Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 27 - 38 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ngoại ngữ vẫn là điểm yếu của học sinh Việt Nam

Cập nhật: 20:00 ngày 20/09/2017
Kết quả khảo sát học đối với học sinh lớp 9 và lớp 11 cho thấy, tỉ lệ học sinh đạt chuẩn môn tiếng Anh rất hạn chế.
{keywords}

Ngoại ngữ vẫn là điểm yếu của học sinh Việt Nam.

Đó là một trong những kết luận của Báo cáo phân tích ngành giáo dục (giáo dục phổ thông) vừa được công bố tại Diễn đàn giáo dục 2017 do Viện Khoa học Giáo dục và Văn phòng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam tổ chức.

Cụ thể, theo báo cáo, năm học 2012-2013, đánh giá trên 63 tỉnh/thành phố với 18.881 học sinh, 629 trường THCS theo chuẩn kiến thức, kỹ năng cho thấy, tỉ lệ học sinh đạt chuẩn môn tiếng Anh chỉ là 52,75%.

Trong khi đó, kết quả khảo sát với 10.060 học sinh lớp 11 năm học 2011-2012 cho thấy, tỷ lệ đạt chuẩn môn tiếng Anh chỉ là 24,21%, chỉ chiếm chưa tới 1/4 học sinh.

Nhiều khu vực có tỉ lệ thấp hơn rất nhiều. Chẳng hạn Đồng bằng Sông Cửu long chỉ có 13,55% học sinh đạt chuẩn. Tương tự, khu vực Tây Nguyên, tỷ lệ này cũng chỉ là 17,31%.

Kể cả những nơi có điều kiện học tập thuận lợi hơn như đồng bằng Sông Hồng thì tỷ lệ học sinh đạt chuẩn môn tiếng Anh cũng chưa tới 1/3.

Khu vực Đông Nam Bộ có tỷ lệ học sinh đạt chuẩn tiếng Anh cao nhất cũng là 36%.

Đến năm học 2014-2015, kết quả khảo sát với 10.366 học sinh cũng cho thấy, tỷ lệ đạt chuẩn môn tiếng Anh tăng lên là 40,43%.

“So sánh kết quả giữa các môn học thì ngoại ngữ vẫn là một điểm yếu đối với học sinh Việt Nam” – báo cáo khẳng định. “Đây chính là rào cản đối với học sinh Việt Nam khi tiếp tục học lên hoặc tham gia thị trường lao động trong bối cảnh Việt Nam hội nhập mạnh mẽ về mặt kinh tế và thương mại”.

Đối với các môn học khác được đưa vào đánh giá thì tỷ lệ học sinh đạt chuẩn kiến thức kỹ năng cả ở cấp THCS và cấp THPT đều chỉ đạt ngưỡng 50% (ngoại trừ môn Ngữ văn trong đợt khảo sát năm 2014-2015 đạt tỷ lệ hơn 70%). Tuy nhiên, điều này có nghĩa rằng, còn một số lượng đáng kể học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức – kỹ năng.

Báo cáo cũng cho rằng, kết quả học tập của học sinh chưa đồng đều giữa các vùng. Khu vực miền núi có tỷ lệ học sinh đạt chuẩn thấp hơn so với khu vực nông thôn và thành thị. Tỷ lệ học sinh dân tộc thường đạt chuẩn ở các môn học thấp hơn học sinh dân tộc Kinh.

Điều đáng nói là trong khi 90% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS sẽ vào học THPT thì có tới hơn 10% học sinh không hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Theo đánh giá của báo cáo, điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

Theo Vietnamnet

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...