Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 23 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khắc phục khó khăn, tạo chuyển biến trong giảng dạy

Cập nhật: 10:41 ngày 20/09/2017
(BGĐT) - Việc sáp nhập các trung tâm Dạy nghề, Giáo dục thường xuyên (GDTX) là chủ trương đúng, phù hợp với xu thế, khắc phục những hạn chế của từng loại hình khi hoạt động riêng lẻ. Trước những khó khăn giai đoạn đầu sáp nhập, mỗi trung tâm phải có nhiều nỗ lực để nâng chất lượng giáo dục.
{keywords}

Giờ thực hành của học sinh lớp Điện - Điện tử tại Trung tâm GDNN - GDTX Tân Yên.

Thuận lợi trong tuyển sinh

Thực hiện chủ trương của liên Bộ: Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, tháng 1-2017, Bắc Giang hoàn thành sáp nhập hai loại hình trung tâm dạy nghề và GDTX. Theo đó, ba trung tâm dạy nghề ở huyện Hiệp Hòa, Tân Yên và TP Bắc Giang được chuyển từ UBND các huyện, TP về trực thuộc Sở GD&ĐT, có tên mới là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). Việc đưa hai đơn vị cùng đứng chân trên địa bàn về một mối nhằm tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, phát huy hiệu quả hoạt động dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp, liên kết đào tạo.

Sau gần một năm sáp nhập, có thể nhận thấy công tác tuyển sinh tại các trung tâm này thuận lợi hơn. Trước đây, trên địa bàn huyện Tân Yên có hai cơ sở cùng đào tạo nghề, khi tuyển sinh phải cạnh tranh gắt gao. Thiết bị, máy móc phục vụ dạy nghề của Trung tâm GDTX cơ bản đã cũ, không đáp ứng yêu cầu. Đến nay, cơ sở vật chất của Trung tâm GDNN-GDTX Tân Yên được tăng cường khi hệ thống máy may, điện - điện tử của Trung tâm Dạy nghề được bổ sung sang; đội ngũ cán bộ, giáo viên được sắp xếp lại. Nhờ vậy, năm học này, Trung tâm có 15 lớp văn hóa, 23 lớp trung cấp nghề (may, điện - điện tử) với tổng số 673 học sinh, tăng hơn 100 em so với năm học trước. Ngoài ra, đơn vị mở một lớp dạy nghề cho lao động nông thôn tại xã Ngọc Châu thu hút gần 40 học viên. Ông Ngô Duy Khương, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm cho biết: “Với mô hình trung tâm đa chức năng như hiện nay, chúng tôi được đầu tư kinh phí để cải tạo sân trường, xưởng thực hành. Từ đó thu hút học sinh trên địa bàn tham gia học văn hóa, học nghề”. Hoạt động liên kết đào tạo với các trường trung cấp, cao đẳng, cơ sở dạy nghề trong tỉnh cũng được đẩy mạnh do việc phối hợp chỉ còn thực hiện với một đầu mối, thuận lợi hơn so với trước.

Cũng là đơn vị mới sáp nhập, thời gian qua, Trung tâm GDNN-GDTX Hiệp Hòa đã củng cố, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, có sức hút với học viên. Năm học 2017-2018, Trung tâm được Sở GD&ĐT đầu tư hơn 5 tỷ đồng, xây mới 8 phòng học. Kết quả tuyển sinh vượt chỉ tiêu với gần 300 học sinh nhập học; tổ chức đào tạo nghề và dạy văn hoá THPT theo chương trình GDTX cho hơn 700 em. Sau khi tốt nghiệp, học sinh được cấp bằng tốt nghiệp THPT và bằng trung cấp nghề.

Nhận rõ bất cập để khắc phục

{keywords}

Các trung tâm sau khi sáp nhập phải chủ động tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động, đổi mới phương pháp đào tạo, mở rộng chương trình liên kết, hợp tác với các đơn vị và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Phấn đấu kết thúc năm học này, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề đạt hơn 95%, trong đó 70% có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo".


Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT

Xung quanh việc sáp nhập các trung tâm vẫn bộc lộ khó khăn nhất định. Mô hình mới được vận hành khi đội ngũ cán bộ quản lý lại chưa tiếp cận hết các văn bản quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Hiệp Hòa Nguyễn Xuân Công nói: Trung tâm GDTX hoạt động theo Quy chế “Tổ chức và hoạt động của trung tâm GDTX” ban hành kèm theo Quyết định số 01 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; trung tâm hướng nghiệp hoạt động theo Thông tư số 44 của Bộ GD&ĐT; lĩnh vực nghề lại tuân thủ theo quy định của Luật Nghề nghiệp. Giờ ghép vào một đơn vị nên có sự ràng buộc, khó thực hiện. Trước đây, trung tâm GDTX chỉ dạy văn hóa, dạy nghề phổ thông nay thực hiện chức năng dạy văn hóa, đào tạo nghề nghiệp cho người lao động, hầu hết giáo viên đều lúng túng khi thực hiện nhiệm vụ. Thiếu kinh phí cũng gây khó khăn trong hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh các trường THCS.

Về phía đội ngũ giáo viên, nhiều người chưa đủ tiêu chuẩn để có thể vừa dạy nghề, vừa dạy văn hóa, do vậy cần tiếp tục bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Cơ cấu giáo viên dạy văn hóa và dạy nghề tại các trung tâm cũng mất cân đối. Đơn cử như ở Trung tâm GDNN-GDTX Tân Yên, trong khi thiếu giáo viên dạy môn Lịch sử, Tin học thì đội ngũ chuyển từ Trung tâm Dạy nghề sang không có nghiệp vụ sư phạm, ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm nên chỉ có thể làm chủ nhiệm lớp hoặc quản lý lớp nghề. Tình trạng trên cũng diễn ra tại nhiều trung tâm GDNN-GDTX trong tỉnh.

Để khắc phục khó khăn, ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, thời gian tới cần sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành liên quan, tăng cường quản lý nhà nước về GDNN. Hằng năm xây dựng kế hoạch đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn phù hợp nhu cầu thực tế, bảo đảm chất lượng và chỉ tiêu được giao, đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm. Sở GD&ĐT sẽ quan tâm hơn nữa, dành kinh phí đầu tư trang thiết bị cho các trung tâm có điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, góp phần nâng chất lượng công tác dạy nghề và GDTX trên địa bàn.

Nhóm PV

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...