Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mô hình trường học mới: Nhiều băn khoăn về chất lượng giáo dục

Cập nhật: 10:11 ngày 05/06/2017
(BGĐT) - Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) được triển khai ở cấp tiểu học tỉnh Bắc Giang từ năm học 2012-2013 với 15 trường tham gia thí điểm. Đến năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 102 trường áp dụng mô hình với 863 lớp học và 24.268 học sinh. Ở cấp THCS đến năm học 2016-2017, sau hai năm áp dụng, toàn tỉnh có 38 trường với 185 lớp, 5.664 học sinh.
{keywords}
Lớp học VNEN ở Trường Tiểu học Vân Hà số 2 (Việt Yên).

Rằng hay thì thật là hay…

Để nắm bắt tình hình, kết quả áp dụng mô hình trường học mới, vừa qua, Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) tiến hành khảo sát tại 18 trường tiểu học và THCS ở 9 xã của 4 huyện, thành phố. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), mô hình đạt một số kết quả và có nhiều mặt ưu việt. 

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Khai (TP Bắc Giang) Đinh Thị Thu Hằng cho biết, sau 4 năm thực hiện, cơ bản giáo viên đã hiểu và vận dụng được cách thức tổ chức cho học sinh tự học, phối hợp phụ huynh trong các hoạt động giáo dục bằng cách mời họ tham gia, hỗ trợ các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; đánh giá học sinh theo Thông tư 22 thuận lợi, hiệu quả hơn. Cũng nhờ thực hiện VNEN, nhà trường được quan tâm đầu tư chỉnh trang, hoàn thiện cơ sở vật chất. 

Qua phản ánh của giáo viên, việc trang trí lớp học theo mô hình VNEN làm mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí của phụ huynh học sinh (khoảng 2 triệu đồng/lớp/năm học). Không gian lớp học vốn đã hạn chế lại treo thêm nhiều bảng, biểu, đồ dùng dạy học lẫn trang trí dẫn đến rối rắm, chật chội.

Còn theo cô giáo Đặng Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Sơn (TP Bắc Giang), dạy học theo mô hình mới tạo không khí học tập nhẹ nhàng, giáo viên và học sinh không bị áp lực về khuôn khổ bài giảng, giảm thiểu áp lực về nội dung cũng như lượng sách vở môn học. Giáo viên không phải mất nhiều thời gian soạn giáo án vì đã có tài liệu hướng dẫn dùng chung cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh; giáo viên chỉ phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với đối tượng học sinh của lớp mình. 

Tuy nhiên, qua khảo sát cũng cho thấy thực tế ở nhiều trường, cơ sở vật chất còn chật hẹp, đồ dùng, trang thiết bị dạy và học cơ bản không đáp ứng được yêu cầu theo mô hình VNEN. Mô hình chỉ phù hợp với quy mô lớp 20-24 học sinh nhưng hầu hết các trường đông, có trường 36 em/lớp, cá biệt có lớp 43 em. Dạy theo mô hình này, thầy cô viết bảng ít, học sinh tự “nghiên cứu” nên khi giáo viên giảng bài, các em khó tập trung, đặc biệt hạn chế trong khả năng diễn đạt. Với những em học lớp 2, 3 đọc và nói tiếng Việt chưa rành rọt, việc hợp tác học theo nhóm là rất khó khăn. 

Hầu hết các nhà trường được khảo sát đều phản ánh tài liệu các môn học một số nội dung còn bất cập, chưa lô-gíc, chưa đồng bộ, không được phân chia rõ ràng như chương trình hiện hành. Do không được cấp đồ dùng dạy học, giáo viên phải tự làm nên chất lượng chưa đáp ứng được nội dung bài học, gặp khó khăn nhất định trong một số bài giảng. Việc tự làm đồ dùng dạy học không chỉ mất nhiều thời gian của giáo viên mà còn phải huy động xã hội hóa từ phụ huynh, tăng thêm gánh nặng cho gia đình. Hội đồng tự quản của học sinh mang tính hình thức, chưa hiệu quả. 

