Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 24 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sổ liên lạc điện tử: Phụ huynh chưa hài lòng về chất lượng

Cập nhật: 09:49 ngày 15/09/2017
(BGĐT) - Sổ liên lạc điện tử (SLLĐT) được ứng dụng trong ngành giáo dục vài năm gần đây nhằm giản tiện việc trao đổi thông tin giữa nhà trường và gia đình. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có một số bất cập, chất lượng dịch vụ còn hạn chế, mức phí chưa tương xứng khiến nhiều phụ huynh băn khoăn.
{keywords}

Trung bình, Trường THCS Bố Hạ chỉ gửi 3 - 4 tin nhắn/năm học cho phụ huynh.

Mở hàng trăm nghìn sổ liên lạc điện tử

SLLĐT là hình thức trao đổi thông tin quản lý học sinh từ nhà trường đến phụ huynh dựa trên các ứng dụng công nghệ, phần mềm tiện ích. Phụ huynh có thể nhận tin từ điện thoại di động và đăng nhập vào hệ thống để biết kết quả học tập của con em thay cho sổ liên lạc truyền thống như trước đây. Tại huyện Lục Nam, các nhà mạng Viettel, VNPT đã cung cấp các gói dịch vụ SLLĐT tới 10/33 trường khối tiểu học, 30/31 trường THCS và một số trường mầm non.

Chị Trương Thu Thủy có con học tại Trường THCS thị trấn Đồi Ngô cho biết, nhờ SLLĐT, các thông tin của nhà trường như mời họp, thời khóa biểu, các khoản đóng góp, nghỉ lễ tết, nhận xét của giáo viên... được chuyển đến gia đình kịp thời. Còn theo thầy Nguyễn Danh Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Phương Sơn: SLLĐT giúp thông báo nhanh các nội dung cần thiết tới phụ huynh. Công tác phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh trong việc quản lý, giáo dục học sinh kịp thời hơn.

SLLĐT là một trong nhiều nội dung của chương trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học thông qua thỏa thuận hợp tác toàn diện về công nghệ thông tin giữa Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) với Viettel Bắc Giang và VNPT Bắc Giang. Để thực hiện, hằng năm Sở có văn bản đôn đốc phòng GD&ĐT các huyện, TP và các trường trực thuộc phối hợp với các nhà mạng trong việc ứng dụng SLLĐT.

Cách thức thực hiện do nhà trường, nhà mạng và phụ huynh thỏa thuận ký hợp đồng từ đầu năm học. Các đơn vị cung cấp dịch vụ gồm: Viettel, VNPT hỗ trợ đường truyền mạng, phần mềm miễn phí cho các nhà trường, cùng đó đưa ra nhiều gói dịch vụ với giá cước từ 20 đến 250 nghìn đồng/năm học/học sinh (tùy số lượng tin nhắn, nội mạng, ngoại mạng). Theo thông tin từ hai nhà mạng, năm học qua toàn tỉnh có 219 trường với 138 nghìn phụ huynh học sinh sử dụng SLLĐT.

Một năm chỉ gửi vài tin nhắn

{keywords}

Chúng tôi ủng hộ việc sử dụng SLLĐT nhưng với điều kiện chất lượng thông tin, dịch vụ phải tương xứng, một năm học phụ huynh bỏ ra 50 nghìn đồng chỉ để nhận vài tin nhắn với nội dung chung chung thì thật lãng phí".


Anh Vũ Kim Cương, có con học tại Trường THCS Bố Hạ (Yên Thế)

Năm học 2016-2017, huyện Yên Thế có 23 trường sử dụng SLLĐT với hơn 6,4 nghìn học sinh (đa phần do VNPT cung cấp dịch vụ). Các nhà trường, phụ huynh thường chọn gói cước 50 nghìn đồng/năm học/học sinh, song nhiều phụ huynh chưa hài lòng về chất lượng dịch vụ. Anh Vũ Kim Cương có con học Trường THCS Bố Hạ phản ánh: "Nhiều phụ huynh chưa có điện thoại thông minh hoặc máy tính kết nối mạng để truy cập vào hệ thống nên chưa thể khai thác hết tính năng của dịch vụ. Do nhà mạng hạn chế quỹ tin nhắn, ký tự nên các trường thường nhắn tin không dấu, phụ huynh rất khó "luận" nội dung". SLLĐT không gửi được bảng điểm, tỷ lệ tin thất bại cao, nhiều phụ huynh không nhận được tin, cá biệt có trường hợp tin nhắn nhầm địa chỉ.

Tại Trường THCS Tân Hiệp, tỷ lệ tin nhắn thất bại lên tới 14,4%, Trường THCS Xuân Lương 10,8%, Trường THCS Đông Sơn là 6,9%... Tính năng lưu trữ thông tin hạn chế, việc trích xuất, in, sao dữ liệu chưa thuận tiện, phải ghép nhiều file mới đủ thông tin của một học sinh và là thông tin một chiều, chưa có chức năng phản hồi của phụ huynh. Nhiều trường chưa duy trì tin nhắn thường xuyên nên phụ huynh cho rằng giá cước quá cao. Dùng gói cước 50 nghìn đồng, năm học vừa qua bình quân Trường THCS Bố Hạ gửi 3 - 4 tin nhắn cho mỗi phụ huynh, tương đương 14,7 nghìn đồng/tin nhắn (cao gấp hàng chục lần so với tin nhắn thông thường).

Theo đại diện Sở GD&ĐT, hiện Sở chưa có đánh giá về hiệu quả sử dụng dịch vụ SLLĐT bởi đã trao quyền tự chủ cho các nhà trường, mọi hoạt động do đơn vị cung cấp dịch vụ tự thỏa thuận với nhà trường và phụ huynh nên Sở không thể can thiệp sâu. Để khắc phục bất cập, từ năm học này, Viettel Bắc Giang đưa vào ứng dụng mới cho phép phụ huynh nhắn tin trao đổi phản hồi với giáo viên và bổ sung phần trò chơi trắc nghiệm kiến thức nhằm hỗ trợ học tập. Tuy nhiên, để làm được như vậy đòi hỏi phụ huynh, học sinh có máy tính, điện thoại thông minh kết nối internet. Nhà mạng cũng sẽ theo dõi, đôn đốc các nhà trường chưa tích cực gửi tin nhắn đến phụ huynh.

Không thể phủ nhận tiện ích của SLLĐT song để phát huy hiệu quả, nhà mạng, nhà trường cần có điều chỉnh nhằm bảo đảm quyền lợi của phụ huynh và học sinh. Qua đây cũng cho thấy công tác giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trong lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều ý kiến đề xuất, để phát huy hiệu quả SLLĐT, ngành giáo dục cần yêu cầu nhà mạng cung cấp phần mềm giám sát gửi tin nhắn qua SLLĐT của các trường, qua đó nhắc nhở những đơn vị thực hiện chưa nghiêm. Các nhà mạng quan tâm khảo sát tình hình phối hợp thực hiện để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đắc Thụ

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...