Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hợp đồng giáo viên mầm non ở các trường công lập: Giải bài toán thiếu đội ngũ

Cập nhật: 20:37 ngày 08/08/2017
(BGĐT) - Từ năm học 2017-2018, Nghị quyết số 19/2017/NQ-HĐND ngày 13-7-2017 của HĐND tỉnh Bắc Giang cho phép các địa phương thực hiện hợp đồng lao động với giáo viên mầm non (GVMN) trong các trường công lập. Đây là hành lang pháp lý quan trọng giúp ngành giáo dục toàn tỉnh giải bài toán thiếu đội ngũ và quá tải trong trường mầm non công lập.  

{keywords}

Thực hiện Nghị quyết số 19 giúp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở bậc học mầm non.

Ảnh: Cô và trò Trường Mầm non Phong Minh (Lục Ngạn).


Tăng trẻ ra lớp, thiếu giáo viên

Bắc Giang hiện có 276 trường mầm non, trong đó 268 trường công lập, 8 trường tư thục và 150 nhóm trẻ độc lập. Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi nhà trẻ (từ 18-36 tháng) ra lớp hiện nay là hơn 20,4 nghìn cháu, đạt 18,5%; hơn 100,1 nghìn trẻ trong tuổi mẫu giáo (từ 3-6 tuổi) ra lớp, đạt 97,85%. Nhu cầu trẻ ra lớp mỗi năm tăng từ 5 nghìn đến 7 nghìn cháu. Do vậy, cơ sở vật chất chưa đáp ứng kịp nhu cầu, đặc biệt là đội ngũ giáo viên trong các cơ sở mầm non công lập quá tải. Đến tháng 5-2017, tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân toàn tỉnh đạt 1,44. Tình trạng thiếu GVMN diễn ra ở các huyện, TP làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Theo kế hoạch năm học 2017-2018, Trường Mầm non Tân Thịnh (Lạng Giang) có hơn 700 trẻ đến lớp. "Với 17 lớp, so với đội ngũ hiện có, trường còn thiếu 4 giáo viên nữa mới bảo đảm tỷ lệ 1,8 giáo viên/lớp. Năm học trước, do thiếu giáo viên nên một số lớp 1 giáo viên phải quản lý từ 60-63 trẻ nên rất vất vả, chất lượng không được như mong muốn", cô Nguyễn Thị Phi Loan, Hiệu trưởng nói. 

Nghị quyết 19 quy định: Kinh phí thực hiện từ nguồn thu học phí được cân đối để chi lương, phụ cấp cho GVMN; ngân sách tỉnh hỗ trợ đóng BHYT, BHXH và các khoản đóng góp bắt buộc (tổng 24% quỹ lương); trong đó ngân sách huyện, TP bảo đảm 50%, còn lại ngân sách tỉnh. Riêng với hợp đồng GVMN ở huyện Sơn Động và các xã đặc biệt khó khăn do ngân sách cấp tỉnh chi trả 100% lương, phụ cấp và các khoản đóng góp bắt buộc.

Tương tự, các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Lục Nam tỷ lệ giáo viên/lớp hiện thiếu nhiều so với nhu cầu. Có mặt tại Trường Mầm non Hồng Thái (Việt Yên), chúng tôi chứng kiến các cô giáo tất bật vệ sinh, chăm sóc, dạy dỗ trẻ. Cô giáo Thân Thị Dịu cho hay: "Từ 6 giờ 30 phút chúng tôi đã có mặt để đón trẻ và trở về gia đình khi trời đã tối. Hôm nào cũng vậy nên những lớp một giáo viên đảm đương 35-37 trẻ xoay xở rất vất vả. Tôi mong chính sách mới sớm được thực thi, bổ sung đội ngũ giúp giáo viên chia sẻ công việc, yên tâm công tác lâu dài".

Đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục mầm non, vừa qua, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 19 (có hiệu lực từ ngày 1-8-2017) quy định cơ chế, chính sách hợp đồng GVMN. Theo đó, từ năm học 2017-2018, tỉnh sẽ hợp đồng với GVMN có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, chức danh nghề nghiệp. Việc hợp đồng thực hiện trên thực tế số lớp, bảo đảm đủ 1,8 GV/lớp mẫu giáo. Lương và các chế độ khác tương đương như giáo viên hợp đồng làm việc trong biên chế. Thực hiện Nghị quyết này, UBND tỉnh giao 782 chỉ tiêu hợp đồng GVMN cho các địa phương. Trong đó, huyện Lạng Giang nhiều nhất, 189 chỉ tiêu; Hiệp Hòa 173; Lục Nam 100; TP Bắc Giang thấp nhất có 6 chỉ tiêu… 

Bảo đảm chất lượng đội ngũ

Những ngày qua, việc triển khai ký hợp đồng lao động với GVMN như thế nào, quy trình, tiêu chuẩn ra sao được nhiều người quan tâm. Để kịp thời bổ sung đội ngũ GVMN cho năm học mới, ngày 8-8, đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị triển khai Nghị quyết số 19 với sự tham gia của lãnh đạo các sở: Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, TP... 

Các ý kiến tập trung bàn giải pháp làm thế nào để tuyển chọn, bổ sung đội ngũ GVMN có đủ năng lực, chất lượng, đáp ứng yêu cầu công việc và bảo đảm các yếu tố công bằng, khách quan trong quá trình thực hiện ký hợp đồng. Ông Đinh Đức Cảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên nêu: Những năm trước, do thiếu GV nên địa phương hiện có hàng chục trường hợp hợp đồng GVMN do các trường trực tiếp ký. Nhiều lao động yêu nghề, mến trẻ, tâm huyết, có thời gian công tác 4-5 năm và đề xuất xem xét ưu tiên nhóm này. Về thứ tự xác định người để ký hợp đồng lao động, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên Nguyễn Đại Lượng đề xuất ưu tiên lựa chọn trước những người có bằng đại học sư phạm mầm non chính quy, tiếp đó là cao đẳng sư phạm mầm non loại giỏi chính quy để bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng, ổn định. Đóng góp ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng Nghị quyết ban hành có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo đà để chất lượng giáo dục bậc học mầm non nâng lên. Thời gian vào năm học mới đang rất cận kề, đề nghị các địa phương quan tâm, nhanh chóng bố trí đủ các chỉ tiêu được giao. 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh: Việc lựa chọn lao động để ký hợp đồng phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng giảng dạy; trình độ. Căn cứ tình hình thực tế, các địa phương ưu tiên lựa chọn người đã hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội từ 3 năm trở lên, chỉ áp dụng trong năm học 2017-2018. Quyền lợi, nghĩa vụ, khen thưởng, kỷ luật của giáo viên hợp đồng lao động thực hiện theo Bộ luật Lao động, Luật Viên chức, Luật Thi đua-Khen thưởng... Hội đồng xét chọn phải thực hiện theo đúng trình tự, bảo đảm công khai, minh bạch, nghiêm túc, trách nhiệm. Đồng chí yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện ký hợp đồng GVMN xong trước ngày 10-9 để bảo đảm các điều kiện cho năm học. 

                                                                                        Mai Toan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...