Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Rút kinh nghiệm từ vụ "bạo hành" học sinh ở Hà Nội

Cập nhật: 09:06 ngày 12/09/2017
Sự việc cô giáo đánh bầm tím chân học sinh lớp 2 trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, TP Hà Nội khiến nhiều người thắc mắc nguyên nhân dẫn tới sự việc khi xảy ra tại một trường học giữa Thủ đô với một giáo viên kinh nghiệm lâu năm.
{keywords}

Chân học sinh lớp 2, trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, TP Hà Nội bị cô giáo đánh bầm tím.

Không nên đổ lỗi vì bất cứ nguyên nhân gì 

Tiến sĩ (TS) Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội nhận định, hành vi bạo lực trong trường học là không thể chấp nhận dù xuất phát từ bất cứ nguyên nhân gì. Hành động “bạo hành” với học sinh càng không thể xảy ra ở một trường học ở Hà Nội, nơi có đầy đủ mọi thông tin về quyền và trách nhiệm của giáo viên đối với học sinh cũng như là những cơ sở giáo dục được đầu tư tốt nhất về điều kiện giảng dạy để hướng tới chất lượng toàn diện. “Giáo viên có thể gặp tâm lý, áp lực công việc gia đình, nhà trường nhưng hoàn toàn không thể coi đó là nguyên nhân giải thích cho việc đánh học sinh. Đây là vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Một giáo viên lâu năm hay mới vào nghề đều phải hiểu rõ công việc đặc thù của mình và luôn phải giữ vững đạo đức nghề nghiệp”, TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Theo bà  Phạm Minh Thảo, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, đây là một giáo viên lâu năm, luôn tích cực, năng nổ trong các hoạt động của trường. Trong quá trình công tác, cô giáo chưa có sai phạm gì. Tuy nhiên, khi xảy ra sự việc, bản thân cô cũng bày tỏ sự băn khoăn, không hiểu tại sao lại có hành động như vậy và cho biết rất ân hận về hành động này. Theo báo cáo giải trình của cô giáo, lý do cô dùng thước đánh nhiều học sinh là do các em vào lớp muộn sau giờ ra chơi.

Rút kinh nghiệm thế nào để không tái diễn bạo hành?

Ngày 11-9, UBND quận Ba Đình đã tổ chức cuộc họp khẩn về sự việc cô giáo dùng thước kẻ đánh học sinh tại lớp 2A, Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình. Tất cả 49 Hiệu trưởng trường mầm non, Tiểu học, THCS quận Ba Đình phải họp khẩn để rút kinh nghiệm về vụ cô giáo trường Nguyễn Tri Phương dùng thước kẻ đánh học sinh. Theo ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo, quận Ba Đình, mục đích chính của cuộc họp nhằm thông báo cụ thể về sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, từ đó rút kinh nghiệm trong toàn ngành. 

Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND quận Ba Đình đã quán triệt yêu cầu tới tất cả Hiệu trưởng các trường trên địa bàn tăng cường phổ biến, nhắc nhở đội ngũ giáo viên chấp hành nghiêm túc nội quy, quy định chung của ngành, tuyệt đối không vi phạm các nguyên tắc, đạo đức nghề nghiệp. Thực tế, nhiều vụ việc bạo hành học sinh đã xảy ra tại Hà Nội cũng như một số địa phương cả nước trong thời gian gần đây dẫn tới phản ứng tiêu cực từ dư luận đối với hình ảnh người thầy. Đây đều là những bài học đáng để giáo viên rút kinh nghiệm để bản thân không lặp lại. 

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, ở đây có vai trò, trách nhiệm của Ban giám hiệu các trường khi không sâu sát tâm lý, năng lực sư phạm của giáo viên trong trường. “Vấn đề đạo đức nghề nghiệp phải được liên tục nhắc đi nhắc lại, các giáo viên phải ký cam kết mỗi năm học về việc không sử dụng bạo lực đối với học sinh. Không thể nói đây là việc biết rồi, nói mãi vì rõ ràng là với giáo viên lâu năm vẫn còn phạm sai lầm như vậy. Ngoài ra, các trường cần quan tâm tới vấn đề tâm lý nghề nghiệp, góp phần định hướng, giải tỏa cho giáo viên trong các buổi họp giao ban, trao đổi kinh nghiệm về các tình huống sư phạm. Việc bố trí giám thị nhà trường, bao quát tình hình học tập, giảng dạy, theo sát các diễn biến trong trường học của cả thầy và trò cũng góp phần ngăn ngừa tốt hơn các hiện tượng bạo lực học đường”, TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Theo ANTĐ

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...