Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 25 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đầu vào trường sư phạm thấp vì có trường tuyển sinh bằng mọi giá

Cập nhật: 16:36 ngày 23/08/2017
GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Hà Nội - cho rằng, không loại trừ khả năng, có một số cơ sở cố tình tuyển sinh bằng mọi giá, dẫn đến tình trạng "9 điểm/3 môn vẫn có thể đỗ vào trường sư phạm”, “điểm chuẩn thấp nhưng thí sinh vẫn thờ ơ”... 
{keywords}

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng.

Cần quyết liệt quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm

Thí sinh thờ ơ với ngành sư phạm vì ra trường khó xin việc. Vẫn còn tình trạng “chạy việc”, “chạy biên chế”, lương giáo viên thấp… nên ngành sư phạm khó thu hút người tài. Hàng hoạt bất cập trong ngành đã được nhiều người chỉ ra, nhưng cách nào để giải quyết bài toán này?

Theo GS Nguyễn Văn Minh, việc dư luận nói nhiều đến những bất cập trong ngành sư phạm thời gian qua cho thấy sự quan tâm của cả xã hội đối với giáo dục. Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề tập trung nâng cao chất lượng của người thầy là hết sức quan trọng. “Tại các trường sư phạm truyền thống vẫn giữ được điểm đầu vào khá cao. Dù điểm đầu vào không phải là tất cả, nhưng đó là những tham số đáng quan tâm khi tuyển sinh. Ngoài ra không loại trừ khả năng, một số cơ sở cố tình tuyển sinh bằng mọi giá. Nếu thế, đây chính là hệ lụy cho việc thiếu kiểm soát của các cơ sở đào tạo sư phạm”, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội chia sẻ.

GS Nguyễn Văn Minh cũng nhận định, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh những năm qua chưa được thực hiện một cách rốt ráo. Điều này dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu, tác động không nhỏ tới tâm tư của học sinh giỏi muốn đăng ký vào các trường sư phạm. Từ những bất cập này, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội “hiến kế”: Việc quan trọng nhất lúc này là cần sớm quy hoạch mạng lưới đào tạo sư phạm. Chúng ta cần quan niệm quy hoạch để phát triển. Đó là các trường đầu tầu, các trường trung tâm, các phân hiệu và các cơ sở vệ tinh. Tiếp đó, trên cơ sở điều tra về quy mô học sinh, sự thay đổi về số lượng đội ngũ, phân bố địa lý dân cư... chúng ta sẽ có các cơ sở đào tạo tốt hơn và lúc đó sẽ nắm được chỉ tiêu. Đây là cơ sở quan trọng để xác định được việc làm, sinh viên sẽ yên tâm khi vào học ở các trường sư phạm”.

Ngoài ra, GS Minh cho rằng, cần sớm kiểm định chất lượng các cơ sở đào tạo sư phạm, công khai tình trạng sinh viên tốt nghiệp có việc làm, đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng. Các nhà quản lý cần sớm cải thiện phương án phụ cấp tài chính, đào tạo theo chương trình ứng với chỉ tiêu đặt hàng các trường sư phạm.

Ngành giáo dục đang rất khó điều hành

Theo ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - sở dĩ thí sinh thờ ơ với ngành sư phạm, hay nhân lực ngành giáo dục trở thành vấn đề “nóng” thời gian qua là vì lâu nay, ngành đang “ở thế khó”, hay nói cách khác là “ngành giáo dục đang rất khó điều hành”.

“Giáo viên là viên chức do Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ quản lý, trong khi Bộ GD&ĐT thì chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục. Việc này gây ra tình trạng khó điều hành trong công tác quản lý. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT cũng cần điều chỉnh và có những kiến nghị hợp lý, để tạo thuận lợi hơn trong công tác quản lý của mình” - ông Phan Thanh Bình nêu ý kiến.

Ông Bình cũng cho rằng, Bộ GD & ĐT cần có chiến lược xây dựng đội ngũ giáo viên. Trong đó, ngoài đào tạo cần có chính sách đúng cho thầy cô về vị trí, chất lượng, không nên phân biệt giáo viên trường công lập hay tư thục, mà là vị thế, đóng góp của họ cho xã hội.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 diễn ra ngày 21-8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã bày tỏ sẽ quyết tâm đẩy nhanh quy hoạch lại các trường sư phạm. Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong năm học tới. Theo đó, các trường có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm, để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên cho các địa phương, đáp ứng được những yêu cầu của mục tiêu đổi mới giáo dục.

Theo Đặng Chung/LĐ


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...