Cũng theo cô giáo Đinh Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Khai, tài liệu học tập của học sinh có một số bất cập như: Dự án viết dùng chung cho cả nước trong khi mức độ nhận thức của các em khác nhau; nội dung học tập thấp so với năng lực của học sinh. Việc tổ chức dạy và học theo mô hình VNEN đòi hỏi năng lực chuyên môn và phẩm chất của giáo viên phải được trau dồi thường xuyên. Việc mua sách của học sinh cũng gặp nhiều khó khăn...

Lo ngại chất lượng học sinh

Anh Nguyễn Thế Anh, thôn Hạ Lát, xã Tiên Sơn (Việt Yên) cho rằng, nếu học theo mô hình này trong thời gian dài, học sinh dễ mất kiến thức cơ bản, gia đình chỉ còn cách xin chuyển lớp, chuyển trường cho con, đề nghị dừng. Còn theo chị Nguyễn Thị Thách, thôn Kim Sơn, xã Tiên Sơn, mô hình chỉ phù hợp với học sinh khá, giỏi; học sinh trung bình trở xuống thường ngồi chơi trong giờ học, nắm kiến thức lơ mơ, vì thế về nhà phụ huynh khó giúp được con em ôn bài. 

Bà Ngô Thị Huế, tổ 3, phường Mỹ Độ (TP Bắc Giang) đề nghị nếu tiếp tục mô hình, các thầy cô giáo phải dành nhiều thời gian, công sức hơn nữa, theo dõi sát sao từng học sinh để giúp đỡ phù hợp và nên thông báo tình hình học tập của các em theo tháng, quý cho gia đình. 

Về phía giáo viên, nhất là giáo viên THCS, khi được hỏi hầu hết đều cho rằng học sinh không chăm học bài ở nhà; chỉ phù hợp với học sinh khá, giỏi; học sinh trung bình sẽ lười học hơn. Việc chia nhóm cùng với sĩ số lớp đông nên nhóm trưởng và các bạn khá, giỏi, mạnh dạn làm hộ hết, không phát huy được vai trò các thành viên còn lại. Cơ sở vật chất, nội dung sách giáo khoa cũng như số lượng học sinh mỗi lớp hiện nay đều chưa phù hợp với yêu cầu mô hình. Việc giáo viên THCS cùng lúc vừa dạy mô hình mới vừa dạy theo phương pháp truyền thống cho khối lớp khác nên chưa thể đổi mới hoàn toàn trong tư duy tiếp cận. Mặt khác, còn một bộ phận giáo viên hiện chưa đủ kinh nghiệm, chưa tâm huyết.

Theo kết quả khảo sát, có tới 72% cán bộ, giáo viên và phụ huynh cho rằng nếu dạy học theo mô hình mới lâu dài thì chất lượng học sinh sẽ hạn chế hơn rất nhiều so với chương trình hiện hành. Nhiều phụ huynh và lãnh đạo chính quyền cơ sở các xã Lam Cốt, Quế Nham (Tân Yên); Tăng Tiến, Vân Hà, Tiên Sơn (Việt Yên); Đồng Sơn (TP Bắc Giang) cho biết không được tuyên truyền, không nắm được, không được hỏi ý kiến trước khi cho con học lớp mô hình mới. 

Thậm chí nhiều phụ huynh muốn xin chuyển lớp, chuyển trường cho con nếu tiếp tục dạy và học kiểu này. Ông Thân Văn Dàn, thành viên Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) cho biết, quá trình khảo sát, nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng những học sinh ở lớp mô hình mới bậc THCS đến lớp 9 sẽ thi chuyển cấp ra sao khi nội dung, phương pháp học tập khác với chương trình truyền thống.

Mới đây, trong buổi làm việc giữa Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) với Sở GD&ĐT có sự tham dự của Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, trước những bất cập được chỉ ra, đại diện Sở GD&ĐT cho biết ngay trong hè này sẽ cho đánh giá toàn bộ mô hình và sẽ báo cáo đề xuất với UBND tỉnh hướng giải quyết. 

Dư luận nhân dân và phụ huynh mong muốn, dù đổi mới theo phương pháp nào thì phụ huynh, học sinh và người dân phải được thông tin một cách đầy đủ, hệ thống và chính xác; biết rõ mục tiêu, kết quả; phải đánh giá được chất lượng vì đó là quyền lợi hợp pháp của con em họ; phát huy những mặt ưu việt và khắc phục ngay những bất cập đang hiện hữu.

Kim Hiếu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...