn vào việc nhớ từ, luyện thi... Có hôm nằm lên giường ngủ với mẹ, con còn bật dậy vào bàn ngồi học vì nghĩ ra điều gì đó hay ho cho bài luận của mình. Đó là chưa kể khi học đội tuyển, các môn khác trên lớp đã được thầy cô “ngầm” cho con không phải học nhưng vẫn sẽ cho kết quả cao.

Bệnh thành tích và nỗi ám ảnh khoa cử, tưởng được dẹp bằng cơ chế xét tuyển, cuối cùng lại trầm trọng thêm. Và việc bọn trẻ tự gồng lên thi thố cho đạt các thứ thành tích này, dù đã là bi kịch, vẫn còn là một điều may mắn. Trong một số trường hợp, lũ trẻ thậm chí có thể được giáo dục rằng thành tích là thứ có thể “chạy” được.

Có phụ huynh kể rằng ở lớp con, có bạn không biết bơi nhưng lại được giải bơi, không biết chơi cầu lông nhưng có giải cầu lông. Tôi không tưởng tượng được rằng những ông bố bà mẹ ấy, sẽ nói gì với con để giải thích về cái giải này. Tôi cũng đoán được điều gì sẽ diễn ra trong đầu đứa trẻ, cũng như là bạn học của chúng, khi tiếp nhận hành vi ấy. Chúng sẽ xấu hổ với bạn bè? Hay là chúng sẽ thích, vì chúng là trẻ con? Chúng chưa thể hiểu hết được ý nghĩa của việc tự vượt qua chính mình.

Dù trạng thái tâm lý nào, nó cũng sẽ mang tính giáo dục mạnh, sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của các cháu sau này.

“Thật đáng xấu hổ khi các cháu mới 14-15 tuổi đã phải tận mắt chứng kiến tiêu cực trong giáo dục... khi những gia đình có tiền đi mua giải được cộng thêm điểm. Điều này sẽ là vết nhơ theo các cháu trong suốt cuộc đời, nhất là trong độ tuổi hình thành nhân cách” - lá thư của vị phụ huynh kia viết. Anh dường như thực sự bức bối, vì đã đề tên thật, địa chỉ, và cả trường lớp của mình trong một bức thư tố chuyện chạy giải, gửi cho báo chí.

Cơ chế xét tuyển và ưu tiên thành tích ngoại khóa khi xét tuyển, có thể là một mô hình tiên tiến của phương Tây. Nhưng có lẽ sẽ còn nhiều chi tiết phải cân nhắc lại trong bối cảnh xã hội Á Đông nặng nề truyền thống khoa cử; và sự thiếu minh bạch.

Bản thân những đứa trẻ nghĩ sao về điều đó? Tôi nhìn thấy những khuôn mặt buồn, đứng tựa vào thang máy của mấy học sinh được cha mẹ đưa tới lớp học thêm tiếng Anh buổi tối trong tòa nhà đang sống. Và tôi thầm nghĩ, mình sẽ chỉ làm gì, dù là chơi hay học, để con mình thấy vui.

Theo VnExpress

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...