Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ánh sáng học đường: Nhiều nơi chưa đạt chuẩn

Cập nhật: 09:49 ngày 19/10/2017
(BGĐT) - Mặc dù có quy định về ánh sáng học đường song hệ thống đèn chiếu sáng ở nhiều trường học trong tỉnh Bắc Giang hiện nay lắp đặt tùy tiện là một trong những nguyên nhân gây ra tật khúc xạ.

{keywords}

Hệ thống đèn chiếu sáng ở Trường Tiểu học Bích Động lắp chưa đúng quy định.

Mỗi nơi mỗi kiểu 

Trường Tiểu học và THCS Vân Hà cơ sở 1, tại thôn Vân Hà (Việt Yên) xây dựng gần hai chục năm. Trường xây dựng theo thiết kế cũ, quá trình sử dụng nảy sinh bất cập do đường dây điện lắp đèn sát tường, trên quạt trần. Bởi vậy, khi đồng thời sử dụng quạt và đèn, cánh quạt quay khiến ánh sáng bị chia cắt, độ rọi không đều khiến học sinh nhanh mỏi mắt, chóng mặt. Khảo sát ở một số trường khác như: THCS Hoàng Hoa Thám (TP Bắc Giang), Tiểu học Bích Động, THCS Hương Mai (Việt Yên), THCS Chu Điện (Lục Nam)... phóng viên cũng nhận thấy vị trí lắp đặt đèn bất cập. 

Các chuyên gia khuyến cáo nhà trường có thể tham khảo độ chiếu sáng đạt chuẩn cho một phòng học như: Sử dụng bóng đèn huỳnh quang T8 - 36W, sáng hơn 20% so với đèn huỳnh quang thông thường và 130% so với đèn nung sáng công suất 100W; màu sắc thật hơn, gần với ánh sáng tự nhiên. Vị trí đèn treo dưới quạt, có máng, chao chụp phản quang để tăng cường độ sáng, phân bố ánh sáng đồng đều; bố trí vị trí đèn song song với hướng nhìn và cửa để hạn chế phản xạ lóa mắt. Nên sử dụng quạt treo tường, lắp ở độ cao 2,5 m dọc theo lớp học để khắc phục hiện tượng chia cắt ánh sáng khi quạt vận hành.

Kết quả kiểm tra công tác y tế trường học năm học 2016-2017 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tại 10 huyện, TP (mỗi nơi kiểm tra 3 trường) cho thấy, hơn 90% trường vị trí mắc bóng đèn chiếu sáng trong lớp chưa theo quy định (cao trên quạt); 23% phòng chưa có đủ số bóng đèn. Trong khi đó, ở một số nơi đủ bóng nhưng bị hỏng hoặc cũ, ánh sáng mờ chưa được thay thế; chiều dài của bóng neon không đạt 1,2 m như quy định. 

Nhận thấy tầm quan trọng của ánh sáng học đường, năm 2000, Bộ Y tế ban hành văn bản quy định phòng học phải bảo đảm độ chiếu sáng không dưới 100 lux (đơn vị đánh giá cường độ ánh sáng cảm nhận được). Trường hợp ánh sáng tự nhiên không đủ cần bổ sung thêm hệ thống chiếu sáng nhân tạo (đèn). Nếu sử dụng bóng đèn tóc, mỗi phòng cần phải bảo đảm có 4 bóng, treo đều ở 4 góc, công suất từ 150W đến 200W/bóng; bóng neon cần có 6-8 bóng, mỗi bóng dài 1,2 m. Bóng treo ở độ cao cách mặt bàn 2,8 m, treo dưới quạt. Quy định là vậy nhưng thực tế mỗi trường áp dụng một kiểu. Đại diện nhiều trường lý giải do cơ sở vật chất xây dựng đã lâu, kết cấu, vị trí lắp đặt đường điện nhiều bất cập dẫn theo hệ thống đèn chiếu sáng không đúng quy chuẩn. Có trường nêu lý do khó khăn chưa bố trí hoặc huy động được kinh phí cải tạo, sửa chữa... 

Nhà trường và gia đình cùng vào cuộc

Theo bác sĩ Lâm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, ánh sáng trong lớp học không đúng và không đủ khiến mắt học sinh luôn phải điều tiết dẫn đến mỏi, là một trong những nguyên nhân gia tăng tật khúc xạ. Năm học 2016-2017, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức khảo sát ngẫu nhiên ở nhiều cơ sở giáo dục đều cho kết quả đáng lo ngại. Ở Trường THPT Thái Thuận (TP Bắc Giang) có 561/1433 (chiếm 39,1%) học sinh mắc các tật về mắt (cận thị, viễn thị, loạn thị); tiếp đó là Phòng Giáo dục và Đào tạo TP (chọn ngẫu nhiên hai trường mầm non, hai trường tiểu học và hai trường THCS) có 977/4534 (21,5%) em mắc tật về mắt; tỷ lệ này ở Trường THPT Yên Dũng số 1 là 271/1.467 (18,5%). Qua phân tích thấy tỷ lệ học sinh bị cận thị có xu hướng tăng lên theo từng cấp học.

Năm học 2017-2018, người đứng đầu một số trường đã quan tâm khắc phục. Đơn cử như Trường THPT Lạng Giang số 1 vận động phụ huynh ủng hộ ngày công, kinh phí thay bóng cũ, tăng số lượng từ 5 lên 10 bóng/lớp; sơn lại toàn bộ dãy nhà học ba tầng và hai tầng bằng màu vàng chanh để tăng độ sáng cho không gian lớp học. Thầy giáo Nguyễn Huy Nghĩa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lạng Giang số 1 cho biết: "Kinh phí sửa chữa gần 500 triệu đồng. Đây là khoản tiền lớn song nhà trường quyết tâm cải tạo để ánh sáng trong phòng học đạt yêu cầu, bảo vệ mắt cho học sinh cũng như giáo viên". 

Theo ông Hoàng Công Học, Trưởng Phòng Chính trị - Tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo), người đứng đầu các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị trường lớp học. Trước khi bước vào năm học tiến hành rà soát, bố trí kinh phí cải tạo hệ thống chiếu sáng học đường. Bổ sung bóng đèn mới, thay thế bóng cũ, hỏng. Với các trường khó khăn, ban giám hiệu chú trọng khâu tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, phụ huynh chung tay tháo gỡ. Quá trình vận động cần giải thích rõ mục đích, ý nghĩa của việc làm để tạo sự đồng thuận. Cùng đó, giáo viên chủ nhiệm chú ý đổi chỗ cho học sinh từ trái qua phải, trên xuống dưới và ngược lại theo tuần, tháng giúp học sinh cân bằng khả năng nhìn, hạn chế các tật về mắt.

                                                           Hải Vân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...