Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giáo dục tiểu học: Kiên quyết xử lý những vấn đề ‘nóng’

Cập nhật: 14:46 ngày 05/08/2017
Lãnh đạo Sở GD&ĐT các địa phương phải tích cực tham mưu cho tỉnh để có biện pháp quản lý, kiên quyết xử lý những vấn đề tồn đọng. Ở đâu còn bệnh thành tích, khen thưởng tràn lan, ở đó Giám đốc Sở GD&ĐT phải chịu trách nhiệm.
{keywords}

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị.

Đây là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trong Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 cấp tiểu học vào sáng 4-8 tại TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ)

Tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân nhạ đã chỉ ra những nhiệm vụ trọng tâm cho giáo dục tiểu học trong năm học 2017-2018.

Bộ trưởng yêu cầu: Phải tập trung vào kỷ cương, nề nếp, đặc biệt là các bậc học phổ thông trong đó có tiểu học. Từ năm học 2017-2018 sẽ tập trung nguồn lực đầu tư, chuẩn bị cho việc đưa chương trình sách giáo khoa mới vào giảng dạy.

Đối với nhiệm vụ quy hoạch trường lớp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các tỉnh, thành phố phải đẩy mạnh rà soát quy hoạch lại mạng lưới trường lớp. Bộ đã triển khai thí điểm và tiến tới ban hành bộ quy chuẩn cho công tác này, các địa phương sẽ dựa đó để quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới toàn hệ thống trường lớp, dần định rõ quy mô trường lớp các cấp học một cách đồng bộ, tạo bước tiến trong chất lượng giáo dục rõ nét hơn. Với các trường gặp khó khăn trong việc bố trí ca học và tổ chức các hoạt động giáo dục, Bộ sẽ có hướng dẫn riêng cho các trường này.

Bộ trưởng cũng nhận định: Công tác bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là đặc biệt quan trọng, giải quyết được nhiệm vụ này là thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Năm học 2016-2017 ghi nhận nhiều nỗ lực trong việc bồi dưỡng giáo viên, cán bộ ở các địa phương. Tuy nhiên, nếu so với bộ chuẩn giáo viên mới Bộ đang xây dựng thì hầu hết giáo viên hiện nay chưa đáp ứng được.

Cụ thể, trong mô hình trường học mới-VNEN, ngoài năng lực chuyên môn đội ngũ giáo viên còn phải đáp ứng các yêu cầu về phương pháp dạy học, kỹ năng hướng dẫn, truyền đạt. Trên thực tế, tuy tỉ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn (theo chuẩn cũ) là rất cao nhưng nhiều giáo viên vẫn còn rất hạn chế trong các kỹ năng, phương pháp dạy cũng như chưa được chuẩn bị, tập huấn kỹ lưỡng dẫn đến tình trạng triển khai VNEN tràn lan, chất lượng chưa bảo đảm đồng bộ về chất lượng.

Trước tình trạng này, Bộ trưởng yêu cầu các sở GD&ĐT phải rà soát lại, nếu trường nào chưa đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất thì dừng triển khai, chỉ áp dụng những yếu tố tích cực của mô hình VNEN.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương phải chấm dứt ngay tình trạng dạy thêm học thêm. 

Đối với bệnh thành tích, làm đẹp hồ sơ, học bạ, Bộ trưởng nhận định, về bản chất, công tác đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 22 là rất nhân văn, tuy nhiên nhiều nơi có tình trạng khen tràn lan. Do vậy, các địa phương phải rà soát lại công tác này để triển khai đúng tinh thần của Bộ khi áp dụng đánh giá học sinh không qua điểm số.

Bộ trưởng nêu rõ: “Ở đâu còn bệnh thành tích, khen thưởng tràn lan, ở đó Giám đốc Sở GD&ĐT phải chịu trách nhiệm”.

Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ GD&ĐT đã tổ chức quyên góp ủng hộ học sinh, giáo viên và nhân dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ tại một số tỉnh Yên Bái và Sơn La trong những ngày gần đây.

Sau lễ quyên góp, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phát động trong toàn ngành ủng hộ, chia sẻ khó khăn với ngành giáo dục hai tỉnh Yên Bái và Sơn La.

Theo Báo Chính phủ

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...